(VnMedia) - Sau kỷ nguyên hậu iPhone năm 2008 và 2009, Samsung - cũng như nhiều hãng khác - chỉ xếp chiếu dưới, nhưng nhanh chóng Samsung đã vươn lên sánh ngang Apple trong cuộc đua “song mã”. Tuy nhiên, đến giờ nhà sản xuất này dường như đang bị đuối sức. Vậy làm thế nào Samsung có thể trỗi dậy rồi lại để tuột mất cơ hội đó?
Tháng 11/2011, Samsung phát động loạt chiến dịch quảng cáo đầu tiên giúp định hình hướng đi của hãng mãi tận 3 năm sau này. Đối tượng hướng tới chính là các fan hâm mộ "Quả táo" vào thời điểm mà nhiều người cho rằng Apple đang là "khuôn vàng thước ngọc" và không còn gì đáng chờ đợi hơn là những đợt ra mắt sản phẩm mới của hãng này.
Hình ảnh quảng cáo Galaxy S II chế nhạo các fan của Apple xếp hàng chờ đợi
mua iPhone mới.
Samsung đã sử dụng “con bài” Galaxy S II, dòng sản phẩm cao cấp sở hữu màn hình lớn, kết nối 4G - hai đặc điểm mà chiếc iPhone 4S ở thời điểm đó không có. Và không như iPhone, người dùng không phải xếp hàng dài mới mua được Galaxy S II. Ở thời đó, ngoại trừ iPhone, không có sản phẩm nào chứng kiến những đoàn người xếp hàng dài để mua chúng.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi với khẩu hiệu đầu tiên "Next Big Thing". Cũng giống như Apple từng chế nhạo Microsoft trong chiến dịch "I’m a Mac" của hãng này những năm 2000, mục tiêu của Samsung là nhằm tới đối thủ lớn nhất đang chiếm lĩnh thị trường- ở đây là Apple và thực tế chiến dịch này ít nhiều đã thành công.
Đến cuối năm 2012, lợi nhuận của Samsung đã tăng 76%, chủ yếu là do sự tăng tưởng của phân khúc di động - bỗng đột nhiên trở thành mảng có lãi nhất của Samsung. Khi đó, ngoài Apple ra, Samsung là công ty duy nhất có lãi trong mảng di động và có vẻ như nó đang thách thức vai trò thống trị của Apple. Tháng giêng 2013, tờ Wall Street Journal đã từng chạy một hàng tít rất nổi tiếng, đó là: "Liệu Apple đã mất ngôi vương về tay Samsung?"
Vào thời điểm Galaxy S4 ra mắt tháng 3/2013, sự mong đợi các sản phẩm di động của Samsung đã sánh ngang với Apple. Và chính thức đó là cuộc đua chỉ có hai "đại gia" máu mặt là Apple và Samsung tham gia.
Thế nhưng chỉ một năm sau đó, mọi thứ lại quay trở lại mốc ban đầu. Lợi nhuận năm 2014 của Samsung trong mảng di động giảm mạnh ngay cả vào thời điểm mua sắm bận rộn nhất trong năm. Samsung đổ lỗi cho sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực di động đã khiến cho hãng lâm vào tình thế này.
Giờ đây, Samsung đang chuẩn bị cho sự ra mắt chiếc điện thoại quan trọng nhất của hãng tới đây. Câu hỏi là liệu Galaxy S6 có đủ sức vực dậy Samsung khi đang trong giai đoạn thoái trào hay không, hay là Samsung cũng sẽ cùng chung số phận hẩm hiu với các tên tuổi từng một thời đình đám như Nokia, BlackBerry và Motorola.
Làm thế nào mà Samsung bỗng trở nên nổi trội rồi đột nhiên lại đánh mất mọi thứ?
Cạnh tranh từ những tên tuổi mới như Xiaomi và sự đổi mới của Apple được cho là nguyên nhân. Tuy nhiên, cũng có những tin đồn về việc rạn nứt trong nội bộ trụ sở Hàn Quốc của tập đoàn này cũng đóng vai trò chính. Chúng ta cùng nhìn thay thời kỳ huy hoàng và dần thoái trào của hãng sản xuất Hàn Quốc này.
Samsung Galaxy S5 và iPhone 5S.
Sự ra đời của “Galaxy”
Sau kỷ nguyên hậu iPhone năm 2008 và 2009, Samsung – cũng như nhiều hãng khác – chỉ xếp chiếu dưới. Hãng phụ thuộc chủ yếu vào các nhà mạng để bán smartphone, nhưng kể cả ở thời điểm đó hãng cũng không có bất cứ sự phân tích rõ ràng nào trong đống điện thoại của hãng. Do phụ thuộc vào nhà mạng nên người dùng có thể lựa chọn bất kỳ giữa iPhone, BlackBerry hay bất cứ thương hiệu điện thoại nào miễn là được hưởng hợp đồng 2 năm miễn phí.
Năm 2009, Samsung quyết định cần phải có thương hiệu mới dành cho dòng sản phẩm mobile cao cấp chạy trên Android – theo nguồn tin thân cận với Samsung vào thời điểm đó tiết lộ. Hãng đã sử dụng công nghệ màn hình Super AMOLED mang tính cách mạng. Và cũng như cách mà hãng này đã cung cấp chip và màn hình cho các nhà sản xuất smartphone khác, công nghệ Super AMOLED cũng xác định đi theo con đường đó.
HTC từng được coi là “vua” điện thoại Android trước Samsung.
Cuối cùng, Samsung đã quyết định làm riêng một mẫu smartphone cao cấp để cạnh tranh với iPhone nhưng lại kẹt ở chỗ không thể quảng bá chúng. Cái tên "Samsung" lúc đó thường đồng nghĩa với điện thoại gập giá rẻ và TV đẹp. Nó chưa bao giờ được đặt ngang hàng với Apple, BlackBerry hoặc Nokia trong lĩnh vực smartphone. Điều đó có thể giết chết một sản phẩm mới trước khi nó được tung ra thị trường. Ngoài ra, việc thử nghiệm thương hiệu này là để chống lại Apple với đối tượng người dùng chỉ biết tới sản phẩm Samsung chừng nào chúng ra mắt. Samsung thực sự cần sự thay đổi, và hãng đã lựa chọn thương hiệu cao cấp sử dụng Android để làm bước tiến khởi đầu.
Samsung đã chọn Galaxy.
Tháng 3/2010, Samsung ra mắt chiếc Galaxy S mà sau này đã trở thành dòng sản phẩm thành công trên cả điện thoại và máy tính bảng Android. Galaxy S có thông số phần cứng cạnh tranh với iPhone nhưng lại bị chỉ trích nặng nề vì bắt chước phần mềm và kiểu dáng vật lý của đối thủ. Thế nhưng điều đó lại có vẻ không thành vấn đề. Hàng trăm nhà mạng trên khắp thế giới không phân phối iPhone đã hăng hái nhảy vào, và AT&T thậm chí còn độc quyền phân phối Galaxy S tại Mỹ.
Samsung đã thỏa thuận với các nhà mạng quảng bá mạnh mẽ cho Galaxy S khi nó được tung ra vào tháng 6/2010. Đáng khích lệ hơn là AT&T đã đồng ý bán Galaxy S mà chắc chắn nó sẽ là đối thủ cạnh tranh chính của iPhone.
Mời bạn đón đọc Phần 2: Cuộc đua “song mã”: Samsung áp đảo Apple
Ý kiến bạn đọc