Lật tẩy chiêu giá rẻ và “xâm chiếm” toàn cầu của Xiaomi

13:52, 20/01/2015
|

(VnMedia) - Thành công với chiến lược bán các smartphone cấu hình mạnh mẽ với giá rẻ nhất, công ty “non trẻ” Xiaomi tiếp tục “nuốt cá bé” và tham vọng trở thành “gã khổng lồ” đa quốc gia.

Bí quyết giá rẻ

Xiaomi đã rất thành công với chiến lược sản phẩm “chất” giá rẻ và khiến cho không ít những thương hiệu lớn lao đao, đồng thời nhiều nhà sản xuất cũng chuyển hướng chạy theo. Vậy làm thế nào Xiaomi có thể hạ thấp giá smartphone đến vậy mà vẫn có lãi.

Ảnh minh họa


Các sản phẩm của Xiaomi được bán độc quyền thông qua các gian hàng trên web của hãng, điều này đã tiết kiệm rất nhiều chi phí cửa hàng. Với cách làm này, công ty không phải chịu bất kỳ chi phí liên quan đến nhân sự và quản lý cửa hàng nói chung (bao gồm kho bãi), chưa kể rằng họ hoàn toàn bỏ qua các nhà phân phối và các đại lý bán lẻ - những đơn vị này đều muốn kiếm lời và “thổi” giá lên.

Đó là cách duy nhất để Xiaomi tiết kiệm chi phí. Yếu tố rất quan trọng khác là chu kỳ vòng đời trung bình của các sản phẩm Xiaomi. Hugo Barra của Xiaomi cho biết: “Một sản phẩm nằm trên “kệ” trong thời gian từ 18 đến 24 tháng sẽ giảm giá 3 hoặc 4 lần. Ví dụ như Mi2 và Mi2s đã bán ra thị trường cách đây 26 tháng. Redmi 1 ra mắt đầu tiên vào tháng 9/2013 và chúng tôi đã công bố Redmi 2 vào tháng này, tức là sau 16 tháng”.

Ảnh minh họa
Mi Note vừa được Xiaomi trình làng.

Vậy tại sao lại có thể giảm giá? Bởi vì chi phí các linh kiện phần cứng giảm dần, đặc biệt trong ngành công nghiệp đặt nặng vào tính đặc trưng khi những cải tiến công nghệ thay đổi nhanh chóng. Điều đó có nghĩa rằng, chi phí điện thoại của Xiaomi giảm một nửa sau 1 năm, cho phép công ty có thể cắt giảm giá. Hiệu ứng này càng giúp Xiaomi tăng doanh số trong khi danh mục đầu tư smartphone của công ty rất ít so với các nhà sản xuất Android có “máu mặt”.

Cuối cùng, không giống như các nhà sản xuất khác trong ngành công nghiệp (nhưng rất giống onePlus), Xiaomi đang chèo lái các chiến lược tiếp thị với ngân sách cơ bản là không có gì. Thay vào đó, công ty dựa vào mạng xã hội và truyền miệng để tạo quảng cáo và nhận thức về sản phẩm của họ.

Kết hợp tất cả các lựa chọn chiến lược đó, bạn có thể thấy được vì sao Xiaomi có thể bán các smartphone cao cấp ở mức giá rẻ như vậy.

Vươn mình thành người “khổng lồ” đa quốc gia

Chỉ mới được thành lập từ 2010, ban đầu công ty phát triển phần mềm cho các thiết bị di động chạy trên hệ điều hành Android. Sau 1 năm, công ty đã giới thiệu smartphone đầu tiên tại Trung Quốc và bắt đầu thâm nhập vào thị trường điện tử tiêu dùng gồm các hộp set-top box cho Tivi. Trên thực tế, Xiaomi không tự mình chế tạo các thiết bị  mà dựa vào các nhà sản xuất theo hợp đồng gồm FIH Mobile Ltd và Inventec Corp, để chế tạo sản phẩm phần cứng.

Ảnh minh họa
Tăng trưởng nhanh chóng.

