Hơn 12 nghìn máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc Facebook đào tiền ảo

17:06, 21/12/2017
|

(VnMedia) - Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, tính tới 14 giờ chiều 21/12, đã có hơn 12.600 máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc đào tiền ảo lây qua Facebook.

Bkav ghi nhận cứ 10 phút, hacker lại tung lên mạng một biến thể virus mới nhằm tránh bị phát hiện bởi các phần mềm an ninh. Theo chuyên gia của Bkav, số máy tính bị nhiễm mã độc còn tiếp tục gia tăng mạnh. Chuyên gia Bkav cho biết, hacker đã lập trình để sinh tự động biến thể mới nhằm qua mặt các phần mềm an ninh. Tính tới thời điểm hiện tại đã có khoảng hơn 500 biến thể của mã độc đào tiền ảo được tung lên mạng và chưa có dấu hiệu dừng lại, cứ 10 phút một biến thể mới xuất hiện. 

Ông Vũ Ngọc Sơn - Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav nhận định: “Động cơ của hacker rất rõ ràng: lây nhiễm virus vào các máy tính nhiều nhất có thể để phục vụ mục đích đào tiền ảo. Nguy hiểm hơn, mã độc còn cài sẵn chức năng lấy cắp mật khẩu Facebook”.

Theo phân tích của Bkav, vào sáng hôm nay (21/12), hacker đã thêm vào biến thể mới nhất của mã độc khả năng đăng bài lên các Nhóm (Group), thay vì chỉ qua Facebook Messenger như ở phiên bản đầu tiên. Virus sử dụng tài khoản của nạn nhân để đăng video giả mạo chứa mã độc kèm theo nội dung mời gọi như “woow hot video”. Tập tin kèm theo có định dạng tiêu đề sex_video_xxxx.zip, với xxxx là 4 số ngẫu nhiên. Điều này khiến số lượng nạn nhân tăng lên nhanh chóng theo cấp số nhân. 

Mã độc Facebook đào tiền ảo.
Mã độc Facebook đào tiền ảo.

“Bkav đã tích hợp công nghệ có thể xử lý triệt để tất cả các biến thể của mã độc Facebook đào tiền ảo mà không cần cập nhật mẫu nhận diện mới. Người dùng có thể tải phần mềm Bkav phiên bản mới nhất để diệt virus. Riêng khách hàng sử dụng phiên bản Bkav Pro có bản quyền sẽ được tự động cập nhật”, ông Sơn cho biết.

Mã độc Facebook đào tiền ảo bùng phát từ ngày 19/12 và làm “náo loạn” Internet tại Việt Nam những ngày qua. Ban đầu virus này phát tán qua Facebook Messenger, núp bóng dưới dạng một video giả mạo. Nếu mở file giả mạo, máy tính sẽ bị nhiễm mã độc, chiếm quyền điều khiển và bị lợi dụng để đào tiền ảo, máy tính của nạn nhân luôn trong tình trạng giật lag và gần như không thể sử dụng.

Bkav khuyến cáo người dùng nên ngay lập tức diệt virus và đổi mật khẩu tài khoản Facebook. Cảnh giác khi nhận được file gửi qua Facebook Messenger, file chia sẻ trên Group, tốt nhất nên mở file trong môi trường cách ly an toàn (Safe Run) để tránh bị nhiễm mã độc.

Trước đó, ngày 19/12/2017, Cục An toàn Thông tin đã có văn bản số  683/CATTT-TĐQLGS gửi: Đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; Các Ngân hàng TMCP; Các tổ chức tài chính.- đưa ra các biện pháp phòng, chống mã độc lây lan thông qua Facebook Messenger tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia an toàn thông tin, những người dùng trình duyệt Chrome là đối tượng chính của mẫu mã độc này. Không loại trừ khả năng trong thời gian tới sẽ xuất hiện các mẫu mã độc nhằm vào các trình duyệt khác.
 
Nhằm bảo đảm an toàn thông tin và phòng tránh nguy cơ bị tấn công bởi mã độc, Cục An toàn thông tin khuyến nghị:
 
- Cảnh giác và không mở các tập tin hay đường dẫn lạ được gửi qua Facebook Messenger hay bất kỳ ứng dụng truyền thông nào khác (ví dụ: Viber, Zalo, thư điện tử, …).
 
- Nếu nhận được các thông tin (tập tin hoặc đường dẫn) lạ, có thể thông báo hoặc gửi thông tin về Cục An toàn thông tin để tổng hợp và phân tích, cảnh báo khi có những dấu hiệu, nguy cơ tấn công mạng mới.
 
- Đối với người dùng đã bị lây nhiễm cần cài đặt và cập nhật các phần mềm phòng, chống mã độc, virus để phát hiện và ngăn chặn, loại bỏ mã độc.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc