Hãy hỏi chuyện bất kỳ một người trẻ tuổi nào về mạng xã hội (social network), bạn sẽ biết, ai cũng có một câu chuyện để chia sẻ. Câu chuyện về mạng xã hội của tôi bắt đầu từ một chuyến đi thăm vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long mùa hè năm 2007. Hai trong số ba người bạn đồng hành của tôi là những nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu từ Mỹ và Trung Quốc.
Một mạng xã hội mới giống như Myspace hoặc Friendster?” tôi hỏi. “Tôi vẫn thường xuyên nhận được lời mời tham gia từ bạn bè. Nhưng tôi thấy mấy thứ đó mất thời gian lắm”.
“Facebook tuyệt hơn nhiều. Cô phải thử đi!”, Breyer hào hứng. Ông khoe rằng Accel Partners vừa mua 10% công ty này, một mạng xã hội xuất phát từ Harvard và trước đó chỉ dành cho sinh viên các trường đại học Mỹ với email có đuôi .edu, nhưng mới đây đã được mở ra cho tất cả mọi người.
Gần ba năm trôi qua. Facebook, từ khoảng 15 triệu người dùng vào đầu năm 2007, đến nay đã có hơn nửa tỉ người dùng, tương đương với 1/12 dân số toàn cầu. Khoản đầu tư 30 triệu đôla Mỹ của Accel Partners giờ đây được đánh giá khoảng 3 tỉ đôla Mỹ. Tài sản riêng của Jim Breyer, 1% trong Facebook, cũng có thể bảo đảm cho ông không cần phải làm gì suốt cả quãng đời còn lại.
Quay trở lại với câu chuyện mạng xã hội của tôi. Phải nói ngay là tôi không phải là người dễ bị thuyết phục. Trước đó, với công việc của một phóng viên, tôi đã khảo sát một loạt mạng xã hội đang nổi lên trong thời gian đó: Myspace, Hi5, Piczo, Bebo, Cyworld, Orkut, Friendsters, Yahoo 360… Không có mạng nào khiến tôi sẵn sàng đăng ký và chia sẻ thông tin. Nhưng câu chuyện của Breyer gây tò mò. Tôi chấp nhận để Facebook tiếp cận với sổ địa chỉ email của mình, và ngay lập tức được thông báo có khoảng gần 50 người bạn, chủ yếu là ở Mỹ, đã là thành viên mạng này. Những thông tin đọc được về bạn bè khiến sự tò mò dâng lên. Những người bạn từ đại học, cả năm mới gửi được cho nhau một email, thì giờ đây tôi nhận được thông tin cập nhật hàng ngày từ họ: anh A đã có người yêu, chị B vừa nhận được công việc mới, bạn C đang ở châu Phi, bạn D vừa bị lỡ chuyến bay ở phi trường Heathrow… Đến nay, với danh sách bạn bè khoảng 400 người, trang Facebook đã trở thành một hãng thông tấn về bạn bè và người quen biết được lập riêng của tôi. Chưa phải là kênh thông tin không thể thiếu được, nhưng nó đã trở thành một thói quen của tôi, đọc trang Facebook hàng ngày giống như việc đọc báo vậy.
Mạng xã hội nhanh chóng lan truyền vào Việt Nam, cũng như cách nó đang tiếp tục lây lan khắp nơi trên thế giới. Sự thay đổi nhanh chóng mà Facebook đang tạo ra khiến cho Mark Zuckerberg, ông chủ trẻ tuổi trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông. Tạp chí Time bình chọn chàng trai 24 tuổi này là Nhân vật của năm 2010. Liệu Facebook và Zuckerberg có được đánh giá quá mức? Dù gì đi nữa, không thể phủ nhận những thay đổi kinh ngạc mà mạng xã hội đang tạo ra trong cách mà chúng ta sống, giao tiếp chia sẻ và tư duy ngày hôm nay.
Thế hệ “chia sẻ tất”
Facebook không phải mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam. Theo các thống kê mới nhất, mạng xã hội lớn nhất ở Việt Nam là Zingme của công ty VNG, nơi phần đông người sử dụng là những thanh thiếu niên từ độ tuổi 15 – 22. Với thế hệ này, internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Học hành, giao tiếp, đọc thông tin… tất cả đều qua internet. Đây là thế hệ không ngại chia sẻ trên internet – mức độ thông tin mà họ không ngại ngần bày tỏ qua internet thật là đáng ngạc nhiên đối với thế hệ già hơn. Như nhận xét của tạp chí Time trong bài viết về nhân vật của năm: “Ý thức về bản thân của chúng ta thay đổi nhiều hơn, trong khi ý thức về sự riêng tư mở rộng hơn. Những gì đã từng được coi là thầm kín thì nay được chia sẻ với hàng triệu người chỉ bằng một cú nhấp chuột”.
Với rất nhiều người trẻ đang sử dụng mạng xã hội, tìm thông tin về họ rất dễ dàng. Facebook góp phần rất lớn khiến cho nhận dạng trên mạng xã hội là con người thực của họ chứ không phải là một nhân vật vô danh núp bóng đằng sau một cái tên ảo nữa. Mạng xã hội cung cấp thông tin chi tiết về cá nhân, từ các mối quan hệ xã hội, bạn bè họ, đến sở thích, quan điểm sống của họ, và đến cả thói quen ăn uống, mua sắm của họ nữa. Ở Việt Nam, rất nhiều người “add” bạn bè ồ ạt và công khai hoá mọi thông tin. “Với đa số những người trẻ, bảo vệ sự riêng tư không phải là ưu tiên hàng đầu của họ”. Ông Nguyễn Bảo Hoàng, giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Việt Nam nhận xét – “Họ vẫn đang ở độ tuổi loay hoay xác lập bản thân mình và có nhu cầu thể hiện, khẳng định mình”.
