Một kỹ sư hóa về hưu Lê Ngọc Khánh cho biết, chất phụ gia tự pha của ông có thể khiến các loại xe chạy được lâu gấp đôi khi sử dụng cùng một thể tích xăng.
Theo ông Khánh cùng một thể tích, trên đoạn đường, loại xe sử dụng giống nhau, xăng A92 thông thường chạy được 25km/lít, xăng A92 cộng phụ gia tự pha của ông chạy được lên đến 52.5km/lít, xăng sinh học E5 chạy được 30km/lít, thì xăng E5 pha thêm phụ gia sẽ chạy được 46km/lít.
Phụ gia “thần kỳ”
Kỹ sư Khánh giải thích, các loại xăng hiện nay khi sử dụng cho động cơ đốt trong của xe máy chỉ có 25% nhiệt năng được chuyển thành công năng – làm cho xe chạy. 75% còn lại do xăng không cháy hết, hoặc chậm, cháy ngoài khu vực có thể sinh ra công năng.
Chỉ số octan (xăng A92, chỉ số octan là 92, xăng A95 chỉ số octan là 95) càng cao thì khả năng chống kích nổ của xăng càng tốt, tuy nhiên sự chuyển hóa nhiệt năng thành động năng càng khó hơn. Xăng cháy chậm, còn do các phân tử xăng còn lớn làm cho xăng khó cháy.
Vì thế, ông nghiên cứu chế tạo ra phụ gia gây đứt các liên kết của xăng ra thành các phân tử nhỏ hơn ngay tại buồng đốt, làm tăng khả năng cháy để đẩy pit-tông, tăng hiệu suất chuyển đổi nhiệt năng thành cơ năng. Phụ gia này pha theo tỷ lệ nhỏ hơn 1% trong xăng, nhưng việc bẻ gãy các phân tử xăng chỉ xảy ra ở buồng nén trước khi đốt. Loại phụ gia này không làm tăng chỉ số octan trong xăng. Theo KS Khánh, phụ gia do ông chế tạo có gốc hữu cơ và giá rẻ hơn xăng.
Hoài nghi...
“Về mặt khoa học, để làm nhỏ các phân tử trong xăng như của kỹ sư Khánh là không có cơ sở”. TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phân tích: Để làm đứt gãy, nhỏ hơn các phân tử xăng (bẻ gãy các mạch hydrocacbon) thường phải qua công đoạn “cracking” bằng năng lượng lớn với phương pháp nhiệt, hoặc xúc tác đòi hỏi phải có nhà máy quy mô đầu tư lớn. Nếu pha phụ gia vào mà không có biểu hiện xảy ra phản ứng hóa học nào, làm sao có thể bẻ gãy các phân tử xăng được?
Tuy nhiên, TS Quyền cũng cho rằng, có thể phụ gia này làm tăng khả năng phân tán đều của các phân tử xăng giúp tăng công suất cho động cơ. Còn muốn lợi xăng hay không phải thay đổi động cơ, chỉnh lại bình xăng con (lưu lượng xuống của nhiên liệu, gió), chứ không thể có chuyện tăng hiệu suất của động cơ 100% như tuyên bố của kỹ sư Khánh được.
Việc tuyên bố tăng gấp đôi khả năng hiệu dụng của xăng là không thể, PGS-TS Phạm Xuân Mai, khoa kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhận định. Đúng là chỉ có từ 25 – 30% lượng xăng đốt trong động cơ được chuyển thành cơ năng, phần còn lại bị biến thành nhiệt làm nóng động cơ, chuyển thành khói thải. Có thể có loại phụ gia khi pha thêm vào xăng sẽ làm tăng khả năng chuyển đổi nhiệt năng thành cơ năng, nhưng chỉ tăng thêm vài phần trăm (%) là cùng.
Hai nhà khoa học trên đều cho rằng, nếu có một phụ gia ưu việt như thế, tác giả của nó nên đưa đến các trung tâm, phòng thí nghiệm để phân tích, kiểm nghiệm. Và khi có kết quả xác thực như tác giả tuyên bố thì nên khuyến khích áp dụng vào cuộc sống. Xã hội sẽ được lợi rất nhiều...
Tuy nhiên, KS Khánh nói, ông e ngại khi đưa phân tích, kiểm nghiệm, hay đăng ký sở hữu tri tuệ, công thức của chất phụ gia sẽ bị ... lộ! Tuy nhiên, khi bán được công nghệ pha chế chất phụ gia, thì chủ sở hữu có toàn quyền quyết định vấn đề trên.
KS Khánh cho biết, trong thời gian này, những ai quan tâm có thể liên hệ với ông để xem ông pha chế, hoặc dùng thử loại xăng có pha chất phụ gia “thần kỳ”.
(theo Đất Việt)
Ý kiến bạn đọc