(VnMedia) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) được cho là sẽ diễn ra với một tốc độ và quy mô chưa từng có, làm biến đổi toàn nhân loại với hàng loạt công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT)...
Những thay đổi này đã đặt tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu vào một cuộc đua khốc liệt. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn VNPT đã có những bước đi tích cực về chuyển đổi số theo chiến lược của Chính phủ cũng như bắt kịp với xu hướng chuyển đổi của thế giới. Điển hình là việc triển khai thành phố thông minh cho nhiều địa phương.
Xu hướng chuyển đổi số trên thế giới
Theo ước tính hiện nay có hơn 10 tỷ thiết bị đang kết nối Internet, bao gồm cả máy tính và smartphone. Và theo dự báo, số các thiết bị được kết nối mạng sẽ tiếp tăng lên với tốc độ cực nhanh trong một vài thập kỷ tới, đạt khoảng 50-100 tỷ thiết bị vào năm 2020. Internet of Things sẽ cũng tạo ra doanh thu vô cùng lớn, ước tính cỡ 2,7 nghìn tỷ USD cho tới 6,2 nghìn tỷ USD hằng năm vào năm 2025
Bên cạnh đó, phải kể đến sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến góp phần chuyển đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội như phân tích dữ liệu lớn, mô hình quản trị vòng đời sản phẩm mới, điện toán đám mây, kết nối diện rộng, công nghệ cảm biến nhúng.
Những cải tiến về công nghệ cũng giúp các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh và sử dụng. Các doanh nghiệp có thể cải thiện hoạt động sản xuất, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và chi phí sản xuất, đồng thời tạo ra những sản phẩm mới, những mô hình kinh doanh mới. Từ định hướng mới trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng định hướng sự gắn kết và tăng trải nghiệm của khách hàng.
Theo số liệu thống kê trên thế giới, có khoảng 38% lãnh đạo doanh nghiệp chú trọng phát triển năng lực về sáng tạo và công nghệ số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, 86% lãnh đạo doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, 47% doanh nghiệp có chiến lược bài bản về chuyển đổi số và 76% viên chức chính phủ cho rằng các công nghệ số đang tác động mạnh mẽ lên lĩnh vực công.
Các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số theo 04 tiêu chí gồm: Kết nối khách hàng, nâng cao năng suất lao động của cán bộ công nhân viên, tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp và chuyển đổi sản phẩm dịch vụ. Không chỉ tác động đến doanh nghiệp, chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của chính quyền và là giải pháp trọng tâm trong xây dựng đô thị thông minh (smart city).
Trước các thách thức về đô thị hóa cũng như nhu cầu cạnh tranh giữa các đô thị, nhu cầu tham gia quản lý đô thị và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân... đã buộc chính phủ các nước phải xây dựng các giải pháp đô thị thông minh. Theo kinh nghiệp và kết quả triển khai smart city ở một số nước cho thấy, hiệu quả kinh tế ở đô thị ngày càng cao, môi trường sống ngày càng tốt hơn, người dân được phục vụ tốt hơn, người dân được tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền và đô thị được phát triển bền vững hơn…
Nhờ có chuyển đổi số trong hoạt động chính quyền mà khả năng kết nối giữa chính quyền với người dân và giữa người dân với người dân tốt hơn, năng lực của đội ngũ cán bộ chính quyền thành phố cũng được nâng lên, tối ưu hóa hoạt động điều hành đô thị và tận dụng hiệu quả dữ liệu sẵn có để đưa ra các phân tích kế hoạch hành động, ra quyết định tốt hơn.
Quá trình chuyển đổi số hiện nay được triển khai trong một số lĩnh vực chuyên ngành như Chính quyền số, Y tế, giáo dục, môi trường, du lịch, nông nghiệp… với các dịch vụ được số hóa, nền tảng truy cập cơ sở dữ liệu và thanh toán online, các quy trình giao dịch được tự động hóa, thông tin và số liệu đồng nhất công khai, hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn, hoạt động của ngành được tối ưu hóa, nhu cầu của người dùng được đáp ứng tối đa…
Cơ hội chuyển đổi số ở Việt Nam
Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số với việc xây dựng chính quyền điện tử cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền đã có nhiều quyết định chiến lược quan trọng.
Tính đến nay, hạ tầng mạng băng rộng (cố định, di động) đã sẵn sàng để đáp ứng số lượng kết nối đang gia tăng với tốc độ rất cao, cùng với đó hạ tầng chính phủ điện tử, số hoá dữ liệu đã, đang dần hoàn thiện. Các công nghệ mới như điện toán đám mây, IoT với định hướng mở, kết nối thiết bị, cảm biến, cung cấp nền tảng để phát triển ứng dụng IoT đã dần hoàn thiện và được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển các thành phố trở thành thành phố thông minh để giải quyết các nhu cầu hiện nay cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững không ngừng tăng lên
Và kết quả đã đạt được, theo số liệu của Sách trắng CNTT & TT năm 2017, có khoảng 54,19% dân số sử dụng Internet; số thuê bao di động đạt 139,2/100 dân, tổng băng thông kết nối Internet đạt 3.816.027 Mbit/s và dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đạt 12.250.
Chuyển đổi số và vai trò của VNPT
VNPT hiện đang tư vấn cho 15 tỉnh thành phố về lộ trình và giải pháp đô thị thông minh. Thế mạnh hiện nay của VNPT là triển khai nền tảng thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu lớn (BigData as a Service), cùng với đó là triển khai nền tảng đám mây cung cấp dịch vụ máy chủ ảo, lưu trữ, phần mềm dịch vụ (DaaS, SaaS) và triển khai hạ tầng thông tin an toàn, bảo mật vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, đồng thời đào tạo nhân lực an toàn, bảo mật, góp phần đảm bảo an toàn, anh ninh thông tin quốc gia.
Bên cạnh đó, VNPT còn tập trung triển khai các nền tảng, giải pháp đô thị thông minh, chính quyền số, để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức trong xã hội.
Trong quá trình xây dựng giải pháp, VNPT đã hợp tác với nhiều đối tác lớn của nước ngoài trong đó có cả Microsoft, Fujitsu… để xây dựng giải pháp thành phố thông minh - VNPT Smart city), hướng tới đáp ứng được nhu cầu khác nhau của tất cả các tỉnh thành trên cả nước, cả về tính năng và bảo mật.
VNPT cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác sang các quốc gia khác để học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, VNPT nhận thấy rõ rằng nhu cầu khi triển khai đô thị thông minh ở mỗi một địa phương là khác biệt, dẫn tới giải pháp, lộ trình triển khai cũng như các tiêu chuẩn đi kèm cũng có sự khác biệt. Vì vậy, trước hết cần làm việc với khách hàng để tìm hiểu nhu cầu cụ thể, sau đó khảo sát tình hình rồi mới đề xuất giải pháp, xây dựng lộ trình.
Với giải pháp có tính linh hoạt cao, được xây dựng trên một nền tảng hoàn toàn mở và mô hình hợp tác đa dạng (hợp tác công tư hoặc cho thuê dịch vụ…), VNPT đã được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lựa chọn trở thành đối tác tin cậy trong chiến lược xây dựng đô thị thông minh của mình.
P.V
Ý kiến bạn đọc