Thừa Thiên Huế đứng đầu về dịch vụ công trực tuyến

14:18, 11/03/2011
|

(VnMedia) - Đây là một trong những địa phương đã gây ấn tượng lớn đối với những thành viên của nhóm tham gia đánh giá, xếp loại Website/Portal và mức độ ứng dụng CNTT năm 2010 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố sáng nay, 11/3 tại Hà Nội.


>> Ngày mai, công bố xếp hạng website cơ quan nhà nước
 

Việc đánh giá xếp hạng Website/Portal và mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương 2010 vốn là sự kiện “đến hẹn lại lên” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trong 4 năm qua. Công tác này nhằm thúc đẩy việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi và minh bạch trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 

Để có kết quả đánh giá này, công tác kiểm tra, đánh giá Website/Portal thực tế đã được thực hiện đồng bộ trọn vẹn trong hai tháng đầu năm 2011. Lãnh đạo Bộ cho biết, đã nhận được phản hồi của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ.

 

Dựa trên các phương án khảo sát đánh giá trong các năm trước, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng, năm 2010, việc đánh giá tiếp tục tập trung vào hai phần nội dung chính là cung cấp thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Website/Portal. Việc kiểm tra, đánh giá Website/Portal tập trung theo hướng lấy người dân làm trung tâm, đề cao tính thuận tiện, dễ tìm, dễ sử dụng và thuận lợi cho tất cả mọi người sử dụng.

 

Và với mục tiêu trên, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2010 đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và số địa phương có cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Số nhóm dịch vụ công trực tuyến cũng được mở rộng. Các Bộ cũng đã có nhiều thay đổi về số lượng dịch vụ công trực tuyến các mức.

 

Cụ thể, trong số Website/Portal của 62 tỉnh, thành (riêng tỉnh Đăk nông chưa có website), Thừa Thiên Huế đã là địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng tổng thể và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Địa phương đứng thứ hai là Hậu Giang, thứ ba là Đồng Nai. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 7 (năm 2009 đứng thứ nhất) và thủ đô Hà Nội đứng thứ 9 (tụt 7 bậc so với 2009) trong bảng xếp hạng tổng thể này. “Đội sổ” là Hà Giang.

 

Để đứng đầu ở bảng xếp hạng tổng thể, Thừa Thiên Huế đã giành số một trong bảng xếp hạng mức độ cung cấp thông tin, đứng thứ ba ở mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đây cũng là địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các địa phương.

 

Chia sẻ với báo giới trong buổi công bố xếp hạng sáng nay, ông Hồ Xuân Phán - Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế cho hay, đã rất ngạc nhiên khi nhận được kết quả xếp hạng mà Bộ công bố.

 

Tuy nhiên,đó thực sự là thành quả của những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai nhiệm vụ được cho là khó, ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Điều này được thể hiện ở hai khía cạnh, một là chính sách cho việc ứng dụng CNTT và hai là nguồn nhân lực cho việc triển khai đồng bộ trong khối cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân tham gia mô hình chính quyền điện tử trên địa bàn.

 

“Nhiều năm qua, việc ứng dụng và phát triển CNTT, viễn thông được lãnh đạo địa phương quan tâm đặc biệt. Một mặt là nâng dần tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ Internet, các dịch vụ công, dịch vụ hành chính. Mặt khác cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng dần chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn” - ông Phán cho hay.

 

TP.HCM mặc dù mất vị trí quán quân, (năm 2009 TP.HCM là địa phương đứng số 1 cả nước trong bảng xếp hạng tổng thể), song vẫn gây ấn tượng lớn cho các thành viên của tổ xếp hạng, bởi đã có tới 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 2010 là năm đầu tiên TP.HCM đã cung cấp các dịch vụ “đăng ký chấp thuận họp báo”, “đăng ký chấp thuận tổ chức Hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài” và “nhập khẩu xuất bản phẩm (chưa thẩm định) ở địa chỉ http://www.ict-hcm.gov.vn/dichvucong.

 

Về bảng xếp hạng tổng thể của các Bộ và cơ quan ngang Bộ, vị trí số một trong năm 2010 vẫn thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự nhảy vọt từ vị trí thứ 5 trong năm 2009 lên vị trí hai của bảng xếp hạng 2010.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đứng đầu các Bộ và cơ quan ngang Bộ trong bản xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT. Bộ Thông tin và Truyền thông đã được đánh giá cao trong việc mở rộng thêm nhiều tiện ích trên website của Bộ, đặc biệt là tiện ích dành cho người khuyết tật. Năm 2010 đứng vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng này.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc