(VnMedia) - Một tín đồ chơi game thực thụ luôn tìm cách thỏa mãn sở thích của mình mọi lúc mọi nơi. Và đó cũng là lý do tại sao họ sẽ cần tới cỗ máy chơi game di động, có sức mạnh không kém cạnh gì so với những chiếc PC chơi game để bàn.
Chúng ta hãy cùng xem qua những mẫu laptop chơi game được đánh giá cao hiện nay khi xét theo các tiêu chí: hiệu suất xử lý, trọng lượng, thời lượng pin, và giá thành sản phẩm.
Alienware M17x R4
Nếu xét về chủng loại “laptop chơi game”, bạn khó có thể tìm được một cỗ máy nào tốt hơn chiếc Alienware M17x R4. “Người ngoài hành tinh” (Alienware) luôn là thương hiệu các game thủ di động mong đợi, và M17x R4 chính là đại diện tốt nhất trong số này.
Ngoài kiểu dáng thiết kế hầm hố vô cùng đặc trưng, M17x R4 còn là cỗ máy siêu mạnh với chip vi xử lý Intel Core i7-3720QM thế hệ thứ 3 (dòng Ivy Bridge), card đồ họa rời Nvidia GeForce GTX 680M, RAM 8GB (có thể nâng cấp lên 32GB), màn hình LED 17,3-inch (độ phân giải HD 1920x1080), và pin có thể chạy liên tục trong vòng 4 tiếng.
Các thông số phần cứng khác của M17xR4 cũng rất ấn tượng: ổ quang Blu-ray, 2 khe cắm LAN, Wi-Fi 802.11a/b/g/n, 4 cổng USB 3.0, 2 cổng eSATA/USB 2.0, khe đọc thẻ 9-trong-1, cổng HDMI, Mini DisplayPort, VGA… Máy chỉ thiếu mỗi cổng Thunderbolt là coi như có đầy đủ mọi loại cổng kết nối.
Với sức mạnh của mình, cỗ máy này có thể chạy mượt mà các game 3D và phim Blu-ray, cho màu sắc trong sáng và rõ ràng. Do là máy chỉ dành cho chơi game nên M17xR4 không được cài đặt sẵn bất cứ một phần mềm thông thường nào kiểu như Microsoft Office. Chính vì vậy, M17xR4 khởi động rất nhanh và chạy cực kỳ “trâu bò”. Máy có giá khởi điểm là 2.274 USD.
Origin EON17-S
Cỗ máy này có duy nhất một trở ngại đó là bộ sạc pin quá nặng. Nó là một hệ thống chơi game di động cực kỳ suất sắc, ít có đối thủ nào sánh kịp. Origin EON17-S có hiệu suất cực đỉnh, âm thanh hay, và màn hình sắc nét (Full HD 17,3-inch). Nhờ được trang bị chip cực mạnh Intel Extreme Edition Core i7-3920XM (có thể ép xung lên 4,5GHz) mà Origin EON17-S lọt vào top những cỗ máy “laptop thay thế PC” nhanh nhất hiện nay.
Thử nghiệm với chỉ số WorldBench 7 (đo khả năng xử lý game và hiệu suất hệ thống), EON17-S ghi được 200 điểm, nhanh gấp 2 lần hệ thống cơ bản. Các thông số kỹ thuật khác của Origin EON17-S bao gồm: RAM DDR3 16GB (có thể nâng cấp lên 32GB), card đồ họa rời Nvidia GeForce GTX 675M, 2 ổ SSD 120GB, 1 ổ HDD 1TB, Wi-Fi 802.11a/b/g/n, Bluetooth, webcam, microphone, đọc vân tay…
Rất dễ để nhận thấy Origin EON17-S không dành cho tín đồ ưa thích kiểu dáng thiết kế thời trang: máy nặng (5kg nếu tính cả bộ sạc), cồng kềnh và trông không có vẻ gì nổi trội. Pin của máy chỉ chạy được khoảng 2,5 tiếng, chủ yếu do card đồ họa và chip vi xử lý tiêu hao quá nhiều điện năng. Trong khi đó, giá thì lại khá “chát”, dao động từ 1.560 USD (cơ bản) tới 3.500USD (đủ tính năng và phụ kiện).
Samsung Series 7 Gamer
Mặc dù không phải là cỗ máy chơi game mạnh nhất nhưng Samsung Series 7 Gamer vẫn khiến cho nhiều game thủ thèm muốn với chip Intel i7-3610QM 2.3 GHz, RAM 16GB, ổ cứng 1,5TB, card đồ họa “đỉnh” của Nvidia (GeForce GTX 675M) và hệ thống phím bấm hỗ trợ chuyên biệt cho chơi game. Những thông số kỹ thuật khác của máy cũng không kém cạnh ai, gồm: 2 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 2.0, HDMI, VGA, DisplayPort, khe đọc thẻ, headphone, microphone, Gigabit Ethernet, Wi-Fi 802.11a/b/g/n, và Bluetooth 4.0.
Nhờ có card đồ họa GeForce GTX 675M mà Samsung Series 7 Gamer xử lý khá mượt mà các game “sát thủ bộ nhớ” như Dirt 3 và Crysis 2. Tuy nhiên, chỉ số WorldBench 7 của máy chỉ đạt 123 điểm, nhanh hơn 23% với hệ thống cơ bản. Bù lại, khả năng ép xung của máy lại khá ấn tượng, cùng thời lượng sử dụng pin vào khoảng 3 tiếng. Bàn phím của Samsung Series 7 Gamer được thiết kế riêng cho tác vụ chơi game. Các phím bấm mà game thủ thường dùng được đánh dấu màu đỏ rất riêng biệt và có đèn nền giúp người dùng thao tác nhanh hơn và hiệu quả hơn. Samsung Series 7 Gamer có giá khá mềm, chỉ khoảng 1.900USD.
MSI GT70
Cũng phải nói luôn MSI GT70 là cỗ máy khá cục mịch, nặng nề, và chắc khó có thể đáp ứng các game thủ kỹ tính. Nhưng bù lại, MSI GT70 lại có những điểm mạnh mà các cỗ máy chơi game khác khó có được. Một trong những điểm nổi bật đó chính là thời lượng chơi pin rất ấn tượng (trên 5 tiếng), rất thích hợp cho cỗ máy chơi game di động, và giúp người dùng không phải kè kè mang theo sạc pin mọi lúc mọi nơi.
Ngoài ra, các thông số phần cứng khác của máy cũng rất mạnh: Intel Core i7-3610QM (dòng Ivy Bridge), RAM 16GB, 2 ổ cứng SSD SanDisk U100 60GB được cấu hình ở RAID 0, 1 ổ cứng HDD 700GB, ổ quang Blu-ray, card đồ họa Nvidia GTX670M, màn hình 17,3-inch (độ phân giải 1.900x1.200 pixel), 3 cổng USB 3.0, 1 cổng eSATA, gigabit ethernet, 802.11 b/g/n Wi-Fi (tốc độ 450Mbps), HDMI, VGA, khe cắm thẻ SD, và giắc âm thanh.
MSI GT70 đạt 145 điểm khi thử với WorldBench 7, kém 55 điểm so với EON17-S. Riêng với hai game Dirt 3 và Crysis 2, máy chỉ đạt hiệu suất trung bình khi thiết lập ở độ phân giải cao nhất 1920x1080 pixel. Giá của MSI GT70 là 2.099USD.
Acer Aspire TimelineUltra M5-581TG-6666
Nếu bạn không khoái các cỗ máy chơi game cồng kềnh thì sản phẩm có cái tên dài ngoằng (Acer Aspire TimelineUltra M5-581TG-6666) này sẽ là một chọn lựa phù hợp. Máy có màn hình trung bình (15,6-inch), và trọng lượng chỉ khoảng 2kg, tương đương với một chiếc ultrabook thông thường. Thế nhưng, đừng vội lầm tưởng trọng lượng nhẹ của máy sẽ đi đôi với hiệu suất xử lý.
Aspire đã trang bị cho cỗ máy này khả năng chơi game rất ấn tượng với chip Intel Core i5-3317U, RAM 6GB, card đồ họa Nvidia GeForce GT 640M, ổ cứng 500GB, và pin chạy liên tục hơn 7 tiếng. Sở dĩ M5-581TG được đánh giá cao không chỉ bởi hiệu suất của nó (so với trọng lượng và kích cỡ) mà còn ở mức giá của sản phẩm (829USD). Có lẽ M5-581TG là chiếc laptop chơi game nổi trội duy nhất có giá dưới 1.000USD hiện nay.
Ý kiến bạn đọc