Cuộc chiến smartphone: Lý do khiến Samsung tuột dốc

13:39, 04/03/2015
|

(VnMedia) - Từng chiếm thế thượng phong trên thị trường smartphone nhưng gần đây nhà sản xuất Hàn Quốc – Samsung dường như đã bắt đầu “hụt hơi” và có dấu hiệu tuột dốc. Vậy lý do gì khiến Samsung lâm vào hoàn cảnh như vậy?

>>
Cuộc đua “song mã”: Samsung lấn át Apple
>> Cuộc chiến smartphone: Hào quang và thoái trào (Phần 1)

Cơ hội bỏ lỡ

Thành công của bộ phận di động Samsung tại Mỹ bắt đầu gây rạn nứt với trụ sở chính ở Hàn Quốc. Các nguồn tin nói rằng, Samsung ở Mỹ càng thành công thì quan hệ với các trụ sở chính Hàn Quốc càng phức tạp. Thay vì được ca ngợi, đội ở Mỹ cảm thấy rằng họ đang bị trừng phạt vì làm quá tốt.

Mọi việc xấu đi khi một số nguồn tin nói rằng, Samsung đã cử cả một máy bay chở đầy quan chức tới văn phòng bộ phân di động tại Dalllas, Mỹ để kiểm toán bất thường kéo dài suốt 2 tuần trong năm 2012. Các nhân viên tại Dallas phải rà soát tất cả tài liệu mà họ đã sử dụng để bán và marketing các sản phẩm di động của Samsung. Họ bị buộc tội đã giả mạo doanh số bán hàng, mua chuộc giới truyền thông và gây ra hàng loạt sự cố về đạo đức công việc.

Văn phòng tại Mỹ từng đưa thương hiệu Samsung sánh ngang với Apple đột nhiên bị trừng phạt vì công việc của họ.

Ba tuần sau, đội kiểm toán Hàn Quốc không tìm được bất cứ dấu hiệu bất thường nào tại văn phòng Mỹ và đã quay trở về Hàn Quốc. Thế nhưng rõ ràng đã gây ra những thiệt hại, trụ sở Hàn Quốc có ác cảm rằng đội ở Mỹ tuy thành công nhưng không hoàn hảo. 

Giữa những căng thẳng dâng cao, Samsung tiếp tục giới thiệu Galaxy S4 vào năm 2013 tại một sự kiện trang trọng tại Nhà hát Radio City, New York. Thay vì ra mắt sản phẩm theo cách truyền thống, Samsung lại giới thiệu các tính năng của điện thoại mới kết hợp với phong cách âm nhạc.

Kết quả không đạt như ý muốn. Nhiều người chỉ trích Samsung ra mắt sản phẩm kiểu này. Biên tập viên Molly Wood của CNET thậm chí còn gọi đây là kiểu nửa mùa.

Ảnh minh họa
Sự kiện giới thiệu Galaxy S4 bị nhiều chỉ trích.

Chưa hết, Galaxy S4 còn đón nhận nhiều đánh giá tiêu cực. Samsung đã gộp hàng chục tính năng vào chiếc điện thoại này như điều khiển không cần chạm, theo dõi cử chỉ mắt, và nhiều chế độ camera không cần thiết và không hoạt động như đã quảng cáo. Tuy nhiên, Galaxy S4 vẫn là chiếc điện thoại thành công nhất của Samsung, và năm 2013 vẫn là một năm khởi sắc của công ty này.

Thế nhưng 2014 mới thực sự là năm gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Năm khó khăn

Tại Hội nghị Mobile World Congress năm ngoài ở Barcelona, Samsung tuyên bố đã bán được hơn 100 triệu chiếc điện thoại thuộc dòng Galaxy S trong vòng 4 năm qua. Đây là con số khổng lồ mà chỉ có Apple mới vượt qua được.

Sau đó, Samsung tiếp tục tung ra chiếc Galaxy S5 trang bị nhiều tính năng cao cấp và hữu ích như camera cải tiến, chống nước… Cũng giống như các đời Galaxy S trước, S5 dùng vỏ nhựa và được bán với giá 650USD (bản unlock). Dựa vào thành công của Galaxy S4, Samsung không có lý do gì để lo lắng về S5.

Thế nhưng hãng đã sai.

Có rất nhiều nhân tố khiến cho Samsung trượt dốc trong năm 2014 nhưng thủ phạm lớn nhất có lẽ là các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc. Các công ty khởi nghiệp từ Trung Quốc như onePlus và Xiaomi đã sử dụng công thức được cho là thần kỳ khi tạo ra những chiếc smartphone đẹp, chất lượng cao nhưng giá chỉ bằng một nửa so với iPhone hoặc dòng Galaxy S. 

Xiaomi cũng là câu chuyện thành công nhất của năm 2014. Nó cũng là hãng smartphone lớn nhất Trung Quốc và là thị trường lớn tiếp theo nơi hàng triệu người đang có nhu cầu thay đổi điện thoại. Smartphone của Xiaomi được làm bằng các vật liệu cao cấp như thép không rỉ và do vậy trông chúng hấp dẫn hơn điện thoại của Samsung. Ngoài ra, điện thoại Xiaomi cũng sở hữu các thông số mạnh về vi xử lý, màn hình sắc nét và camera chất lượng cao.

Ảnh minh họa
Xiaomi đã rất thành công trong năm 2014.

Xiaomi lên cũng đồng nghĩa với Samsung yếu đi tại Trung Quốc. Do Xiaomi sử dụng Android nên các model đắt tiền hơn của Samsung không có cách nào cạnh tranh nổi. Thêm vào đó, Xiaomi sử dụng phương thức market truyền miệng và thông qua mạng xã hội nên không tốn kém hàng triệu đô cho những chiến dịch quảng bá đắt tiền như cách Samsung vẫn làm.

Thế nhưng Xiaomi cũng chỉ là một phần. Phần lớn thành công của Samsung bắt nguồn từ khởi đầu suôn sẻ và phân phối sản phẩm điện thoại ở phạm vi lớn trước khi phần còn lại của những đối thủ cạnh tranh iPhone có thể tiếp cận, theo nhà phân tích công nghệ Ben Thompson của trang blog Stratechery.

Chẳng hạn iPhone chỉ được bán ở 1/3 nhà mạng mà Samsung đang "phủ sóng". Tại Mỹ, Samsung là một trong những lựa chọn tốt nhất trừ khi bạn là khách hàng của AT&T và đang sử dụng iPhone.

Nó cũng tương tự như câu chuyện của China Mobile, nhà mạng di động lớn nhất thế giới với hơn 700 triệu thuê bao. Apple cuối cùng cũng đưa được iPhone vào China Mobile hồi đầu năm ngoái. Kể từ đó trở đi, Trung Quốc luôn là một trong những thị trường tiêu thụ iPhone tăng trưởng lớn nhất của Apple. Người dùng tại đây có thể lựa chọn Xiaomi, Lenovo hoặc bất cứ một thương hiệu nào rẻ tiền hơn sản phẩm Samsung.

"Tôi nghĩ nguy hiểm nhất là khi bạn không biết tại sao mình lại thắng", Thompson nói trong một cuộc phỏng vấn. "Một trong những lý do Samsung thành công là họ đã đi theo hướng mà Nokia và các hãng khác không thể. Họ có thể tận dụng mọi nguồn lực đang có nhưng lại không thể duy trì được lâu bởi điện thoại của họ chẳng có gì là đặc biệt. Samsung bị chèn ép bởi Apple ở mảng cao cấp trong khi bị Xiaomi đánh bại ở mảng giá rẻ tại Trung Quốc". "Cuối cùng khi không có sự khác biệt nào, Samsung đành phải quay lại cạnh tranh về giá".
Tuy nhiên, đó không phải là kế hoạch mà Samsung định làm.

Chiến lược mới

Ngày 1/3 vừa qua, Samsung đã ra mắt 2 phiên bản mới của dòng điện thoại cấp cao Galaxy S6. Hai phiên bản này đã thực sự có bước đột phá cả về thiết kế và công nghệ đối với hãng này. Tuy nhiên, cả hai model này sẽ nằm trong mức giá cao, Galaxy S6 Edge có giá lên tới 1000USD (không kèm hợp đồng), đắt hơn gấp 3 lần giá của điện thoại Xiaomi.

Trừ khi Samsung có thủ thuật đặc biệt nào về phần mềm còn nếu không S6 khó có thể cạnh tranh với các đối thủ Android khác bởi giá bán quá cao. Và nếu điều đó xảy ra, chắc chắn Samsung sẽ có một năm cực kỳ vất vả để giành thị phần.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Samsung đã thua trong cuộc chiến di động. Samsung vẫn là hãng lớn sản xuất rất nhiều mặt hàng sản phẩm từ máy rửa bát tới điều hòa không khí. Và Samsung hoàn toàn có thể tạo một chấn động khác sau smartphone. Ngoài ra, mảng sản xuất chip của hãng cũng đang rất ăn nên làm ra, đặc biệt là khi Samsung đã có thỏa thuận sản xuất chip cho chiếc iPhone kế tiếp, dự kiến sẽ ra mắt cuối năm nay.

Một lĩnh vực quan trọng khác Samsung đang rất quan tâm đó là “Internet of Things” (IoT) – giúp kết nối vạn vật với nhau. Tại CES tháng giêng vừa rồi, Samsung công bố nhiều sản phẩm IoT sẽ được dùng trong nhiều năm tới. Về lý thuyết, IoT sẽ giúp xây dựng hệ sinh thái giá trị để kết nối mọi thứ trong gia đình và tạo dựng một mảng dịch vụ hoàn toàn mới cho khách hàng của Samsung.

Và như vậy, Samsung vẫn còn nhiều cửa để cạnh tranh với Apple trong nhiều năm tới, chứ không chỉ bó hẹp trong mỗi lịch vực smartphone.


Tuệ Minh - (Theo BI)

Ý kiến bạn đọc