Mật độ điện thoại vùng cao tăng vọt

21:36, 13/07/2011
|

Sau 5 năm thực hiện Chương trình Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010, mật độ điện thoại ở các địa phương đạt khoảng gần 16 máy/100 dân, vượt xa mục tiêu 5 máy/100 dân. 
 
Con số này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với 7 tỉnh đang trực tiếp thụ hưởng chương trình do Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin Quốc gia tổ chức ngày 13/7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo.

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu

Ra đời trong bối cảnh viễn thông ở nước ta phát triển nhanh nhưng mức độ phổ cập dịch vụ còn thấp và không đồng đều, Chương trình Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg ngày 7/4/2006 (gọi tắt là Chương trình 74), nhằm mục đích tăng mức độ phổ cập dịch vụ viễn thông tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Sau 5 năm, nhiều chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành. Trong đó, đáng chú ý là mật độ điện thoại ở các địa phương thuộc vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đạt khoảng gần 16 máy/100 dân, vượt xa mục tiêu là 5 máy/100 dân.

40% số hộ dân trong vùng công ích có điện thoại cố định; 97% số  xã có điểm truy nhập điện thoại công cộng, trừ một số xã mới được tách, thành lập; mọi người dân được truy nhập miễn phí khi sử dụng các dịch vụ viễn thông bắt buộc (được cung cấp theo yêu cầu của Nhà nước để bảo đảm thông tin liên lạc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật).

Tuy nhiên Chương trình 74 vẫn chưa hoàn thành mục tiêu 70 % số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập internet công cộng, còn một số ít xã người dân vẫn chưa sử dụng điện thoại.

Qua cầu truyền hình trực tuyến, các địa phương thụ hưởng chương trình như Gia Lai, Sóc Trăng, An Giang, Quảng Nam, Điện Biên… đánh giá cao hiệu quả của chương trình. Rất nhiều bà con nhân dân vùng khó khăn đã được tiếp cận với dịch vụ điện thoại với mức hỗ trợ 15.000 – 20.000 đồng mỗi tháng…

Tuy nhiên, một tồn tại là nhiều doanh nghiệp chưa thông tin rõ ràng về việc phân định chính sách hỗ trợ của nhà nước và chương trình khuyến mại của mình dẫn tới sự hiểu nhầm.

Thêm vào đó, có trường hợp doanh nghiệp lựa chọn những vùng địa lý thuận lợi trong vùng công ích để triển khai nên mức độ phổ cập dịch vụ càng chênh lệch. Đồng thời, đến thời điểm này, nhiều địa phương chưa được quyết toán chương trình.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp được đặt hàng cung ứng dịch vụ viễn thông công ích đã kiến nghị một số vấn đề nhằm tăng cường hiệu quả chương trình trong thời gian tới, như tổ chức đấu thầu các dịch vụ thay vì chỉ định, bổ sung kinh phí hỗ trợ thêm thiết bị hỗ trợ đầu cuối cho các doanh nghiệp...

Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người dân để chương trình thực hiện được mục tiêu xã hội hóa các dịch vụ.

 
Đề xuất cơ chế kích cầu sử dụng internet

Về định hướng trong giai đoạn 2011-2015, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quy mô và phạm vi của Chương trình sẽ thu hẹp lại và tập trung theo chiều sâu. Cụ thể, phạm vi sẽ giảm từ 4.500 xã xuống còn 2.000 xã, trong đó tập trung 69 huyện nghèo nhất (trong đó có 62 xã nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), 41 xã đảo và các đồn biên phòng.

Đồng thời, tập trung đầu tư cho các điểm truy cập internet công cộng như trung tâm văn hóa xã, trụ sở UBND xã và điểm văn hóa xã.

Đặc biệt, trong giai đoạn tiếp theo sẽ trích tỷ lệ tài chính nhất định đầu tư cho hạ tầng vì từ trước đến nay doanh nghiệp viễn thông tự đầu tư.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu và đề xuất về cơ chế hỗ trợ tài chính nhằm kích cầu sử dụng Internet. Cụ thể, sẽ trích từ nguồn Quỹ Viễn thông Công ích, hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình về thiết bị đầu cuối.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin Quốc gia đánh giá cao những kết quả mà chương trình đã đạt được.

Từ kết quả đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng Đề án Cung cấp dịch vụ Viễn thông Công ích giai đoạn 2011-2015 và trình Chính phủ trước ngày 15/8, đồng thời làm riêng Đề án cho 400 xã đặc biệt khó khăn chưa có cơ sở hạ tầng viễn thông.

Mục tiêu của giai đoạn tiếp theo là hoàn thành các chỉ tiêu giai đoạn 1, xây dựng chỉ tiêu cụ thể ở các xã đặc biệt khó khăn, các xã biển đảo để giảm độ chênh lệch.

Phó Thủ tướng lưu ý cần chú ý nguyên tắc hỗ trợ giai đoạn đầu, sau đó sẽ giảm dần sự hỗ trợ theo thời gian để nêu cao tinh thần chủ động của địa phương và người dân.

Đồng thời, cần cung cấp các dịch vụ theo các công nghệ mới như điện thoại cố định theo công nghệ không dây, phù hợp với xu hướng chung của thế giới số hóa, trên cơ sở có lợi cho người dân.

 


theo chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc