(VnMedia) - Chưa khi nào cụm từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay cách mạng 4.0 lại được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Có thể thấy, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, đồng thời tác động đến các quốc gia trên nhiều phương diện khác nhau. Chính phủ nhiều nước đã phải đề ra những chính sách để nắm bắt cơ hội phát triển cũng như ứng phó với những thách thức của cuộc cách mạng này. Các nước trong khu vực đều đã chính thức ban hành chiến lược cách mạng 4.0 với những lộ trình cụ thể, vậy Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cách mạng này?
Đinh hướng phát triển trên thế giới
Để trở thành cường quốc sản xuất của thế giới, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD trong vòng 05 năm và tập trung vào 10 lĩnh vực công nghệ sản xuất trọng điểm. Còn với Chính phủ Thái Lan, để đón đầu công nghệ 4.0, quốc gia này đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào khởi nghiệp, công nghệ và hạ tầng CNTT. Mục tiêu của Thái Lan là xây dựng nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo và công nghệ, trong đó đầu tư cho nghiên cứu phát triển đạt khoảng 4% GDP.
Trong khi đó, quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á là Singapore lại đề ra mục tiêu trở thành nước tiên phong về công nghệ bằng các hình thức như chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy các ngành công nghiệp, xây dựng một thành phố sôi động và kết nối các cơ hội, tạo lập một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ, tăng cường năng lực doanh nghiệp để đổi mới và mở rộng quy mô, hình thành những kỹ năng chuyên sâu cho người lao động, đào sâu và đa dạng hóa các kết nối quốc tế.
Là quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chính phủ Úc đã thành lập tổ tư vấn để xây dựng và triển khai chiến lược tiếp cận công nghiệp 4.0. Đồng thời, quốc gia này sẽ đầu tư khoảng 9,2 tỷ USD/năm vào nghiên cứu và phát triển để thu lại nhiều lợi nhuận thương mại hơn, tập trung vào 04 mảng chính gồm môi trường kinh doanh, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng và chính sách công nghiệp.
Một quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ cũng đã có rất nhiều chương trình, chiến lược để giữ vững vị trí dẫn đầu, đặc biệt là các công nghệ mới liên quan đến cách mạng CN lần thứ 4, có thể kể đến như: Internet công nghiệp, hợp tác sản xuất nâng cao.
Cách tiếp cận của nhiều nước
Một môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả là những gì mà nhiều quốc gia trên thế giới đề ra để bắt kịp với xu hướng phát triển của Cách mạng CN 4.0, cùng với đó là thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy số hóa, ứng dụng các công nghệ số hóa trong công nghiệp, dịch vụ như nâng cấp hạ tầng truyền thông băng rộng, các chương trình nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, IoT… có chính sách bảo vệ và thúc đẩy sử dụng tài sản trí tuệ, hỗ trợ kinh phí hoặc lãi suất vay cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các quốc gia còn xây dựng các trung tâm thử nghiệm và triển khai Công nghiệp 4.0, là nơi kết nối doanh nghiệp, tổ chức thử nghiệm các sản phẩm mới, đào tạo nhân lực, thí điểm chính sách đối với Công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, một trong những tiêu chí quan trọng mang tính chất quyết định khi phát triển công nghệ 4.0 đó là chính phủ các nước phải tập trung xây dựng hành lang pháp lý, tiêu chuẩn để triển khai các sản phẩm của công nghệ này vào cuộc sống: khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tiền ảo; khung pháp lý cho các thiết bị không người lái; tiêu chuẩn về hệ thống tự động hóa; tiêu chuẩn về bảo mật thông tin cho các thiết bị IoT.
Việt Nam đang ở đâu và kế hoạch tiếp theo là gì?
Theo quan điểm của các các chuyên gia trên thế giới, Cuộc cách mạng CN lần thứ 4 sẽ có những tác động vô cùng mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực quan trọng như: sản xuất – tự động hóa, giao thông vận tải, tài chính-ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp… Cũng nhờ có công nghệ này mà các doanh nghiệp có thể nâng cao được năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm chi phi sản xuất – vận hành, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, tiết kiệm sức lao động, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Chính vì vậy, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu thế công nghệ tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để bắt kịp các nước phát triển trên thế giới về các công nghệ thông minh như: trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hoá, công nghệ 3D và người máy,… Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng mang đến nhiều thách thức cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt về vấn đề hạ tầng công nghệ, an toàn và an ninh thông tin cũng như thích ứng và tận dụng cơ hội mà làn sóng công nghệ 4.0 mang lại.
Nếu nói rằng công nghiệp 4.0 là công nghiệp thông minh và là công nghiệp của sự kết nối, sáng tạo thì sự tiếp cận của Việt Nam trong thời gian vừa qua còn rời rạc, thiếu kết nối. Vẫn đang là hoạt động của từng ngành, từng khối riêng, chưa có sự đổi mới và đột phá trong cách tiếp cận.
Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sau hơn 6 tháng triển khai Chỉ thị, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có sự đầu tư và chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao như: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông với việc phủ sóng 4G với 95% dân số; Đưa giáo dục STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học ) vào chương trình đào tạo; đổi mới đào tạo nghề nghiệp; Tài trợ triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0; Ban hành các chính sách ưu đãi cho phát triển công nghệ thông tin; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp năng lực công nghệ, chuyển giao, ứng dụng, làm chủ và tiến tới sáng tạo công nghệ; Nỗ lực để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.
Như vậy là Chính phủ cũng như các cơ quan, ban ngành đã thể hiện quyết tâm tiếp cận công nghệ 4.0 một cách rõ ràng và cụ thể. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi của công nghiệp 4.0.
Để có thể tiếp cận thành công cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các chuyên gia cho rằng: Đối với những doanh nghiệp có trình độ công nghệ còn thấp thì cần được chuyển đổi từ công nghiệp 2.0 lên 3.0 v 4.0. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia. Có chiến lược hợp tác cụ thể với các quốc gia đi đầu trong khu vực để cùng phát triển những thế mạnh của mình, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần sự chung tay của nhóm các chuyên gia cao cấp từ các khối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ để khảo sát, đánh giá lại hiện trạng sẵn sàng với công nghiệp 4.0 của Việt Nam, dự báo một số kịch bản tác động của công nghiệp 4.0 tới Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận Công nghiệp 4.0 một cách rõ ràng hơn cho Việt Nam.
P.V
Ý kiến bạn đọc