Khách hàng trên 25 tuổi đang bị nhà mạng thờ ơ

11:09, 05/06/2011
|

(VnMedia) - Các nhà khai thác mạng viễn thông Việt Nam đang cố gắng lôi kéo khách hàng trẻ tuổi và những người dùng trả trước, khi cung cấp các dịch vụ hấp dẫn cùng nhiều chiêu thức khuyến mại cho nhóm đối tượng này, mà bỏ quên các nhóm đối tượng khác. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, họ cần cân nhắc lại.

Đánh giá khách hàng

Ông Phạm Mạnh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện đối tượng những người trẻ tuổi không chỉ là học sinh cấp 3 mà ngay cả học sinh cấp 1, cấp 2 đang có xu hướng được bố mẹ cho dùng điện thoại di động ngày càng nhiều. Ông nghĩ rằng, xu thế ở Việt Nam trong những năm tới, các bậc phụ huynh cho con em ở lứa tuổi nhỏ hơn sử dụng ĐTDĐ sẽ ngày càng nhiều, nhất là các vùng nông thôn khi hiện nay ĐTDĐ vẫn chưa được dùng nhiều.

Hơn nữa, tâm lý bố mẹ cho con em dùng trả trước để khống chế được tiền sử dụng là điều phù hợp. Do đó liệu các nhà khai thác mạng có nên giảm bớt sự quan tâm vào hai phân khúc thị trường này hay không?

Ông Roger Barlow, Giám đốc điều hành công ty RJB Consultants cho rằng, việc các nhà khai thác dịch vụ viễn thông Việt Nam tập trung vào các thị trường trẻ chỉ đúng vào thời điểm hiện tại. Trong 5 năm tới, đây chưa chắc đã là phân khúc thị trường thích hợp để khai thác. Công ty ông đã nghiên cứu xu hướng nhân khẩu để biết sự tác động của nhân khẩu học tới tốc độ phát triển và tăng trưởng của thị trường Viễn thông trong tương lai.

Mọi người nghĩ rằng, Việt Nam là một quốc gia có dân số ngày càng trẻ nhưng điều đó chỉ đùng với giai đoạn trước đây.

Tính tới tháng 3/2011, số lượng dân số có độ tuổi dưới 25 ở Việt Nam ngày càng giảm và lớn hơn 25 tuổi ngày càng tăng lên và ngày càng quan trọng đối với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, con số khác nữa để nhìn vào nhu cầu tương lai của thị trường Viễn thông. Đó là nhìn vào cấp độ các hộ gia đình ở Việt Nam. Điều đáng nói ở đây, các hộ gia đình Việt Nam đang tăng lên nhưng số người trung bình trong mỗi hộ lại giảm đi, số lượng người chuyển từ nông thôn lên thành phố tăng lên.

Bên cạnh đó, việc đánh giá mức độ thu nhập của các hộ gia đình cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu dịch vụ Viễn thông. Trong 5-10 năm tới, thu nhập mỗi hộ gia đình khoảng 7000USD/năm có mức chi tiêu ngày càng cao. Trong khu vực đô thị, xu thế này thể hiện rõ hơn. Tại Việt Nam, từ 5-10 năm tới, các hộ gia đình chi tiêu vào thị trường Viễn thông sẽ gia tăng từ 1,1tỷ USD lên 1,4 tỷ USD (năm 2015), tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị. Nhìn vào nhóm đô thị, mức độ chi tiêu tăng 41-45%.

Trong khi đó, mạng cố định ngày càng giảm xuống từ 78% hiện nay xuống 50% vào năm 2015 vì các hộ gia đình sử dụng điện thoại di động nhiều hơn. Hơn nữa, lĩnh vực cố định không phải lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn để các nhà đầu tư chú trọng nhiều. Vì xu thế suy giảm đang diễn ra. Về di động, hiện mỗi hộ gia đình Việt Nam có ít nhất 1 SIM card và thị trường này đang tương đối bão hòa. Trong khi băng rộng cố định được dự báo sẽ tăng gấp đôi từ này đến 2015.

Cần định hướng lại phân khúc tập trung

Chính vì vậy Roger Barlow khuyến nghị rằng, các nhà khai thác dịch vụ Viễn thông Việt Nam không chỉ nên tập trung vào phân khúc thị trường trẻ mà cần tập trung vào phân khúc khác nữa.  Các nhà khai thác dịch vụ Viễn thông cần phải nghĩ ra những dịch vụ gì hay sản phẩm di động nào nên được cung cấp cho phân khúc người dùng trên 25 tuổi. Họ cần thực hiện phân khúc lại đối tượng người dùng và đưa ra các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường đó, đặc biệt phân khúc trên 25 tuổi. Vì điều đó có thể giúp tăng doanh thu, giảm tỷ lệ rời mạng,…
 
Bài học từ các công ty viễn thông thành công trên thế giới cũng cho thấy sự cân đối một cách thích hợp giữa trả trước và trả sau để đảm bảo rằng, họ luôn có các phân khoảng thị trường phù hợp thay vì có những khách hàng luôn chuyển đổi SIM card giữa các nhà khai thác khác nhau.
 
Mặt khác, ông cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần đầu tư vào các công nghệ băng rộng thế hệ mới và định hướng các nhà khai thác dịch vụ viễn thông đầu tư vào các công nghệ mới như các quốc gia khác đang làm, chẳng hạn như Singapore là một ví dụ.
 
Nhìn chung, các dịch vụ giá trị gia tăng, giải trí và dịch vụ cao cấp dành cho băng rộng sẽ là những dịch vụ ưu thế phục vụ cho phân khúc khách hàng có độ tuổi trên 25. Nhóm đối tượng này mong muốn được sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng có chất lượng hấp dẫn hơn và sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ đó. Vì vậy, việc xác định mức độ quan tâm đối với từng nhóm đối tượng khách hàng sẽ tạo cho các nhà khai thác dịch vụ viễn thông tăng lợi nhuận và sự phát triển bền vững.


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc