Nhạc chờ tự chế của Viettel phản cảm, dung tục

21:26, 15/06/2011
|

Nếu ngứa mông có cởi quần ra không; Thuê bao thích múa cột; Kẻ thù lớn nhất của đời người là vợ, Thuê bao đang say rượu miễn gọi… hay cả những chuyện tế nhị “đưa vợ lên giường và cởi quần áo cô ấy ra” cũng được đưa lên nhạc chờ của Viettel, khiến không ít người nghe phát hoảng.
 
Nhạc chờ của Viettel đã trở thành một dịch vụ quen thuộc của tất cả những người dùng di động và khách hàng nhà mạng này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, rất nhiều bạn đọc phản ánh với báo Giáo Dục Việt Nam về nội dung của nhiều bản nhạc chờ rất phản cảm, dung tục. Không những không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam mà còn dễ gây hiểu lầm cho những người nghe.
 
"Giật bắn mình" khi nghe nhạc chờ tự chế của Viettel
 
Phản ánh đến báo Giáo Dục Việt Nam, chị Hồng Hạnh - giáo viên một trường cấp 2 tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, chị đã phải “giật bắn mình” khi gọi điện thoại cho cậu em trai đang học tại trường Đại học Văn hóa thì nghe một đoạn nhạc chờ có hai phụ nữ đối đáp nhau và kết thúc bằng một câu khá thô tục “Nếu ngứa mông thì có cởi quần ra mà gãi không?”. Hỏi ra mới biết, bản nhạc chờ này cậu em trai mới tải từ dịch vụ nhạc chờ của Viettel.
 
Lần theo những chi tiết của chị Hạnh, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã tìm ra bản nhạc chờ này có tên là “Ngứa đâu thì gãi gì – mã số 678540” do Viettel cung cấp trên tổng đài 1221. Nguyên văn đoạn nhạc chờ này là “Tại một đèn xanh đèn đỏ, một chị thấy người bên cạnh mình đang ngãi một cái nón bảo hiểm hì hục, chị ta thắc mắc liền hỏi người bên cạnh: Này đồng chí ơi, nếu ngứa đầu không gỡ nón ra mà gãi sao lại gãi cái nón như thế? Người kia bực mình quay sang trả lời: Thế bây giờ tôi hỏi nhà chị, nếu ngứa mông thì có cởi quần ra mà gãi không?”.
 
Theo chị Hạnh, với nội dung như vậy nhạc chờ không những không có tí văn hóa nào và còn làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Đặc biệt là đối với giới trẻ, chúng dễ bị tiêm nhiễm và truyền bá những ngôn từ không hay cho nhau.
 
Không đơn giản chỉ “sốc” giống như chị Hạnh, ông Hà Minh (Nghi Tàm – Hà Nội) có lần còn “cuống cuồng” giục người nhà đi tìm cháu nội, bởi khi gọi cho cháu lại nghe thấy đầu dây bên kia giọng lè nhè trả lời:  “Thuê bao quý khách hiện gọi đang say lắm, đợi thuê bao uống lốt chai này, thuê bao nghe máy nha.a.a..! Say đâu mà say, mới tây tây thôi, 1, 2, 3 zô. 2, 3 za…”.
 

Ảnh minh họa

Phần giới thiệu của một bản nhạc tự chế bị nhiều khách hàng "tố" dùng ngôn từ thô kệch.


Chỉ khi cháu ông Minh thấy cuộc gọi nhỡ và gọi lại cho ông, ông mới biết đó là nhạc chờ của Viettel. “Trời đất, những kiểu nhạc như vậy mà họ cũng sản xuất ra được. Cái nhạc ấy suýt làm tôi ngã ngửa, vì tôi tưởng thằng cháu tôi nó đau dạ dày rất nặng mà lại đi uống rượu say”, ông Minh bức xúc.
 
Nhạc chờ tự chế: “Đặc sản” của Viettel?
 
Lướt qua trang Imuzik Portal Viettel – website chính giới thiệu nhạc chờ, nhạc chuông của Viettel, nhiều khách hàng khá “hoảng” với kho nhạc chờ khổng lồ của Viettel. Đặc biệt là chuyên mục “Nhạc sáng tạo cực hot”, tại đây có hàng trăm các bản nhạc tự chế với đủ thể loại, nội dung và kiểu cách.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những bản nhạc chờ hay, ấn tượng với người nghe thì cũng có không ít bản nhạc chờ khô khan, thô kệch, tục tĩu hay thiếu tính giáo dục cũng được “trưng” lên.
 
Khánh Hoàng, sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, từng sử dụng rất nhiều nhạc chờ kiểu tự chế của Viettel đang rất thu hút giới trẻ, đặc biệt được bạn bè của Hoàng xem là “hàng độc”, bởi nó thể hiện một cái gì đó phá cách.
 
Khánh cũng chia sẻ, trước đây từng tải nhạc chờ có nội dung: “Cha mẹ dạy ta trước khi lấy vợ: Kẻ thù lớn nhất của con là vợ, thất bại lớn nhất của đời con là không bỏ được nó, bi ai lớn nhất của đời con là sống với nó, tài sản lớn nhất của con là những thứ nó đang giữ, khiếm khuyết lớn nhất của đời con là không lấy được hai vợ, an ủi lớn nhất của đời con là đứa con trai nó đẻ ra”. Một lần, mẹ Khánh gọi điện cho Khánh nghe phải bản nhạc chờ này đã “sạc” Khánh một trận và cho rằng không cha mẹ nào dạy như thế cả, những cái tốt đẹp thì không dùng, dùng toàn những cái thiếu văn hóa.
 
Thực tế cho thấy, chỉ cần lướt qua và kích vào một số cái tít “ấn tượng” trên website Imuzik Portal, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã được nghe một số bản nhạc chờ “bất hủ” của Viettel như: Nhạc chờ “Thuê bao thích múa cột – mã số 678338” có lời “Thuê bao quí khách vừa gọi luôn sẵn sàng múa cột ở bất kỳ đâu nếu quý khách chấp nhận làm cột cho thuê bao múa…”; Nhạc chờ “Điều trị tâm thần - mã số 678530” có nội dung “Này, nếu đuợc về nhà thì anh sẽ làm gì? Cưới vợ ạ. Thế trong đêm tân hôn anh sẽ làm gì? Dạ, em sẽ đưa cô ấy vào phòng rồi bế lên giường ạ. Sau đó thì…? Em sẽ cởi bỏ quần áo cô ấy ra ạ….".
 
Nhạc chờ là một dịch vụ rất hay, giúp người gọi điện nghe được những điệu nhạc, khúc hát vui vẻ thay vì những tiếp tút tút khô khan. Nhưng với những bản nhạc chờ tự chế có nội dung thô kệch, nhãn nhẽo có lẽ sẽ khiến nhiều người tiêu dùng thấy ức chế và bức xúc hơn. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng phải siết chặt hơn nội dung của các bản nhạc chờ do các nhà mạng cung cấp, đem lại một môi trường “sạch” hơn cho những người dùng di động.


(Theo GDVN)

Ý kiến bạn đọc