Cuối năm 2014, Xiaomi đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau hai “gã khổng lồ” Samsung và Apple. Xiaomi đã trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ đắt giá nhất hành tinh với giá trị lên tới 45 tỷ USD và dự đoán sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong năm nay.

Không muốn dừng lại ở đó, Xiaomi tiếp tục tham vọng vươn ra thị trường quốc tế. Các nhà phân tích nhận định rằng, Xiaomi có tiềm năng lớn để trở thành thương hiệu tiêu dùng toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc. Trong mảng smartphone, Xiaomi có thể giành lấy thị phần đáng kể trên toàn cầu nhưng còn rất nhiều hạng mục thú vị mà Xiaomi có thể nhắm tới. Trong năm ngoái, công ty đã mở rộng ra thị trường Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia. Xiaomi cho biết, họ sẽ mở rộng tiếp ra thị trường Thái Lan, Nga, Mexico, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

Xiaomi có thể sẽ thiết lập một hệ sinh thái như của Apple bao gồm phần cứng, phần mềm và dịch vụ, một hệ sinh thái không chỉ hoạt động trên điện thoại di động mà còn trên các thiết bị khác" Sandy Shen, một nhà phân tích của Gartner cho biết.

Xiaomi biết rằng để xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, hãng không thể ôm đồm tất cả các lĩnh vực. Hành động khôn ngoan nhất là thâu tóm các công ty startup về làm việc cho mình. Xiaomi đã đầu tư vào 25 startup để thực hiện tham vọng của mình.

Từ tháng 10/2014, Xiaomi đã đầu tư hơn 600 triệu USD vào những startup mới nổi với rất nhiều sản phẩm công nghệ sáng tạo như máy lọc không khí cho tới bóng đèn. Có thể dễ dàng nhận thấy những sản phẩm này sẽ được Xiaomi ứng dụng vào công nghệ smarthome - hướng đi mà Apple và Samsung đang theo đuổi.

Ngày 1/12/2014, Xiaomi bỏ ra 296 triệu USD để đầu tư vào 21Vianet Group Inc - công ty cung cấp giải pháp dữ liệu trên Internet. Chưa đầy một tuần sau, Xiaomi đầu tư khoản tiền đầu tiên trên đất Mỹ bằng việc đổ 40 triệu USD vào Misfit Wearables, hãng sản xuất các thiết bị theo dõi sức khoẻ người dùng.

Và hôm qua (19/1), “người hùng Trung Quốc” – Xiaomi đã mua lại khoảng 3% cổ phần của hãng phần mềm Kingsoft từ Tencent Holdings Ltd với giá 67,99 triệu USD. Hiện CEO kiêm Chủ tịch Xiaomi - Lei Jun cũng là nhà sáng lập và là chủ tịch Kingsoft – một công ty chuyên về giải trí, phần mềm văn phòng và bảo mật Internet. Thương vụ này giúp Lei tăng quyền bỏ phiếu tại Kingsoft lên 29,9%.

Ảnh minh họa
Không nằm ngoài xu thế Internet of Things.

Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, Phó Chủ tịch phụ trách toàn cầu của Xiaomi - Hugo Barra cho biết, công ty sẽ đầu tư ngày càng nhiều vào mảng nội dung và truyền thông, bao gồm cả việc kiếm được nhiều hơn từ nước ngoài. Công ty đã phát hành MiBox, set top box TV và các Tivi kết nối với web chạy trên hệ điều hành Android. Công ty đã dành 1 tỷ USD cho nội dung truyền hình trên Internet.

“Xiaomi đang chứng tỏ tham vọng thống trị giai đoạn công nghệ mới của thế giới sau khi thời đại smartphone đã bắt đàu thoái trào. Đó chính là xu hướng “Internet of Things". Smart TV với kết nối Internet sẽ là chiếc phi tiêu của Xiaomi phóng vào thị trường với tâm điểm là smarthome”, Cyrus Mewawalla, Giám đốc của CM Research nhận định.


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc