(VnMedia) - Đặc tính giao diện “lai” giữa máy tính để bàn và máy tính bảng của Windows 8 đã giúp khởi sinh ra các dòng thiết bị lai mới. Tuy nhiên, về cơ bản chúng vẫn được chia thành 2 phong cách rõ ràng: máy “lai” mỏng, nhẹ và thiên về dạng tablet với bàn phím trượt; và máy “lai” thiên theo kiểu laptop.
Mặc dù trên thị trường vẫn có một số máy lai dạng tablet (chẳng hạn như Sony VAIO Duo 11) xuất hiện cùng với thời điểm Windows 8 ra mắt nhưng chúng khá hiếm. Đó là chưa kể với việc những chiếc tablet lai này thường có màn hình nhỏ, bàn phím và touchpad khó sử dụng. Mẫu nâng cấp Sony VAIO Duo 13 (1.400USD) có khá hơn và gần gặn hơn với latop, và tuy cải thiện được trải nghiệm bàn phím nhưng touchpad vẫn còn khá nhỏ.
Trong khi đó, những chiếc máy “lai” thiên về laptop lại có trải nghiệm người dùng tốt hơn. Những thiết bị này được khởi nguồn từ những chiếc laptop truyền thống nhưng được trang bị màn hình trượt, gập hoặc xoay biến chúng thành một chiếc tablet gọn nhẹ. Trong số thiết bị này thì dòng Lenovo Yoga (Yoga 11s – 800USD, Yoga 2 Pro – 930USD) có thể xem là lựa chọn hợp lý với khả năng chuyển đổi linh hoạt – có thể gập 360 độ biến laptop thành tablet. Ngoài ra, chiếc Dell XPS 12 (giá khởi điểm 900USD) cũng là một lựa chọn tốt.
Surface Pro 2
Thiết bị lai có giá 900USD này có cơ chế hoạt động cực kỳ linh hoạt. Về mặt kỹ thuật thì nó là một chiếc máy tính bảng nhưng lại được trang bị chip Core i5 mạnh tương đương với laptop, có khả năng xử lý nhiều tác vụ đòi hỏi nhiều sức mạnh vi xử lý như chỉnh sửa video hoặc chạy hàng chục ứng dụng cùng lúc. Đầu năm tới đây, Surface Pro 2 sẽ có thêm phụ kiện chân đế và có thể dễ dàng biến thành chiếc PC để bàn khi cần.
Nếu xét trên bình diện chung, chiếc tablet lai chạy trên nền tảng x86 này của Microsoft khá đắt, đó là chưa kể tới việc bạn sẽ phải chi thêm 120USD để mua phụ kiện bản phím. Surface Pro 2 cũng là chiếc tablet không được mỏng và pin kém bền mặc dù đợt nâng cấp firmware gần đây đã nâng thêm đôi chút thời lượng sử dụng pin. Những ưu và khuyết điểm của Surface Pro 2 khiến nó bị giới hạn và chỉ thích hợp với một số đối tượng người dùng nhất định, chẳng hạn như dân kinh doanh hoặc những người cần biên tập video/ đồ họa trên tablet.
Như đã đề cập ở trên, Surface Pro 2 sắp có thêm phụ kiện ấn tượng là bộ chân đế. Bộ chân đế này sẽ có rất nhiều cổng cắm, trong đó có 3 cổng USB 2.0, 1 cổng USB 3.0, kết nối Mini DisplayPort, Ethernet, và ngõ âm thanh 3.5mm.
Mặc dù chiếc Surface Pro đời đầu vẫn lưu hành trên thị trường (giá khởi điểm 700USD) và cũng có một số ưu điểm nhất định nhưng lại tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là thời lượng pin thấp và chỉ có duy nhất một tư thế đặt máy trên mặt bàn. Ngoài ra, người dùng sẽ phải mua thêm vỏ và bàn phím với giá khá đắt đỏ. An ủi duy nhất là bộ chân đế sắp bán ra sẽ tương thích với chiếc Surface Pro đời đầu này.
Máy tính bàn “lai”
Nếu đang tìm mua một chiếc PC mới hoặc thêm một chiếc PC thứ hai, bạn có thể cân nhắc giữa mẫu PC “tất cả trong một” và kiểu truyền thống. Trong trường hợp đó, Lenovo C540 Touch là lựa chọn cần phải tính tới với màn hình cảm ứng tiện dụng giúp người dùng có thể tận dụng hết sức mạnh của giao diện Windows 8. Vì là “tất cả trong một” nên phần cứng của C540 Touch được tích hợp thẳng vào màn hình nhằm tiết kiệm diện tích đặt máy vì không cần tới chiếc case cồng kềnh như người ta vẫn thường thấy với một chiếc PC thông thường.
Tuy nhiên, một chiếc PC “tất cả trong một” cũng có những hạn chế nhất định. Trước hết, nó đắt hơn so với mẫu PC dạng tháp (tower) đứng dù cho giá của chúng đã bao gồm cả màn hình. Bản chất tích hợp “tất cả trong một” cũng khiến việc nâng cấp bị hạn chế. Do cần phải gọn nhẹ nên các thiết bị đi kèm đều có sức mạnh xử lý kém hơn so với những chiếc PC đích thực. Tuy nhiên, với các tác vụ công việc hàng ngày như lướt web, streming video, chơi nhạc… thì máy tính “tất cả trong một” đều xử lý ngon. Chỉ duy có chơi game 3D là khó có thể thỏa mãn được kỳ vọng.
Cho dù bạn có chọn mua loại desktop nào đi chăng nữa thì ở thời điểm hiện tại, chiếc desktop đó vẫn phải có tối thiểu 4GB RAM, ổ cứng tối thiếu 500GB và nên trang bị ổ SSD cho tốc độ đọc nhanh hơn. Đối với vi xử lý, bạn cần cân nhắc sử dụng các dòng CPU như Intel Core i3, i5, hoặc i7; AMD FX-series CPU; hoặc dòng APU như AMD A8-, A10-. Tất nhiên, về mặt kỹ thuật, Windows 8 có thể chạy trên các nền tảng phần cứng thấp hơn, nhưng tùy theo nhu cầu công việc và túi tiền, bạn có thể sắm cho mình một cỗ máy phù hợp. Chẳng hạn, bạn cần biên tập video, chơi game 3D hoặc cần xử lý các tác vụ nặng nề thì một hệ thống với Core i5 hoặc Core i7 xem chừng sẽ thích hợp hơn.
Ý kiến bạn đọc