Mặt trời là lò phản ứng hạt nhân khổng lồ

15:25, 14/05/2011
|

(VnMedia) - Theo bài báo của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải (Đại học Quốc gia Hà Nội) đăng trên báo điện tử Bee.net, mặt trời là lò phản ứng hạt nhân khổng lồ. Đến một lúc nào đó, nó lại là hiểm họa cho sự tồn tại của con người.

Ngoài việc phóng ra vô số các hạt, tia năng lượng bắn phá Trái Đất, Mặt Trời còn có một từ trường rất mạnh tạo ra từ sự chuyển động của khối plasma. Các biến động về từ trường Mặt Trời thể hiện bởi các cơn bão từ. Từ bên ngoài ta có thể quan sát bão từ bằng cách nhận diện các vết đen trên bề mặt của Mặt Trời.

Vết đen là những vùng có kích thước lớn hơn Trái Đất và có nhiệt độ khoảng 1.500 độ C, thấp hơn nhiều nhiệt độ 5.800 độ C ở vùng xung quanh nên chúng tối hơn. Số lượng các vết đen thể hiện mức độ biến động của từ trường Mặt Trời với chu kỳ 11,2 năm. Tức là phải mất 5 - 6 năm để đi từ điểm cực đại này đến điểm cực tiểu khác. Số lượng vết đen đạt cực tiểu hoặc cực đại đều liên quan đến hoạt động mạnh của Mặt Trời và vì thế ảnh hưởng đến Trái Đất.

Năm 2005 là năm hoạt động mạnh của Mặt Trời với các vụ phun trào hạt năng lượng cao kỷ lục cũng đồng thời cũng là năm xảy ra nhiều thiên tai khủng khiếp. Ví dụ, trận bão Katrina và ngay sau đó là những trận bão lớn khác như Rita, Stan, Wilma làm cho mùa mưa bão năm 2005 là mùa mưa bão vô địch trong các mùa mưa bão. Mưa bão ở một số nơi này nhưng hạn hán và nóng bỏng ở một số nơi khác, năm 2005 cũng là năm nóng và khô hạn kỷ lục trong lịch sử Trái Đất.

Đến năm 2012, tức là năm theo chu kỳ Mặt Trời lại hoạt động dữ dội hơn đợt trước từ 30 - 50%, chúng ta chuẩn bị đón chờ những diễn biến thiên nhiên khắc nghiệt sẽ xảy ra với Trái Đất. Hơn nữa, từ trường của Mặt Trời cũng bị đảo chiều giống Trái Đất nhưng với tần suất cao hơn nhiều với chu kỳ 20 năm. Dự kiến lần đảo chiều tiếp theo sẽ xảy ra vào năm 2012. Việc Mặt Trời phóng tia năng lượng cao, kết hợp với từ trường Trái Đất bị yếu đi do bắt đầu quá trình đảo từ có thể gây ra ngày tận thế chăng?

Tuy nhiên, các hiểm hoạ với TráiĐất không chỉ giới hạn trong vùng không gian của Hệ Mặt Trời mà có thể mở rộng trong vùng không gian của Ngân hà. Hệ Mặt Trời nằm ở vùng rìa của dải Ngân hà. Và cũng như các phần khác của dải Ngân hà, Hệ Mặt Trời chuyển động cùng thiên hà của chúng ta. Trong khi chuyển động trong vùng không gian vô tận đó, thỉnh thoảng Hệ Mặt Trời phải đối mặt với những nhiễu loạn của tia vũ trụ còn gọi là các đám năng lượng liên sao, tàn dư của một vụ nổ của ngôi sao nào đó trước đây.

Theo nghiên cứu của Alexey Dmitriev, một nhà vật lí thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, khi phân tích dữ liệu của phi thuyền Voyager 1 (hiện đang ở rìa của Hệ Mặt Trời) cho thấy, Hệ Mặt Trời đang đi vào vùng nhiễu loạn thì, giống như tàu con thoi lao vào khí quyển, toàn bộ Hệ Mặt Trời, trong đó có cả Trái Đất, sẽ nóng lên và gây những biến đổi bất thường trong lòng Mặt Trời. Theo nhà khoa học này, các hoạt động bất thường gần đây của Mặt Trời có liên quan đến việc Hệ Mặt Trời đang đi vào vùng có các đám năng lượng liên sao. Mà bất kỳ cái gì gây nhiễu loạn đến Mặt Trời sẽ làm nhiễu loạn đến chúng ta.

Muller tác giả của bài báo nói về tuyệt chủng hàng loạt của các loài đưa ra giả thuyết gần giống Dmitriev. Ông cho rằng, Hệ Mặt Trời đi qua một khu vực trong dải ngân hà có mật độ hấp dẫn cao khác thường (chứ không phải đám mây năng lượng liên sao) với chu kỳ 62 - 65 triệu năm. Mặt Trời sẽ che lấp tầm nhìn từ Trái Đất đến tâm của dải Ngân hà (giả thiết là một hố đen khổng lồ) sự chuyển động của các tiểu hành tinh sẽ rối loạn và có thể va chạm với Trái đất dẫn đến ngày tận thế.

Tuy nhiên, lại cũng có những phân tích cho rằng, chính Trái đất mới là “tội đồ” gây ra ngày tận thế. Các nhà khoa học đã đưa ra khẳng định, Trái đất bắt đầu bước vào kỷ nguyên của chu kỳ địa chấn hoạt động mãnh liệt. Mỗi năm, số lượng các trận động đất cứ tăng lên và đại dương tiềm ẩn những đợt sóng thần khủng khiếp có tính huỷ diệt rất cao.

Còn nhớ vào tháng 1/2010, một trận động đất lớn tàn phá Haiti, hậu quả của nó kéo dài cho đến khi một trận dịch tả lớn xảy ra trên đảo, đe doạ mạng sống của hàng triệu người. Tháng hai, một trận động đất lớn nữa làm rung chuyển Chilê ở mức 8,8 độ Richter. Tháng chín, Trái đất lại “cựa mình” tại New Zealand. Rồi tin động đất ở Indonesia. Và gần đây nhất là thảm hoạ kép tại Nhật Bản.

Ngay sau trận động đất hơn 9 độ Richter xảy ra, Nhật Bản hứng chịu ngay cơn sóng thần làm chết và mất tích hơn 20 ngàn người. Sóng thần còn gây ra sự cố Nhà máy điện hạt nhân, trở thành thảm họa ở mức cảnh báo cao nhất với tổng thiệt hại ước tính 300 tỷ đôla làm cả thế giới sợ hãi và để lại những hậu quả kéo dài nhiều năm. Theo các nhà khoa học, Trái đất cũng giống như một nhân tố đang “vùng lên” chống lại loài người. Số lượng những nạn nhân trong từng vụ thiên tai có khuynh hướng ngày càng gia tăng.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc