(VnMedia) - Với những cải tiến mới, trình duyệt mạnh mẽ Chrome của Google ngày càng tiến gần tới ngưỡng của một hệ điều hành độc lập. Tuy nhiên, tính năng mới cho phép chạy nền ứng dụng cũng đem lại những nguy cơ mới về bảo mật.
Google vừa tuyên bố rằng phiên bản tiếp theo của trình duyệt Chrome sẽ có khả năng chạy ngầm các ứng dụng. Tính năng này đẩy Chrome gần thêm một bước để trở thành một nền tảng ứng dụng thực sự, và với công nghệ HTML5 vẫn đang được phát triển, trong vài năm tới có thể Chrome sẽ trở nên giống một hệ điều hành máy tính hơn là chỉ một trình duyệt web đơn thuần.
Google cho biết tính năng mới hoạt động theo phương pháp "kiểm tra các thay đổi từ phía máy chủ và tải về trước các nội dung cần thiết vào kho lưu trữ cá nhân". Các ứng dụng có thể được áp dụng tính năng này theo nhiều cách. Ví dụ bộ office trực tuyến sẽ kiểm tra các thay đổi xảy ra (nếu có) đối với các văn bản trực tuyến và tự động tải về, sẵn sàng chờ cho bạn làm việc. Hoặc ứng dụng nghe nhạc sẽ tự ghi nhớ và tìm hiểu thể loại nhạc mà bạn thường nghe, và tự động tải về những bài hát tương tự.
Các trình chạy nền sẽ hoạt động thường trực trong khi Chrome đang chạy, ngay cả khi không có trang web nào được mở. Nếu muốn kiểm tra những ứng dụng nào đang chạy nền, người dùng chỉ việc click chuột phải vào biểu tượng taskbar.
Một trong những định nghĩa làm nên một hệ điều hành đương đại chính là khả năng chạy nền các ứng dụng. MS-DOS được thiết kế các ứng dụng chạy thường trú, còn Windows có Services để quản lý các thao tác chạy ngầm khi máy tính hoạt động. Linux và Unix cũng có khả năng tương tự.
Đối với những hệ điều hành đó, những vấn đề bảo mật nghiêm trọng nhất cũng đến từ chính khả năng chạy nền ứng dụng. Việc chạy các đoạn mã ngầm trên nền hệ thống mà không để cho người dùng biết chính là phương thức hoạt động của các loại virus.
Vẫn chưa rõ liệu Chrome có thể tự phân biệt được các ứng dụng chạy nền là an toàn hay nguy hại, hay Google phải phụ thuộc vào các ứng dụng của hãng thứ ba (như ứng dụng chống virus) để thực hiện nhiệm vụ này.
Google cho biết "chạy nền" chỉ được áp dụng cho các ứng dụng và phần mở rộng, chứ không phải các trang Web, do đó sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm từ các website độc hại. Những người sử dụng Chrome hiện tại phải xác nhận việc cài đặt các ứng dụng và phần mở rộng, đi kèm đó là các cảnh báo về an ninh nếu có. Nếu ứng dụng hoặc phần mở rộng không được cung cấp qua kênh phân phối chính thức của Google, nó thường sẽ bị chặn không cho cài đặt trừ khi người sử dụng thiết lập cho phép.
Ai từng dùng Android Marketplace cũng biết Google khá nghiêm khắc trong việc quản lý các ứng dụng. Năm vừa rồi Google xóa bỏ khoảng 50 ứng dụng về tài chính (không được cấp phép) của các hãng thứ ba ra khỏi Marketplace; sau khi có phản ánh rằng chúng có thể được sử dụng để khai thác thông tin tài khoản của người dùng.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, quy chuẩn chất lượng cho hệ thống ứng dụng và các phần mở rộng cần được nâng cao, nhưng hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra.
Bên cạnh các vấn đề về bảo mật, nỗ lực của Google là đóng góp vào sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây. Bằng cách xóa nhòa ranh giới giữa trình duyệt và hệ điều hành, Google giúp người sử dụng làm việc và lưu trữ dữ liệu trực tuyến một cách trực quan hơn. Tất nhiên dữ liệu là thứ Google cần, và ông lớn này sẽ còn chưa thỏa mãn chừng nào chưa điều khiển được dữ liệu trên toàn thế giới.
Không thể kết luận được cuối cùng trình duyệt Chrome hay hệ điều hành Chrome OS sẽ thành công hơn, nhưng tốt nhất là chúng phát triển song song. Nếu bạn mua một bộ máy tính mới, Google có thể cung cấp một hệ điều hành, nhưng nếu bạn vẫn muốn gắn bó với những gì đã quen thuộc - như Windows, Mac OS X hay Linux - thì Google có thể cung cấp những tính năng tương tự bằng các phần mềm được tải về dễ dàng.
Về cơ bản, trình duyệt Chrome và hệ điều hành Chrome OS cùng đi về một hướng, đó là biến Internet thành một nền tảng mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng không giới hạn. Vấn đề là liệu người ta có bỏ được những hệ điều hành quen thuộc và hoạt động không cần Internet hay không?
Ý kiến bạn đọc