Khai mạc hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 21

15:13, 06/10/2017
|

(VnMedia) - Sáng 6/10/2017, tại Lào Cai, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và Hội Tin học Việt Nam tổ chức khai mạc Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 21.

Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Hội thảo cũng là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới.

Hội thảo với các chủ đề chính bao gồm: Chính phủ điện tử, những thành tựu đạt được, các giải pháp, định hướng trong những năm tiếp theo; Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; định hướng phát triển đô thị thông minh; Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, kết nối các ứng dụng cấp quốc gia với các ứng dụng tại địa phương; Cổng dịch vụ công Quốc gia; Hiện trạng và định hướng nâng cao an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước; Chính sách đảm bảo nguồn lực, nguồn nhân lực cho phát triển CNTT-TT.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: mic.gov.vn
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: mic.gov.vn

:à một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển và ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, Lào Cai cũng có nhiều mô hình nổi bật nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các đại biểu. Trong đó có mô hình Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh; hệ thống kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; CSDL dùng chung nền tảng phục vụ chính quyền điện tử; các giải pháp tương tác giữa người dân với chính quyền các cấp như: triển khai dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính; thanh toán dịch vụ hành chính công không dùng tiền mặt; đánh giá sự hài lòng của người dân với cán bộ “một cửa”, ứng dụng chữ ký số trong văn bản điện tử…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong những năm qua, công tác phát triển và ứng dụng CNTT nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và được xác định là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xếp hạng của Việt Nam về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 cũng đã có nhiều cải thiện, tăng 10 hạng so với năm 2014 và chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao.

Thứ trưởng chia sẻ, đặt vấn đề phát triển Chính phủ điện tử và xây dựng thành phố thông minh trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải thấy được Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Các nước đang phát triển như Việt Nam không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Chúng ta cần tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ trưởng cũng mong muốn, để tận dụng tốt những thuận lợi và vượt qua được các thách thức mà cuộc cách mạng số mang lại, ngoài vai trò chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự tham gia ủng hộ tích cực của cộng đồng CNTT-TT là hết sức quan trọng. Bộ TT&TT cũng kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, hội/hiệp hội CNTT-TT nỗ lực tham gia, đồng hành cùng Chính phủ trong hoạt động thúc đẩy cũng như đảm bảo an toàn cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ứng dụng CNTT và sản xuất phần mềm. Trong lĩnh vực cung ứng phần mềm cho các cơ quan nhà nước, vì nhiều lý do nên chỉ có doanh nghiệp trong nước mới cung ứng được các sản phẩm phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Một phần cũng bởi lý do quản lý đầu tư trong các cơ quan nhà nước còn chậm, phức tạp nên dẫn đến hạn chế trong việc triển khai áp dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Do đó, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP nhằm phù hợp với đặc thù CNTT.

Qua Hội thảo này, ông Lê Mạnh Hà cũng mong muốn các nhà hoạch định chính sách, các địa phương ủng hộ cho các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm phần cứng. Ông cũng mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo đạt được nhiều kết quả tốt, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu áp dụng trong lĩnh vực cũng như địa phương của mình.

Tại hội thảo, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cũng cho rằng để xây dựng đô thị thông minh hiệu quả, Việt Nam cần sớm thống nhất tiêu chí về đô thị thông minh để tránh mỗi nơi làm một kiểu. Ngoài ra, cần có tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam, trên cơ sở nền tảng cũ.

Bên lề Hội thảo cũng diễn ra Triển lãm CNTT-TT với sự góp mặt của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT-TT. Hội thảo và Triển lãm diễn ra trong hai ngày (05 - 06/10/2017) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, đại lộ Trần Hưng Đạo, thành phố Lào Cai.

(tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc