Những "viên gạch" đặt nền móng cho Viễn thông Việt Nam

14:04, 02/02/2015
|

(VnMedia) - Để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trong thời kỳ giặc Mỹ đánh bom miền Bắc, CHDC Đức không chỉ viện trợ cho Việt Nam một hệ thống thông tin viba mà còn tận tình đào tạo cán bộ của ta nắm bắt kỹ thuật mới.

>>
Chuyên gia Viễn thông một thời của Đức thăm VNPT

Đảm bảo thông tin liên lạc

Vào năm 1964, Mỹ đã mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại trên miền Bắc. “Ngày đó tất cả các mạng hữu tuyến đều bị hỏng do bom đánh liên tục, kỹ thuật viên nối thông, bom Mỹ lại đánh, khiến đường dây liên lạc giữa các tỉnh không làm được”, Phó Ban kiến thiết viba K21-95 Nguyễn Công Quang vẫn còn nhớ như in.

Do đó, để hỗ trợ cho phương thức thông tin hữu tuyến và vô tuyến sóng ngắn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng cục Bưu điện đã đề nghị và được Cộng hòa dân chủ (CHDC) Đức đồng ý viện trợ một hệ thống thông tin viba băng hẹp.

Cuối năm 1968, hệ thống thiết bị viba RVG-950 được chuyển từ Đức sang, toàn bộ 72 ôtô rơ-bua thông tin được tập kết tại Đài thu Quế Dương (thuộc địa phận Sơn Đồng, Dương Liễu, Hà Nội ngày nay). Sau đó để giúp Việt Nam nắm bắt kỹ thuật quản lý hệ thống vô tuyến chuyển tiếp RVG-950, CHDC Đức đã cử hai đoàn chuyên gia tới Việt Nam, trong đó người gắn bó lâu dài và cống hiến nhiệt huyết cả một thời trai trẻ cho mạng thông tin liên lạc này chính là Frank Hoertzel.

Frank Hoertzel là chuyên gia của Cộng hòa dân chủ Đức sang giúp Việt Nam từ năm 1969 đến 1979. Sau đó, ông tham gia bảo hành thiết bị viễn thông cho Việt Nam cho đến năm 1989. Hồi đó, Frank Hoertzel là chuyên gia trưởng về Viba RVG950 và sau đó là kỹ sư trưởng bảo hành tổng đài ATZ và Viba RVG của CHDC Đức hãng RFT của Đông Đức ở Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ngay cả các trạm Kỳ Anh, Hòn Gai chiến tranh đánh phá ác liệt nhưng ông Frank Hoertzel đều leo hết.

Đặc biệt trong giai đoạn 10 năm, từ năm 1969 đến 1979, ông đã giúp đỡ lắp đặt thiết bị, đào tạo cán bộ kỹ thuật cho Việt Nam trên hai lĩnh vực chính là thiết bị truyền dẫn Viba RVG950 và tổng đài ngang dọc ATZ. Trong thời kỳ chúng ta chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ, ông Frank Hoertzel đã trực tiếp hướng dẫn cán bộ kỹ thuật của Tổng cục Bưu điện trong đội ngũ làm Viba RVG950 từ Quảng Bình cho tới Hòn Gai.

Khi nhắc đến chuyên gia Frank Hoertzel, ông Nguyễn Bá Thước, nguyên Phó Tổng Giám đốc VNPT vẫn còn nhớ như in người thanh niên dáng cao, đẹp trai nhưng rất nhiệt huyết.

“Ngay cả các trạm Kỳ Anh, Hòn Gai chiến tranh đánh phá ác liệt nhưng Frank Hoertzel đều leo hết. Ông Frank Hoertzel đã đi cùng chia sẻ khó khăn, vất vả với cán bộ kỹ thuật của Việt Nam ở hầu hết các trạm RVG950 từ Móng Cái cho đến Hà Tĩnh. Ngoài hướng dẫn trực tiếp, Frank Hoertzel còn tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật của ta và bắt đầu từ năm 1975, Frank Hoertzel lại giúp đỡ bảo hành hệ thống tổng đài tự động đầu tiên với thiết bị ngang dọc của Cộng hòa dân chủ Đức tại Hà Nội. Tức là giúp Việt Nam hiện đại hóa tổng đài của Hà Nội - được coi là “trái tim” của thông tin liên lạc, viễn thông của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước”, ông Nguyễn Bá Thước nói.

Vai trò chuyên gia

Theo ông Nguyễn Bá Thước, giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc của Mỹ là thời kỳ rất gian khổ, đặc biệt là giai đoạn từ 1970-1975 - trước khi thông nhất đất nước. Đây là giai đoạn mà các chuyên gia của CHDC Đức và các nước XHCN  khác, đặc biệt là ông Frank Hoertzel giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, giúp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Tổng Cục Bưu điện ban đầu được làm quen với những thiết bị viễn thông tương đối hiện đại của các nước XHCN hồi đó.

Ảnh minh họa
Ông Frank Hoertzel từng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Huy chương hữu nghị.

"Nhưng ý nghĩa hơn là giúp Việt Nam giữ được thông tin liên lạc để phục vụ cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là từ Hà Nội cho đến Quảng Bình, Hà Tĩnh - khu vực chịu bắn phá ác liệt nhất. Đối với Tổng Cục Bưu điện hay cán bộ kỹ thuật của mình, sự giúp đỡ của các chuyên gia quan trọng ở chỗ là tạo cho mình làm quen với kỹ thuật mới. Hồi đấy ít nói về công nghệ, mà là kỹ thuật mới và làm quen với phương pháp làm việc trực tiếp với chuyên gia nước ngoài. Chính những đội ngũ từ giai đoạn 1970 đến 1989 là tiền đề cho đội ngũ khoa học, kỹ thuật, viễn thông để Tổng Cục Bưu điện hay Bộ Bưu chính Viễn thông, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và đến Tập đoàn VNPT bây giờ phát huy được những thành quả từ giai đoạn đấy", ông Thước nhận định.

Hồi đó, trang thiết bị có hai loại gồm Truyền dẫn Viba (nanalog RVG950 của CHDC Đức) và tổng đài tự động ngang dọc ATZ của CHDC Đức viện trợ cho viễn thông Việt Nam. Đó là những “hòn gạch” ban đầu nhưng rất quan trọng tạo ra sự tự tin, niềm tin vào kỹ thuật mới nên góp phần cho chiến lược số hóa của Tổng Cục Bưu điện thắng lợi sau này.

Ảnh minh họa
Ông Frank Hoertzel thăm bảo tàng của VNPT.

Theo ông Thước, cảm nhận chung của những cán bộ hồi đó làm việc với các chuyên gia nước ngoài là tình cảm đằm thắm của tình hữu nghị anh em giữa các nước trong khối XHCN, là sự nhiệt huyết, tận tâm chỉ bảo. Điều đọng lại trong mọi người chính là tình cảm rất sâu sắc cùng với nhau chia ngọt sẻ bùi, vượt qua tất cả những khó khăn của thời kỳ chúng ta còn chịu nhiều khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thiết bị rất thô sơ, dây trần rồi cáp chì, cáp giấy, tổng đài từ thạch, tổng đài cộng điện sau đấy mới có tổng đài step by step rồi mới đến tổng đài ngang dọc nhưng tạo ra những niềm tin, những tình cảm rất gắn bó. Bởi vậy cho nên trong chúng tôi đọng lại những tình cảm thân thiết của những người đồng nghiệp, của những người đàn anh, của những người bậc thầy, của phe XHCN với chúng ta.

Do đó, công của các chuyên gia các nước XHCN, đặc biệt là CHDC Đức đối với viễn thông Việt Nam là đã tạo cho đội ngũ chúng ta niềm tin có thể làm được kỹ thuật mới. Đây là cơ sở để tiến tới số hóa mạng viễn thông Việt Nam.


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc