(VnMedia) - Theo một nghiên cứu khoa học do trường Đại học Kỹ thuật Swinburne (Úc) thực hiện, sự gia tăng độ cao của các siêu sóng trên toàn cầu rất đáng kể trong 25 năm qua, trung bình là 0.5% mỗi năm. Tại một số nơi, độ tăng cao của siêu sóng đo được trên mức 1% mỗi năm.
Theo các nhà nghiên cứu Úc, tốc độ gió đại dương và độ cao của sóng đã tăng cao đột ngột trong vòng 25 năm qua. Chiều cao của sóng đã tăng trung bình 0.25% mỗi năm trong khu vực xích đạo và lên đến 0.5% trong một số khu vực của vùng duyên hải
Những nghiên cứu về thay đổi khí hậu trước đây thường xem xét, đo đạc hoặc dự đoán về nhiệt độ trong một thời gian dài. Tuy nhiên nghiên cứu kể trên lại đào sâu phân tích những thay đổi toàn cầu của tốc độ gió đại dương và chiều cao sóng, hai trong những chỉ số môi trường quan trọng.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu này là Nguyên Hiệu Trưởng trường Đại học Swinburne - Giáo sư Ian Young, và các nhà hải dương học của Swinburne là Giáo sư Alex Babanin và Tiến sĩ Stefan Zieger.
Giáo sư Young cho biết: "Gió và sóng điều khiển dòng năng lượng từ khí quyển đến đại dương, nên sự hiểu biết về các thông số và sự thay đổi của chúng trên quy mô toàn cầu là rất quan trọng."
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích các dữ liệu gửi về từ vệ tinh trong khoảng thời gian 23 năm từ 1985 đến 2008. Số liệu cho thấy tốc độ gió trên phần lớn các đại dương tăng 0.25% -0.5% mỗi năm. Đối với gió siêu tốc, tốc độ tăng trung bình hàng năm là 0.75%.
“Chúng tôi nhận thấy có một xu hướng chung trên toàn cầu trong 25 năm qua là tốc độ gió ngày càng tăng mạnh trong khi chiều cao của sóng cũng tăng theo nhưng với một cường độ thấp hơn. Tỷ lệ tăng của các chỉ số này đều rất đáng quan tâm”.
Sự gia tăng độ cao của các siêu sóng trên toàn cầu rất đáng kể, khoảng 1% siêu sóng lớn nhất tăng trung bình là 0.5% mỗi năm. Tại một số nơi, độ tăng cao của siêu sóng đo được trên mức 1% mỗi năm.
Theo Giáo sư Young, các tính toán này được thực hiện dựa trên những dữ liệu gửi về từ vệ tinh.
"Các nghiên cứu trước đây về xu hướng tốc độ gió đại dương và chiều cao sóng toàn cầu hầu hết đều dựa trên những quan sát trực quan, đo tại điểm tựa hoặc mô hình số. Do những hạn chế này, các nhà nghiên cứu chỉ có thể xem xét thay đổi tốc độ gió và chiều cao sóng trên cơ sở khu vực.
Tuy nhiên, nghiên cứu này thì dựa trên bộ dữ liệu truyền về từ các vệ tinh đo độ cao trên quy mô toàn cầu. Từ đó, họ có được hình ảnh rõ ràng hơn về những biến đổi đang xảy ra ở các đại dương trên thế giới.
Gần đây, mực nước biển dâng cao bất thường, gió mạnh và sóng lớn đã đe dọa nhiều tuyến đường tại trung tâm thị trấn tỉnh Bạc Liêu. Những hiện tượng này được cho là có thể liên quan đến kết quả của nghiên cứu khoa học vừa nêu trên.
Ý kiến bạn đọc