(VnMedia) - Khoảng thời gian gần Tết là lúc mà nhiều người có nhu cầu sắm một bộ dàn âm thanh để thưởng thức trong gia đình. Vnmedia xin gửi tới độc giả một vài kinh nghiệm trong việc này.
1. Xác định mục đích
Trước khi sắm bộ dàn âm thanh, chúng ta phải xác định rõ mục đích sự dụng chính của gia đình. Nếu ưu tiên việc xem phim, thì bộ dàn 5.1 là ưu tiên số 1. Nếu chỉ để nghe nhạc, chúng ta cần tập trung vào bộ dàn stereo. Nếu để hát karaoke, chúng ta sẽ phải “hy sinh” sở thíc nghe nhạc. Gần như không có bộ dàn nào đáp ứng được cả 3 mục đích nói trên một cách tương đối hoàn hảo, hoặc nếu có thì giá thành sẽ rất cao. Trong bài này, sẽ chỉ tập trung vào việc sắm một bộ dàn để nghe nhạc stereo thuần túy, bởi đó vẫn là ưu tiên số 1 của nhiều độc giả.
Như đã nói ở trên, rất ít bộ dàn âm thanh nào đáp ứng được tất cả các thể loại âm nhạc. Đó là một thách thức ngay cả với nhà sản xuất. Chúng ta có thể thấy một bộ dàn trình diễn rất tốt các nhạc cụ, nhưng khi thể hiện giọng hát thì lại thiếu cảm xúc một cách trầm trọng hoặc ngược lại, thể hiện giọng hát rất tốt nhưng lại bùng nhùng khi trình diễn các bản nhạc có tiết tấu nhanh, mạnh mẽ. Việc xác định nhu cầu và gout nghe sẽ khiến chúng ta đỡ mất thời gian loay hoay trong ma trận của âm thanh mà mỗi sản phẩm đều có một đặc trưng riêng.
Nếu căn phòng nơi lắp đặt bộ âm thanh không quá rộng, chúng ta không nên đầu tư nhiều vào những đôi loa to, ampli công suất lớn. Những thiết bị đó dùng để trình diễn ở những không gian rộng, khi nghe ở mức công suất nhỏ sẽ bị thiếu hụt rất nhiều do hạn chế ở volume. Nếu chúng ta biết một chút về kỹ thuật, chúng ta sẽ hiểu rằng sẽ rất khó để có thể thể hiện âm thanh giống nhau ở những mức volume khác nhau.
Cho nên chúng ta thường có cảm giác phải mở to mới đã tai là vì vậy. Một mẹo nhỏ khi đi sắm bộ dàn âm thanh là chúng ta để nghị người bán hàng mở mức volume nhỏ, bởi họ rất hay mở to để che giấu những khuyết điểm nói trên. Nếu ở mức công suất nhỏ, chúng ta vẫn nghe được những âm thanh như ở mức công suất lớn, thì đó là những thiết bị được chế tạo kỹ càng và có chất lượng cao.
Và một điều không thể quên, là chúng ta nên mang những đĩa CD quen thuộc đã nghe nhiều ngày để thử dàn máy. Một khi trên bộ dàn ở cửa hàng đã được trang âm tốt hơn trong nhà chúng ta, mà đĩa CD đó không được như ý, chẳng có lý gì mà chúng ta lại phải nghe vào những lời quảng cáo của người bán hàng vốn êm ái và ngọt ngào hơn bất cứ chiếc loa nào.
2. Thu thập thông tin
Chúng ta có thể tìm hiểu thông tin về dàn máy định sắm qua bạn bè, người thân, những người có hiểu biết về âm thanh. Nếu được như vậy thì miễn chê. Nhưng nếu chúng ta không quen biết những chuyên gia về lĩnh vực này, thì internet hẳn nhiên là một công cụ đắc lực. Chúng ta, hẳn nhiên, sẽ phải tìm kiếm thông tin về sản phẩm định mua. Các diễn đàn về âm thanh cũng là một địa chỉ cần chú ý, bởi đó là nơi những người chơi âm thanh có kinh nghiệm trao đổi những kiến thức, những trải nghiệm.
Nếu biết chắt lọc thông tin, thì các diễn đàn có thể coi là nơi tin cậy. Nói như vậy, là bởi có những người bán hàng trá hình, lập nick name trên mạng để tự PR cho những sản phẩm mà họ đang chuẩn bị tung ra thị trường. Bằng một chút kinh nghiệm, chúng ta có thể phân biệt được. bởi những người bán hàng đó hay ca ngợi sản phẩm bằng những mỹ từ, còn người chơi âm thanh, họ đi sâu vào mổ xẻ ưu khuyết của sản phẩm là chính.
Một kinh nghiệm nữa, là nếu chúng ta không hiểu biết về đồ âm thanh cũ, thì tốt hơn hết là không nên mạo hiểm. Đừng chạy theo những sản phẩm mà cách đây vài thập kỷ được coi là tối ưu. Chúng ta đều biết rằng, linh kiện điện tử có tuổi thọ, có định mức sử dụng. Cứ cho rằng những sản phẩm đó là rất tốt, thì sau bao nhiêu năm sử dụng, không ai dám chắc chắn rằng chúng đang hoạt động đúng chế độ cho phép.
Hãy cảnh giác với những lời quảng cáo rằng đó là vì hàng từ nước ngoài về cho nên còn đẹp còn nguyên bản. Bởi từ lâu nay, Nhà nước đã cấm nhập khẩu hàng điện tử cũ. Mặt khác, trình độ tân trang hàng second-hand của thợ đã lên đến mức rất cao. Nếu chưa được sở hữu hàng thật, chúng ta rất khó phân biệt với hàng đã tân trang lại hay hàng nhái.
Hiện nay, có rất nhiều cửa hàng bán đồ điện tử online, nhờ sự phát triển của internet. Họ quảng cáo rằng hàng của họ giá hợp lý hơn vì không phải thuê mặt bằng như các cửa hàng audio lớn đóng đô lại mặt phố lớn. Tâm lý của chúng ta đều ham rẻ, cho nên rất dễ rơi vào bẫy PR của họ. Sản phẩm không rõ xuất xứ, lại không được bảo hành, chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Chúng ta vẫn nên tìm đến các cửa hàng bán đồ âm thanh có uy tín, được biết đến. Giá thành có thể hơi cao một chút, nhưng chúng ta mua được những giá trị khác ngoài sản phẩm. Những cửa hàng đó mới đủ uy tín để làm nhà phân phối chính hãng, kèm theo bảo hành. Ở những cửa hàng ấy, uy tín là quan trọng nhất, họ không dại gì nhập những thiết bị kém chất lượng để chuốc lấy những phàn nàn của khách hàng, nhất là trong thời đại thế giới phẳng như hiện nay.
3. Nghe thử và quyết định
Tìm được cửa hàng ưng ý, chúng ta đề nghị nhân viên của cửa hàng cho chúng ta nghe thử bản nhạc quen thuộc ở mức âm lượng vừa phải, và tốt nhất nghe ở chế độ direct, nghĩa là không qua những chiết áp chỉnh các dải tần. Nếu không, chúng ta sẽ để mức chiết áp của các dải ở số 0, tức là lấy điểm trung bình nhất. Nếu ở mức đó mà âm thanh vẫn đủ các dải thì đó là một bộ dàn có chất lượng tốt. Chúng ta nên thử nhiều bản nhạc khác nhau, nhiều thể loại để tự rút cho mình những kết luận. Chú ý rằng, cơ chế hoạt động của tai người là rất hoàn hảo, và cảm giác ban đầu lúc nghe là quan trọng nhất. Càng nghe nhiều, chúng ta càng khó phân biệt âm thanh.
Hãy đề nghị người bán hàng cho chúng ta được nghe thật kỹ để quyết định. Thông thường, nếu đó là sản phẩm tốt, người bán hàng chẳng có gì phải ngần ngại bởi họ rất tin vào chất lượng thiết bị cũng như khả năng phối phép. Còn một khi họ lúng túng hoặc gắt gỏng với khách hàng, chúng ta vẫn có thể có nhiều lựa chọn ở cửa hàng khác.
Và cuối cùng, chúng ta mua bộ dàn là để cho mình, nên cứ để đôi tai của chính mình quyết định. Đừng quá tin vào quảng cáo, vào giới thiệu, để rồi sau đó chúng ta phải nghe một bộ dàn bằng tai người khác.
Nếu bạn ở Hà Nội, có thể đến các cửa hàng, showrom của Công Audio, Thanh Tùng Audio, Audio Hoàng Hải để nghe thử trước khi quyết định. Ở những cửa hàng này, chúng ta có thể được nghe thoải mái và được tư vấn nhiệt tình, kỹ càng. Nếu ở thành phố Hồ Chí Minh, thì Audio Sơn Hà, Đông Thành, Hòa Phúc là những địa chỉ uy tín từ nhiều năm. Chúc độc giả tìm được cho mình một bộ dàn âm thanh ưng ý.
Ý kiến bạn đọc