(VnMedia) - Có rất nhiều lầm tưởng về smartphone hiện nay. Đôi khi bạn nghĩ rằng thao tác sử dụng điện thoại này là đúng nhưng thực tế lại không phải vậy.
Đóng ứng dụng chạy ngầm để tiết kiệm pin và giúp cho điện thoại chạy mượt hơn
Cả iOS và Android đều cho phép ứng dụng chạy ngầm cho các tác vụ đa nhiệm. Vậy nên theo logic suy nghĩ, khi có thêm tiến trình dùng tài nguyên hệ thống và chạy nhiều chương trình hơn thì điện thoại sẽ chậm hơn.
Tuy nhiên, cả hai nền tảng hệ điều hành này đều có khả năng giới hạn mức tiêu tốn tài nguyên khi chạy ngầm. Vậy nên, tiêu hao pin sẽ không đáng bao nhiêu. Đa nhiệm không phải là thủ phạm khiến cho điện thoại của bạn chạy chậm đi.
Nhiều người thường cài thêm ứng dụng để tắt các chương trình đang chạy ngầm. Thực tế, điều này không giúp ích là bao. Các phần mềm chuyên dụng này chỉ làm mỗi nhiệm vụ tắt ứng dụng chạy ngầm chứ không giúp tiết kiệm pin là bao. Bởi cả Android và iOS đều có cơ chế tự tắt các tác vụ mà chúng cho là cần thiết khi bộ nhớ bị đầy.
Dùng điện thoại cạn sạch pin rồi mới sạc
Pin Lithium-ion sẽ hoạt động tốt hơn khi nguồn điện luôn được duy trì. Các loại pin NiCAD và NiMH sẽ bền hơn nếu bạn dùng cạn kiệt rồi mới sạc đầy 100%. Các loại pin hiện đại không gặp tình trạng này bởi chúng không có "bộ nhớ cell" giống như các loại pin sạc NiCAD và NiMH cũ.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến của chuyên gia cho rằng, thỉnh thoảng bạn nên sử dụng quy trình sạc 0 – 100, nghĩa là dùng kiệt pin rồi sạc đầy 100% - trung bình mỗi 3 tháng một lần. Thói quen này tuy không giúp tăng tuổi thọ pin nhưng có tác dụng loại bỏ tình trạng pin ảo.
Bluetooth/Wi-Fi ngốn pin
Bluetooth và Wi-Fi giúp bạn chuyển các file lớn hoặc dữ liệu từ thiết bị sang thiết bị một cách nhanh chóng. Nhiều người nghĩ rằng cả hai giao thức mạng này đều tiêu tốn pin khá nhiều. Tuy nhiên, thực tế các thế hệ mới của Bluetooth và Wi-Fi Direct lại tiêu hao rất ít pin khi chúng không sử dụng (có nghĩa là bật lên nhưng không sử dụng). Chỉ khi nào bạn bắt đầu sử dụng chúng (chẳng hạn như dùng để truyền file, vào mạng, hoặc kết nối với thiết bị…) thì pin mới tiêu hao.
Cấu hình cao hơn, hiệu suất sẽ cao hơn
Về mặt nào đó, điều này có vẻ đúng nhưng thực tế cấu hình không phải là thước đo chuẩn xác nhất của hiệu suất. Chẳng hạn như Android, mỗi năm có tới vài chục mẫu sản phẩm mới ra mắt với cấu hình ngày càng được nâng cấp. Tuy nhiên, sở hữu một chiếc điện thoại cấu hình tốt không có nghĩa là nó luôn chạy mượt mà.
Camera điện thoại cũng là điểm rất dễ lầm tưởng. Một chiếc điện thoại có camera 12MP không có nghĩa nó tốt hơn rất nhiều so với camera 8MP. Ngoài ra, các vi xử lý đa lõi cũng thế, không phải cứ 4 lõi là nhanh gấp đôi 2 lõi.
Cụ thể hơn, rất nhiều chiếc điện thoại Android có cấu hình tốt hơn iPhone nhưng thực tế chúng không chạy nhanh hơn và ưu việt hơn chiếc smartphone của Apple. Vậy nên cấu hình chỉ là một chuyện, còn điện thoại có chạy nhanh hơn, mượt mà hơn lại là chuyện khác.
Chỉ nên dùng sạc đi theo máy
Các nhà sản xuất luôn khuyến cáo điều này. Tuy nhiên, thực tế bất cứ sạc nào có cùng thông số đều sử dụng được hết. Tuy nhiên, cũng nên phân biệt giữa sạc "xịn" và sạc Tàu. Sạc "xịn" của Belkin, Amazon và một số hãng tên tuổi bao giờ cũng an toàn hơn nhiều so với các loại sạc Tàu rẻ tiền. Sạc không rõ nguồn gốc rất dễ gây nguy hiểm cho thiết bị và đôi khi cả bản thân bạn.
Sạc điện thoại qua đêm làm hư pin
Thực ra, điều này cũng đúng ở điểm nào đó, nhất là đối với các loại pin dùng công nghệ cũ. Tuy nhiên, công nghệ pin và sạc pin hiện tại đã được cải thiện rất nhiều nên bạn hoàn toàn không phải lo lắng về điều đó. Các loại pin cũ không đủ thông minh để nhận biết khi nào đã sạc đầy, và việc sạc đầy liên tục qua đêm sẽ khiến tuổi thọ pin giảm đi. Trong khi đó, các loại pin mới đã thông minh hơn, khi sạc đầy chúng sẽ tự ngắt.
Tắt điện thoại, tháo SIM, bật chế độ máy bay để tránh bị theo dõi
Trước tiên hãy nói về chế độ máy bay. Khi điện thoại đặt ở chế độ này, nó sẽ tắt hết kết nối wifi và các dịch vụ di động. Tuy nhiên, bạn vẫn bị theo dõi qua vệ tinh ngay cả khi sử dụng chế độ Airplane.
Về cơ bản, điện thoại có 2 hệ điều hành riêng biệt. Cái thứ nhất giúp kết nối với các mạng di động xung quanh bạn, còn cái thứ hai chính là giao diện bạn sử dụng. Khi chuyển điện thoại sang chế độ máy bay, bạn chỉ vô hiệu hóa một phần của hệ điều hành (chính là phần giao diện), phần còn lại vẫn giao tiếp với mạng di động và do vậy bạn vẫn có thể bị theo dõi.
Điện thoại luôn cần pin để truyền tín hiệu, do vậy việc tắt điện thoại hoặc tháo pin sẽ vô hiệu khả năng theo dõi. Tuy nhiên, một số loại phần mềm độc hại hiện nay có khả năng giả lập đánh lừa người dùng rằng điện thoại đã bị tắt nhưng thực tế lại không phải vậy.
Việc tháo SIM cũng không giải quyết được vấn đề bởi điện thoại của bạn vẫn có những bộ nhận diện đang hoạt động. Các tổ chức tình báo, an ninh, quân sự, cơ quan luật pháp vẫn có phương tiện để theo dõi chiếc điện thoại đã tháo SIM.
Cách an toàn nhất là tháo hẳn pin ra. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng iPhone 6, Galaxy S6 hoặc các loại điện thoại pin liền thì điều đó là không thể.
Thiết lập mức sáng tự động giúp tiết kiệm pin
Điều này hoàn toàn sai. Thiết lập đó chỉ giúp tiết kiệm một chút pin khi giảm độ sáng màn hình một cách hợp lý. Tuy nhiên, pin lại bị tiêu tốn cho cảm biến ánh sáng để làm việc đó, đồng thời CPU điện thoại phải hoạt động thu thập dữ liệu để tinh chỉnh nên thậm chí pin còn tốn nhiều hơn.
Android dễ bị hack hơn
Phần mềm nguồn mở cho phép người ngoài được can thiệp vào bên trong, và điều này có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, thực tế bản thân hệ điều hành Android lại rất an toàn.
Ý kiến bạn đọc