Phải tính đến cả chuyện trộm tiền bằng… cẩu cây ATM!

15:15, 27/02/2011
|

(VnMedia) - Theo Thượng tá Nguyễn Chính Hùng, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hà Nội, nếu không đưa các biện pháp bảo vệ kiên quyết, mạnh tay, rất có thể thời gian tới, tội phạm sẽ tấn công bằng cách lái xe cẩu đến cẩu cả cây ATM đi…


Ở nước ngoài, nguy cơ rình rập nhiều nhất đến các cây ATM là tội phạm công nghệ cao. Thế nhưng, với Việt Nam, bên cạnh vấn đề công nghệ, thời gian gần đây, hàng ngày, hàng giờ, các ngân hàng - đơn vị sở hữu ATM còn lo bị mất tiền, phá cột bởi những hình thức vô cùng thủ công và liều lĩnh. Điều đó có nghĩa, để bảo vệ trạm ATM, công nghệ thôi chưa đủ…

 

Cẩu cả cây ATM lấy tiền: có thể lắm!

 

Cùng mục đích trộm tiền, hành vi tội phạm của thế giới và Việt Nam khá trái ngược nhau. Ở thế giới có thể tinh vi hơn, còn tại Việt Nam lại thô sơ. Với các hành vi thủ công ở Việt Nam, ngay như vụ đập phá máy ATM ở Sóc sơn, cơ quan chức năng đã thu được bình ga 12kg, đèn khò, bình ôxy,...

 

Thực sự, hoạt động của tội phạm rất liều lĩnh, nhiều thiết bị thủ công. Cơ quan chức năng cần phải tính đến việc theo dõi những đối tượng sử dụng các thiết bị này, phối hợp với các cơ quan khác nữa như tổ chức dân phòng, dân quân, đoàn thanh niên các khu phố...

 

Thực tế cho thấy các thủ đoạn còn là đeo khẩu trang, bịt mặt, xịt sơn..., tuy rất thô sơ nhưng gây thiệt hại cũng không ít chút nào. Phía cơ quan an ninh cũng đã có cảnh báo với ngành ngân hàng, nếu không đưa các biện pháp tự bảo vệ kiên quyết, mạnh tay, rất có thể thời gian tới, tội phạm sẽ tấn công bằng cách lái xe cẩu đến cẩu cả cây ATM đi, nên khâu xây dựng

két, hay chọn điểm đặt két cùng cần hết sức chú trọng,

Thượng tá Nguyễn Chính Hùng, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hà Nội cho hay, thời điểm ATM bắt đầu được sử dụng tại Việt Nam đều được đặt tại các điểm an toàn, như gần các cơ quan công sở nên ít sự cố trộm cắp hơn.

 

Tuy nhiên, với với số lượng rất lớn lên tới 11.000 điểm ATM như hiện nay, sự an toàn cũng vì thế mà giảm đi. Thêm vào đó, nhu cầu rút tiền của người dân khiến các ngân hàng phải đặt tại các vị trí công cộng, nên sự cố là khó có thể tránh khỏi.

 

Các vụ việc chức năng đã vào cuộc, đến giờ có vụ việc ở Sóc Sơn đã bị bắt, tuy nhiên hậu quả vẫn chưa được khắc phục, vì toàn bộ số tiền đã bị tội phạm tiêu hết vì đánh bạc. Chính vì vậy các biện pháp phòng ngừa theo cần đặt lên hàng đầu.

 

Với những tội phạm đã từng phá trộm được két tiền tại các gia đình, thì việc phá máy ATM chỉ cần có chút liều lĩnh, manh động là có thể thực hiện được. Quan trọng là chúng ta đề ra giải pháp như thế nào để hạn chế.

 

Theo ông Hùng, phòng Kỹ thuật Hình sự - công an thành phố Hà Nội cũng đang được lãnh đạo chỉ đạo sát sao để đưa ra những giải pháp cả công nghệ và hành chính hiệu quả nhất nhằm đối phó và xử lý các tội phạm này. Một biện pháp bảo vệ kỹ thuật bằng thiết bị báo động đã được nghiên cứu và đưa ra áp dụng thử nghiệm.

 

Nhưng cũng không bỏ qua công nghệ cao

 

Có thể nói, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có vụ việc tấn công máy ATM bằng công nghệ cao. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, khi hiện tượng các tội phạm bắt đầu chủ tâm tấn công cây ATM càng nhiều trong thời gian gần đây, thì cũng khó mà khẳng định rằng việc đó sẽ không thể xảy ra tại Việt Nam với những hình thức tương tự như ở nước ngoài. Thế giới đã ghi nhận những vụ việc mất tiền do bị hacker tấn công cây ATM bằng việc lấy mật khẩu, lấy đi hàng chục, hàng trăm nghìn đô la Mỹ.

 

Các vụ việc tấn công của tội phạm bằng công nghệ cao hiện tại chủ yếu dừng lại ở cấp độ ăn cắp thông tin của chủ thẻ, vì vậy, có thể nói vấn đề này liên quan tới quá trình sử dụng, giữ gìn thông tin bí mật của người dùng.

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Công thương Việt Nam cho biết, các tội phạm có thể thông qua mail, dùng giả danh để tiếp cận với khách hàng lấy thông tin, việc bảo quản thẻ của chủ thẻ không được tốt. Ngay cả khi bị ăn cắp thẻ nhưng khách hàng cũng không báo cho công an, cơ quan liên quan tạo điều kiện cho việc ăn cắp thẻ. Nguyên nhân chủ yếu do chính chủ thẻ mất cảnh giác chứ nói chung các hệ thống ngân hàng không liên quan. “Chúng tôi cũng có những kênh cảnh báo kịp thời cho những khả năng khách hàng có nguy cơ bị tấn công” – ông Tuấn nói.

 

Chúng tôi có dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn, giá phù hợp với người dùng. Những thay đổi dù một đồng cũng sẽ được thông báo tới chủ thẻ kể cả thẻ ATM lẫn thẻ tín dụng giúp khách hàng kiểm soát được tài khoản của mình.

 

Để “phòng cháy và chữa cháy”, bản thân các ngân hàng cần có những biện pháp bổ sung để cảnh báo những hành vi tác động mạnh tới việc bảo vệ ATM. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng: Nếu chúng ta chỉ có hệ thống cảnh báo nhưng không có biện pháp xử lý thì cũng không có hiệu quả nhiều.

 

Theo đại diện của Vietinbank, một số biện pháp sau cần thực hiện đồng bộ đó là: Thứ nhất là cần có sự kiểm soát của bộ phận an ninh; Thứ hai là có sự phối hợp chặt chẽ của ngân hàng và các cơ quan chức năng ở địa phương đặc biệt là cơ quan công an; Thứ ba là, quan tâm tới các vị trí đặt máy ATM, ngoài bộ máy cảnh báo thì cần có con người. Để đảm bảo an toàn cho máy ATM và cho cả người sử dụng, các ngân hàng cần thuê người bảo vệ, theo dõi tại các điểm đặt máy ATM.

 

“Đây cũng là các tiêu chí mà ngân hàng đưa ra đối với những đơn vị lắp đặt ATM. Một điều nữa cũng cần nhấn mạnh là: Các ngân hàng phải có máy camera theo dõi. Tần suất xuất quỹ vừa phải, hợp lý đảm bảo phục vụ đầy đủ người dân vừa đảm bảo an toàn. Tôi nghĩ, đó là những phương pháp cần thiết và lâu dài đảm bảo độ an toàn tốt nhất cho khách hàng dùng thẻ ATM” - ông Tuấn nói.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc