Để xác định vị trí của Công nghệ thông tin trong sự phát triển chung của Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hiệp hội phần mềm VN sẽ phối hợp tổ chức hội thảo "CNTT và tương lai của đất nước" tại Hà Nội vào ngày 23/4 tới.
Hội thảo sẽ có sự tham gia của lãnh đạo các Ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, bộ ngành, lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp CNTT, đại diện của các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các cơ quan truyền thông.
CNTT đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mọi nền kinh tế xã hội. Tại Việt Nam, ngành CNTT nói chung và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng ở Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hàng năm gấp 3-4 lần mức tăng trưởng GDP hàng năm. Việc ứng dụng CNTT trong xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với hơn 1/4 dân số Việt Nam sử dụng Internet, gần 1/2 số hộ gia đình có điện thoại cố định, trung bình mỗi người dân có hơn 1 điện thoại di động, tuyệt đại đa số cán bộ, công chức cấp trung ương và hơn 2/3 cán bộ, công chức cấp tỉnh có máy tính và đa số có kết nối Internet.
Trước tầm ảnh hưởng của CNTT, Việt Nam đã xây dựng “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng khẳng định: “CNTT không chỉ là ngành công nghiệp dịch vụ phát triển với tốc độ cao, đóng góp lớn vào nguồn thu cho đất nước mà còn là động lực phát triển hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ngày nay không một ngành nào, lĩnh vực nào phát triển mà không dựa vào sự hỗ trợ của CNTT-TT".
Trong khi đó, trên thế giới vai trò của CNTT cũng thể hiện khá rõ nét và đang được đều được các chính phủ ưu tiên phát triển. Chẳng hạn như, trong chương trình nghị sự cấp bộ trưởng các nước Liên minh Châu Âu cũng nêu rõ, CNTT đóng góp đến 50% sự tăng trưởng về năng suất lao động và là nguồn chủ yếu cho các sáng tạo và các cơ hội kinh doanh mới.
Còn Tổng thống Obama từng nhấn mạnh rằng, CNTT là một trong ba ưu tiên hàng đầu sẽ giúp Mỹ năng động hóa nền kinh tế, khôi phục sự phát triển và duy trì vị trí hàng đầu thế giới toàn diện. Ông tuyên bố, trong 5 năm tới phải làm cho 98% người dân Mỹ được sử dụng công nghệ không dây thế hệ mới.
Nhật Bản cũng có tham vọng kết nối mọi người và mọi thư ở mọi lức mọi nơi bằng ứng dụng CNTT. Còn Trung Quốc nhìn nhận CNTT như động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế và chiến lược "đuổi kịp" các nước phát triển khác.
Theo nhiều chuyên gia công nghệ trong nước, thực tế phát triển CNTT trong suốt thập kỷ qua cho thấy, đây là lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng bắt kịp với các nước tiên tiến trong thời gian ngắn và thúc đẩy sự phát triển những ngành khác mạnh nhất.
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc