Tại Thông báo số 167/TB-VPCP ban hành ngày 13/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các đơn vị chuyên môn về an ninh mạng tiến hành khảo sát, đánh giá sự an toàn và mất an toàn của các báo điện tử, các trang thông tin điện tử của các báo thuộc các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành.
Kết quả khảo sát được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/8/2011.
Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn các cơ quan liên quan triển khai ngay các giải pháp khả thi để nâng cao độ an toàn của các báo điện tử, có kế hoạch khắc phục sự cố hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 897/CT-TTg ngày 10/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số và Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 13/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, cơ quan liên quan sớm hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực lĩnh vực báo chí đến năm 2020. Chủ động phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo báo chí và các cơ quan báo chí, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ những người làm báo về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các cơ quan chủ quản báo chí cần chủ động xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống báo chí của mình trong giai đoạn 2011-2015, đảm bảo sự gắn kết hài hòa và phù hợp giữa quy hoạch, chiến lược phát triển của ngành mình với quy hoạch, chiến lược phát triển chung của lĩnh vực thông tin - truyền thông.
Các cơ quan báo chí cần tạo điều kiện và cơ chế khuyến khích phóng viên gắn bó với thực tiễn cuộc sống, bám sát địa phương, cơ sở để kịp thời phát hiện, tích cực tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiền, gương người tốt việc tốt và phản ánh trung thực, với ý thức xây dựng các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời kiên quyết lên án, phê phán và đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
Các cơ quan báo chí cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng số báo, từng ấn phẩm, từng chương trình, nhằm bảo đảm thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, chính xác và có hệ thống về các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", về các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Ý kiến bạn đọc