Có một vài lý do giải thích sự phổ biến nhanh chóng của mạng xã hội. Về mặt sinh học, con người được cho là có cấu tạo não cho phép phạm vi quan hệ xã hội rộng nhất trong số các loại động vật có vú. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như hiện nay, tạp chí Time cho rằng khả năng quan hệ xã hội của con người là “không lường hết được”. Một thông tin thú vị khác, cho rằng tất cả các hình thức truyền thông xã hội (social media) hiện nay đều có yếu tố của tính tự yêu bản thân (narcissism) và “tính tò mò sục sạo” (voyeurism). Đây là hai thuộc tính cơ bản của con người: hầu hết chúng ta đều sở hữu bản tính này. Sự tạo điều kiện, cho phép hai bản tính này trỗi dậy được coi là lý do giúp cho mạng xã hội và truyền thông xã hội phát triển đáng ngạc nhiên như thế.
Hãy thử lấy một ví dụ trong chính mạng xã hội của tôi. Một trong những người thường xuyên xuất hiện dày đặc trong “newsfeed” của tôi ở Facebook là cựu hoa hậu Nguyễn Thu Thuỷ, một người quen. Mỗi ngày cô ấy viết và trả lời vài chục “post” và “comment” về bản thân và suy nghĩ của cô ấy. Cô ấy có khoảng hơn 4.000 “bạn”.
Số bạn và người quen thật chắc không thể quá 400 người, số còn lại, không cần bàn cãi nhiều, là những người đang tìm cách thoả mãn tính tò mò của họ. Không cần một nhà tâm lý học cũng có thể nhận xét rằng, mật độ dày đặc những “post” của cô ấy thể hiện cái gọi là “tính tự yêu bản thân”. Phải nói thêm rằng với rất nhiều người, mạng xã hội cũng là một công cụ tiếp thị, đánh bóng tên tuổi. Và như thế thì câu chuyện tiếp theo về mạng xã hội là như sau…
“Cơn bão” truyền thông xã hội
Muốn hay không, ngay đến các cơ quan truyền thông hàng đầu thế giới như CNN, AP, New York Times… bây giờ cũng phải dùng đến mạng xã hội như một kênh truyền dẫn về nội dung của họ. Nhiều phóng viên, nhà báo cũng phải dùng blog, Twitter, Facebook… đề quảng cáo nội dung của mình.
Tại Việt Nam, văn hoá chia sẻ trên internet bắt nguồn ngay từ những ngày còn “trứng nước” của internet Việt Nam, với sự xuất hiên của các diễn đàn “chat” trên mạng như Trí tuệ Việt Nam, và sau này là những vô số những “diễn đàn” trên mạng khác, nơi các thành viên có thể thoải mái phát biểu dưới một tên ảo nào đó. Blog – những trang mạng chia sẻ cá nhân bắt đầu phổ biến cách đây hơn năm năm cũng tạo lên một trào lưu chia sẻ mới trên internet, và cũng là sự hình thành rõ rệt hơn của khái niệm “truyền thông xã hội”. Mặc dù được cho là quá nhiều “tiếng ồn” và không được thanh lọc, muốn hay không, truyền thông xã hội cũng đang tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội, thách thức truyền thông truyền thống, và có lẽ thách thức cả công việc của những nhà báo chuyên nghiệp.
“Internet cho phép bất kỳ ai cũng có thể trở thành một nguồn tin, hoặc tạo thêm giá trị cho thông tin”, ông Lê Hồng Minh, tồng giám đốc VNG, công ty sở hữu các website zing.vn và zingme, nhận xét. “Các mạng xã hội tạo ra những nền tảng mới cho truyền thông xã hội phát triển”.
Rất nhiều những câu chuyện lớn, đáng chú ý đăng trên báo chí chính thống ở Việt Nam trong năm qua được xuất phát từ mạng xã hội. Câu chuyện điển hình là vụ video clip bắt mại dâm cho thấy sai phạm của một số cán bộ công an ở Quảng Ninh. Thông tin này được lan truyền qua mạng xã hội trước khi được báo chí chính thống đăng tải tạo ra sức ép khiến cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý sai phạm.
Với dữ liệu cá nhân khổng lồ trong tay, các mạng xã hội đang làm thay đổi cách các công ty kinh doanh và quảng cáo. Thay vì những quảng cáo thương mại nhắm đến số đông trước đây, khái niệm “quảng cáo xã hội” đang được hình thành. Các công ty sẽ sử dụng những thông tin của chính bạn để quảng cáo sản phẩm dành riêng cho bạn.
Những sự phát triển và ảnh hưởng chưa lường hết được của mạng xã hội và truyền thông xã hội khiến cho đa số các chính phủ đều đang tìm cách điều khiển hoặc hạn chế sự trỗi dậy này. Trung Quốc cấm tiệt Facebook, Youtube. Ở Việt Nam, truy cập Facebook cũng khó khăn. Nhưng internet là một thế giới mở, rất khó có thể bịt một vài chỗ và đảm bảo thông tin không tràn ra ở một chỗ khác. Năm 2011 sẽ là một năm nhiều thú vị để quan sát sự trỗi dậy của truyền thông xã hội, và có thể là nỗ lực ngăn chặn nó của các chính phủ. Chính vì thế, trên internet đã tràn lan một câu đùa vui: Chúc một năm mới rất nhiều rò rỉ! Have a very leaky new year!
Ý kiến bạn đọc