(VnMedia) - Tuần rồi, cả Sony và Google đều phải đau đầu trước những đơn kiện của các “đối tác”. Kẻ bị kiện vì không trả tiền bản quyền, người vì ăn cắp bí mật thương mại. Còn một số doanh nghiệp viễn thông có tiếng của Việt Nam lại bị khách hàng phàn nàn nhiều về chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng…
Hãng ngoại lo giải quyết kiện tụng
Sau hàng loạt rắc rối thời gian qua, tập đoàn Sony tiếp tục phải đối mặt với vận đen mới có tên... Tessera. Mới đây, hãng công nghệ Tessera đã đâm đơn kiện Sony lên tòa án bang California vì tập đoàn điện tử và giải trí của Nhật đã phá vỡ hợp đồng, không chịu thanh toán tiền bản quyền cho Tessera.
Theo Tessera, thỏa thuận giữa Sony với Tessera cho phép họ có quyền kiểm toán hồ sơ của Sony để biết xem những khoản thu nhập nào có liên quan tới các bản quyền của hãng này. Ngoài những sự cố bảo mật đang khiến khách hàng quay lưng lại với mình, Sony sẽ phải hứng chịu thêm một khó khăn mới từ vụ kiện cáo của đối tác một thời "chung lưng đấu cật" với họ.
Trong khi Sony “dính” kiện tụng vì vấn đề bản quyền, thì gã khổng lồ Google lại bị EBay, PayPal kiện với lý do ăn cắp bí mật thương mại. Hôm 26/5 vừa rồi, EBay và đơn vị thanh toán trực tuyến của mình, PayPal Inc, đã kiện Google cùng hai giám đốc điều hành của Google vì đánh cắp các bí mật thương mại liên quan đến hệ thống thanh toán di động.
Vụ kiện này đã làm nổi bật cuộc chiến ngày càng quyết liệt của một loạt công ty từ tài chính truyền thống đến Thung lũng Silicon, những hãng đang tìm cách giành được một thị phần lớn trong cái được mô tả là một cơ hội 1.000 tỷ USD trong lĩnh vực thanh toán di động, trong bối cảnh điện thoại di động được xem như chiếc ví kỹ thuật số trong tương lai.
Đơn kiện của eBay nói rằng Bedier làm việc chín năm tại PayPal, gần đây nhất giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách nền tảng, điện thoại di động và các dự án mới. Ông này gia nhập Google hôm 24/1 vừa qua. Bedier bị cáo buộc "chiếm đoạt các bí mật thương mại của PayPal bằng việc tiết lộ những bí mật này cho Google và nhà bán lẻ lớn."
“Ông lớn” Việt liên tục bị khách hàng kêu
Trong tuần qua cũng là thời điểm báo chí Việt có hàng loạt các bài viết liên quan tới việc người dùng phàn nàn về chính sách chăm sóc khách hàng, dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông Việt là FPT và Viettel.
Sử dụng dịch vụ ADSL của FPT, một khách hàng tại Hà Nội không những không được giảm trừ tiền những ngày ngừng cung cấp dịch vụ mà khi sự việc chưa ngã ngũ, Công ty này đã trấn áp khách hàng bằng việc “dọa” đưa khách hàng ra tòa… Đó là trường hợp của anh Trần Nhật M được đăng tải trên báo điện tử VTCnews tuần vừa rồi.
Sử dụng thuê bao ADSL của FPT Telecom với gói cước cố định từ năm 2005, hàng tháng, ngoài số tiền thuê bao thì dùng hết dung lượng bao nhiêu nhà mạng sẽ tính tiền tương ứng nhưng số tiền, vị khách hàng này còn phải trả dao động trong khoảng 150-350.000 đồng/tháng (gói cước này nhà mạng giới hạn không quá 350.000 đồng/tháng).
Sau đó, gia đình anh M đã chuyển sang sử dụng gói cước trọn gói 275.000 đồng/tháng theo lời tiếp thị của nhân viên nhà mạng. Đến đầu năm 2011, do đi vắng, chậm nộp tiền cước, FPT Telecom đã cắt dịch vụ ADSL của anh M. Theo thông báo của FPT thì nhà mạng đã ngừng cung cấp dịch vụ cho anh M từ ngày 26/1.
Đến ngày 17/2, anh M nộp tiền cước và tiếp tục sử dụng dịch vụ đến ngày 24/2 thì lại bị cắt. Kiểm tra trên trang web của công ty, anh M thấy FPT Telecom thông báo do anh nợ cước nên bị cắt dịch vụ. Không đồng tình với việc FPT Telecom thu cước nhưng không giảm trừ cho khách hàng những ngày bị cắt dịch vụ nên anh M đã không liên lạc với nhà mạng để sử dụng tiếp. Theo anh M, tổng đài FPT còn thông báo khởi kiện, chính nhân viên đã đề xuất phương án tính tiền 1 tuần của tháng 2 và tiền cước tháng 3 chuyển sang tháng sau khi anh sử dụng lại dịch vụ đã gửi lời xin lỗi anh.
Trong tuần, một bài báo đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam lại phản ánh tình trạng mạng 3G của Viettel bị đứt khiến các thuê bao sử dụng dịch vụ phải “đắp chiều” tới cả tháng trời. Nhiều khách hàng tại khu vực Nghi Tàm - Hà Nội phản ánh không dùng được dịch vụ 3G của Viettel.
Chị Hạnh Lâm - nhân viên của Công ty Cổ phần Truyền thông HTV (tại số 93/310 Nghi Tàm - Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: từ cuối tháng 4, cả công ty của chị, những ai dùng thuê bao 3G đều phải để điện thoại “đắp chiếu”. Cụ thể, khi người khác gọi đến, máy luôn ở trạng thái “Thuê bao quý khách không liên lạc được”, còn gọi đi lại báo “Lỗi kết nối” hoặc “Thuê bao nằm ngoài vùng phủ sóng”.
Không chỉ ở ngõ 310 Nghi Tàm, hầu như những thuê bao 3G tại đường Phần Lan cũng nằm trong tình trạng tương tự, chỉ khi nào ra khỏi khu vực trên thì điện thoại mới hoạt động được trở lại. Các thuê bao 3G nào nằm trong khu vực trên, nếu không biết cách chuyển sang chế độ 2G xem như điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng “Không liên lạc được”. Nhiều nhân viên công ty, văn phòng gặp phải tình trạng đi làm về đến nhà (ra khỏi khu vực mất sóng 3G) mới “ngớ người” ra là có người nhắn tin, gọi điện từ sáng mà không hề nhận được.
Giải thích nguyên nhân tại sao đã được khách hàng phản ánh trục trặc từ gần 1 tháng nay mà Viettel không khắc phục, nhân viên của Viettel lại cho biết: “Do có sự luân chuyển cán bộ trong khu vực, mà người luân chuyển lại không bàn giao lại công việc nên mới xảy ra tình trạng trên”.
Còn khi trả lời báo chí, một đại diện cấp cao của Viettel thừa nhận: sự cố ở Nghi Tàm là có thật và sẽ cử người đến xin lỗi trực tiếp khách hàng phản ánh lên Viettel. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không xin lỗi trên báo chí mà lại chỉ xin lỗi có một người, vì ở đó còn rất nhiều trường hợp khác cũng lâm vào cảnh tương tự, vị đại diện này cho biết: “Đó là phạm vi nhỏ, nếu 1 phường hay một quận thì Viettel mới phải xin lỗi trên báo chí!?”.
Ý kiến bạn đọc