(VnMedia) - Các laptop đầu tiên hoạt động trên hệ điều hành Chrome được công bố sẽ chính thức bán ra thị trường vào tháng tới. Tuy nhiên, xoay quanh công bố này cũng xuất hiện nhiều câu hỏi về hệ điều hành nào sẽ là chiến lược phát triển chính của Google và Android sẽ ra sao?
Một khái niệm hoàn toàn mới
Chrome là hệ điều hành hoạt động trên nền web Chrome OS được đánh giá là sự cố gắng mới nhất của gã khổng lồ Google trong việc thay đổi cách con người sử dụng máy tính. Chúng hoạt động hoàn toàn khác với Windows, tức là dựa trên nền web và hứa hẹn chỉ khởi động mất có vài giây và không cần ổ cứng để lưu trữ dữ liệu. Nhưng đổi lại, hệ điều hành này lại hoàn toàn phụ thuộc vào kết nối Internet.
Chính vì thế, người dùng sẽ không cần quan tâm đến các phần mềm diệt virus, tường lửa, sao lưu dự phòng cũng như các bản cập nhật ứng dụng. Chrome hoạt động như một trình duyệt web và mọi người có thể sử dụng mọi ứng dụng như email, word, excel ngay trên nền web thay vì phải cài đặt các phần mềm như hiện nay.
Hệ điều hành này đã trở thành một tâm điểm đáng chú ý trong ngày cuối cùng của hội nghị các nhà phát triển của Google. Hai nhà sản xuất máy tính lớn, Acer và Samsung đã giới thiệu laptop đầu tiên cài đặt hệ điều hành Chrome. Dự kiến sản phẩm này sẽ xuất hiện trên thị trường vào giữa tháng 6 tới.
Như vậy, các laptop Chrome sẽ làm thay đổi cách nghĩ và sử dụng của người dùng về máy tính. Chúng không đòi hỏi người dùng phải am hiều nhiều về máy tính, không mất thời gian cài đặt. Do đó, chúng phù hợp với đa phần người dùng phổ thông, những người luôn muốn sử dụng những gì có sẵn trên máy tính. Họ không cần phải thiết lập tối ưu các chế độ, cài ứng dụng vì tất cả đều có sẵn trên “đám mây” chỉ việc vào sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã được đưa ra về mục tiêu dài hạn của Google về nền tảng này là gì và liệu chúng có ảnh hưởng tới chiến lược của gã khổng lồ với Android hay không? Hiện Android đang được cài đặt trên smartphone và có phiên bản dành riêng cho máy tính bảng. Tuy nhiên, ngay tại Hội nghị các nhà phát triển Google vừa rồi, Google cũng đã tuyên bố tham vọng biến Android thành hệ điều hành có thể cài đặt trên mọi thiết bị và sẽ xâm nhập sâu vào các hộ gia đình.
Trong khi đó, Chrome lại xâm nhập vào lĩnh vực laptop như để định hình lại cách mọi người truy cập vào ứng dụng.
Chrome và Android: Google sẽ ưu tiên hệ điều hành nào?
Một điểm khác biệt quan trọng của hai hệ điều hành này là nằm ở các dòng thiết bị, một số hỗ trợ Android và một số khác được thiết kế sử dụng Chrome. Trong khi thị trường Android đang phát triển mạnh mẽ và lấn át nhiều tên tuổi lớn thì Chrome mới chỉ bắt đầu bước chân vào thị trường.
Google đã tiết lộ các thiết bị netbook hoạt động trên hệ điều hành này, cung cấp cho công chúng và cộng đồng các nhà phát triển một khái niệm mới để khám phá. Nhưng liệu các thiết bị hoạt động trên Chrome có phải là vấn đề sống còn cho sự phát triển dài hạn của Google hay không? Cho dù, sự ra đời của chúng có hứa hẹn chút ít về sự cạnh tranh nội tại với chính Android. Nhưng Google chắc chắn sẽ phải có hai chiến lược cho sự phát triển của hai hệ điều hành này.
Mặt khác, các nhà phát triển cũng đang lúng túng tự hỏi không biết nên tập trung nào nền tảng nào của Google, một là chọn Android với lợi ích thấy ngay hay là đặt cược vào một nền tảng tương lai (Chrome). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo sẽ muốn kết hợp cả hai nền tảng và hỗ trợ chúng có thể thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Chúng sẽ giúp Google chiếm ưu thế hơn so với các đối thủ khác về lâu dài, đặc biệt là Apple và Microsoft.
Với hệ điều hành mới, Chrome đang nhắm tới các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về thiết bị. Chúng sẽ cung cấp cho các nhân viên văn phòng một giải pháp dựa trên nền web để hoạt động và quản lý ứng dụng, phục cụ như một trung tâm đối với các dịch vụ của Google như văn bản, lịch, gmail,…Chúng sẽ cung cấp người dùng những trải nghiệm và cách tiếp cận khác nhau trong thế giới mới.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, vào lúc này, Google sẽ cần phải kết hợp hai chiến lược này lại hơn là để chúng triệt tiêu lẫn nhau. Họ tạo ra hai nền tảng là để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác trong cả tương lai. Nếu Chrome thành công, chúng sẽ lật đổ sự thống trị của hệ điều hành đóng gói do Microsoft sản xuất. Trong khi đó, Android vẫn đang tiếp tục chinh phục lĩnh vực smartphone và máy tính bảng. Google khẳng định rằng, hãng sẽ không ưu tiên phát triển một trong hai hệ điều hành này và thúc đẩy để chúng hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Tuệ Minh -
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc