(VnMedia) Chiều 8/4/2015, tại UBND tỉnh Hà Nam, đã diễn ra Lễ chuyển giao Trường Trung học BCVT&CNTT I từ Tập đoàn VNPT về tỉnh Hà Nam. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã tham dự và chủ trì buổi Lễ chuyển giao.
VNPT chuyển giao Trường trung học BCVT và CNTT Miền núi
Trường Trung học Bưu chính Viễn thông & Công nghệ thông tin (BCVT & CNTT) I chính thức được chuyển giao từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về tỉnh Hà Nam từ ngày 1/4/2015.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trường Trung học BCVT và CNTT I sẽ được chuyển giao nguyên trạng về tổ chức bộ máy, lao động, tài chính, tài sản và các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của Trường; ghi giảm vốn chủ sở hữu theo giá trị sổ sách của Tập đoàn VNPT và ghi tăng vốn ngân sách nhà nước tại UBND tỉnh Hà Nam.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam để bàn bạc, thống nhất phương án chuyển trường Trung học BCVT và CNTT I thuộc Tập đoàn VNPT về tỉnh Hà Nam quản lý theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
"Lễ chuyển giao hôm nay là kết quả của việc triển khai khẩn trương và nghiêm túc Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn VNPT và Quyết định số 331/QĐ-TTg ngày 10/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao trường Trung học BCVT và CNTT I từ Tập đoàn VNPT về UBND tỉnh Hà Nam", Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định tại buổi lễ.
Thứ trưởng tin tưởng rằng, dù hoạt động trong VNPT hay chuyển giao về UBND tỉnh Hà Nam, Trường Trung học BCVT và CNTT I vẫn sẽ tiếp tục phát huy bề dày truyền thống, không ngừng phấn đấu, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật cho tỉnh Hà Nam và các khu vực lân cận.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng chứng kiến Lễ ký bàn giao giữa Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng và lãnh đạo Tỉnh Hà Nam
Ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam cảm ơn sự giúp đỡ của Bộ và Tập đoàn VNPT với Hà Nam trong nhiều năm qua. Ông cho biết, tỉnh Hà Nam ủng hộ cao chủ trương tái cơ cấu các đơn vị trực thuộc Tập đoàn VNPT và đánh giá cao quá trình hình thành và phát triển của Trường Trung học BCVT và CNTT I, đây là cái nôi đào tạo cán bộ cho ngành TT&TT, khi nhận về địa phương, sẽ phát huy truyền thống tốt là đơn vị anh hùng, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và các tỉnh lân cận. Trong tương lại, Trường sẽ hợp tác với trường Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để có thể chuyển giao nguồn nhân lực cho các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT chia sẻ: “Thành lập từ năm 1960, trải qua nhiều chặng đường phát triển, Trường Trung học BCVT&CNTT I luôn là đơn vị hàng đầu của Tập đoàn về đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề. Chúng tôi rất vui khi lãnh đạo tỉnh đã sớm có kế hoạch phát triển trường.
Chúng tôi rất yên tâm khi bàn giao trường cho Hà Nam mà vẫn giữ được nguồn lực Tập đoàn đã đầu tư, từ đây sẽ tiếp tục phát huy nguồn lực này và giúp ích cho xã hội. Tập đoàn VNPT cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Trường Trung học BCVT&CNTT I để triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý của Tập đoàn”.
Theo biên bản chuyển giao giữa VNPT với UBND tỉnh Hà Nam, VNPT sẽ chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chủ sở hữu Nhà nước từ ngày 1/4/2015. Trường là đơn vị sự nghiệp công lập với tổng giá trị 5 tỷ 474 triệu đồng, hoạt động theo Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề và quy chế của trường. Hiện trường gồm 3 khoa đào tạo. Tổng số 57 lao động, 39 giảng viên.
Mái trường có bề dày 55 năm
Trường nghiệp vụ bưu điện Hà Nam được thành lập theo Quyết định số 289/QĐ-TCCB ngày 29-9-1960 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện với nhiệm vụ đào công nhân bưu điện cho các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Lớp học đầu tiên với gần 30 học sinh đã được khai giảng tại đình làng Mễ, xã Liêm Chính, thị xã Phủ Lý. Tháng 07-1962, Trường nghiệp vụ bưu điện Hà Nam đổi thành Trường nghiệp vụ bưu điện - truyền thanh. Lúc này, nhà trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật cho mạng lưới truyền thanh toàn miền Bắc. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn với 20 ngôi nhà tranh tre, đồ dùng học tập đơn giản và thô sơ, toàn trường chỉ có 8 tập giáo trình lý thuyết, 6 tập bài giảng viết tay. Nhưng với tinh thần vượt khó vươn lên của thầy và trò, trong 5 năm (1960 - 1965), Trường nghiệp vụ bưu điện - truyền thanh đã đào tạo 2.552 công nhân kỹ thuật thuộc các ngành nghề: sửa chữa máy thu phát vô tuyến điện công suất nhỏ, thợ dây máy hữu tuyến, công nhân kỹ thuật truyền thanh, công nhân khai thác nghiệp vụ.
Bước sang giai đoạn 1965 - 1975, do yêu cầu đào tạo khối lượng lớn cán bộ, học sinh chuyên ngành bưu điện phục vụ nhiệm vụ cách mạng, ngày 9-11-1965, Trường nghiệp vụ bưu điện - truyền thanh được tách thành 2 trường: Trường nghiệp vụ bưu điện Hà Nam và Trường kỹ thuật bưu điện và truyền thanh Hà Nam theo Quyết định số 813/QĐ-TCBĐTT của Tổng cục Bưu điện và truyền thanh. Năm 1968, Trường nghiệp vụ bưu điện Hà Nam chuyển thành Trường trung học nghiệp vụ bưu điện, tháng 5-1970, Trường kỹ thuật bưu điện và Truyền thanh Hà Nam đổi tên thành Trường công nhân bưu điện. Năm 1969, Trường trung học bưu điện I (C110-B51) và Trường trung học bưu điện II (C110-B52) sáp nhập thành Trường trung học bưu điện I.
Năm 1973, Trường trung học nghiệp vụ bưu điện sáp nhập với Trường trung học bưu điện I thành Trường trung học bưu điện. Qua 2 lần tách, nhập và 2 lần đổi tên trong vòng 10 năm (1965 - 1975), trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đào tạo trên 10 nghìn học sinh theo các lĩnh vực: cơ công vô tuyến điện, công nhân dây máy hữu tuyến, công nhân kỹ thuật tải ba, công nhân kỹ thuật tổng đài điện thoại tự động, nhân viên khai thác nghiệp vụ bưu chính - viễn thông và phát hành báo chí.
Trong giai đoạn 1975 - 1985, vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành bưu điện là phải nhanh chóng thiết lập hệ thống quản lý mạng lưới bưu điện trên phạm vi cả nước, đồng thời phát triển mạng lưới thông tin quốc gia để từng bước hội nhập và mở rộng quan hệ với các nước bạn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn này, Trường trung học bưu điện Hà Nam được sáp nhập với Trường công nhân bưu điện thành Trường công nhân bưu điện I vào tháng 10-1978.
Sau giai đoạn năm 2004 – 2006, Trường được đổi tên thành Trường Trung học BCVT&CNTT I và trước đây là một trong bốn trường thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên của nhà trường thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 100% giáo viên có trình độ đại học trở lên, trong đó có 31,3% có trình độ thạc sỹ; 30% giáo viên có trình độ trung cấp và cao cấp chính trị. Nhà trường luôn đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đã soạn, điều chỉnh, bổ sung 2.073 đề cương, 451 giáo trình theo phương pháp truyền thống, phương pháp MES, DACUM, hơn 1.000 bộ câu hỏi, đề thi viết và đề thi trắc nghiệm điện tử.
Kết quả học sinh thi tốt nghiệp đạt yêu cầu từ 98% - 100% trong đó tỷ lệ khá giỏi đạt 40% - 50%. Trong 55 năm qua, nhà trường đã đào tạo cho ngành bưu điện, cho đất nước và quốc tế được 26.680 học sinh chính khoá… Với những kết quả đã đạt được, trường đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý và huân, huy chương các loại từ các cấp, các ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức đoàn thể. Năm 1985, nhà trường đã vinh dự được đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động do Chủ tịch nước trao tặng.
Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, trường đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện tốt trong thời gian tới: Tăng cường công tác tiếp thị, liên kết đào tạo với các trường đại học, mở rộng các loại hình đào tạo; Tiếp tục thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; Thực hiện nghiêm túc các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành, của địa phương, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an ninh trường học..
Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển với nhiều lần đổi tên, tách trường và sáp nhập với những chức năng, nhiệm vụ đào tạo khác nhau, Trường TH BCVT&CNTT luôn luôn và đã thực sự trở thành "cái nôi" đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề cho ngành bưu chính - viễn thông trên toàn quốc, trong cả an ninh quốc phòng và nước bạn.
Ý kiến bạn đọc