Chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển

14:25, 18/10/2017
|

(VnMedia) - Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam 2017 vừa khai mạc sáng nay, 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia…

Với chủ đề “Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số”, Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam 2017 vừa khai mạc sáng nay, 18/10 đã thu hút sự tham dự của hơn 500 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam… Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu khai mạc.

Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam năm 2017 (Vietnam ICT Investment Forum 2017 - VIF 2017) do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức

Vietnam ICT Investment Forum 2017 - VIF 2017 là sự kiện thường niên thuộc chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và VIF 2017, được tổ chức nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là thương mại điện tử, smart city, IoT và các doanh nghiệp startup.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc tại Hội nghị. Ảnh: mic.gov.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc tại Hội nghị. Ảnh: mic.gov.vn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia. Đây cũng là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới.

Tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đang hết sức nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Và Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành có những bước đi mạnh mẽ hơn liên quan đến việc chuẩn bị nhân lực. Gần đây, các hiệp hội đã phối hợp với các Bộ để đề ra một chương trình đào tạo nhân lực CNTT, cho phép áp dụng những quy định có tính đặc thù đối với đào tạo CNTT chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Có thể nói, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một  quốc gia và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới.

Trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT nước ngoài. Năm 2016, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà dầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn. Để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, việc rà soát và cập nhật chính sách thu hút đầu tư cần trở thành một nội dung quan trọng trong tiến trình số hóa của quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, trong nền kinh tế số hiện nay, dữ liệu là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng. Chính phủ và các ngành đang thực hiện nhiều công việc để tập hợp dữ liệu, tạo thành nguồn tài nguyên chung để tất cả cùng khai thác, tìm kiếm cơ hội lập nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là then chốt.

Trong thời giam qua, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó có Bộ TT&TT rà soát lại các quy định để tạo môi trường thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT trên tinh thần tận dụng tốt thế mạnh của CNTT, của nền kinh tế số, sử dụng tốt hơn nguồn lực về CNTT-TT. Mặt khác, vấn đề an toàn an ninh thông tin cũng như kinh doanh dịch vụ qua biên giới đang là xu thế, nhưng nếu quản lý không tốt sẽ dẫn tới bất bình đẳng, thể hiện rõ nhất là việc thất thu thuế. Điểm nữa, Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghiệ phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong đào tạo nhân lực CNTT, cho phép áp dụng các quy định có tính đặc thù như khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, phối hợp với các cơ sở đào tạo để sát với thực tế hơn. Một điểm lưu ý khác là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam cần môi trường đầu tư, cần ưu đãi về thuế, nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt siêu nhỏ phải tạo điều kiện thông thoáng để phát triển.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ quyết liệt triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng nhằm thực hiện tốt vai trò là Bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ chủ động kết nối giao thương CNTT với các nước trong khu vực Asean, đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông để kết nối với các nhà đầu tư ở cả trong nước và quốc tế. Chính phủ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam khát vọng chinh phục và đầu tư ra nước ngoài… Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, ngoài sự cố gắng từ phía Chính phủ, của Bộ TT&TT trên tinh thần cầu thị, hợp tác cùng phát triển, Bộ trương Trương Minh Tuấn mong muốn nhận được sự trao đổi, hỗ trợ, tư vấn cởi mở, thẳng thắn từ phía các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước để có thể giúp Chính phủ, Bộ TT&TT triển khai được các chính sách, giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT.

Hội nghị VIF 2017 diễn ra trọn vẹn ngày hôm nay sẽ bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về ba nội dung chính.

Thứ nhất, các khuyến nghị đối với chính sách thông tin và truyền thông và các chính sách liên quan của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế số. Trong đó, rà soát lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) trong nền kinh tế số; Cập nhật các quy định quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư đối với các doanh nghiệp số trong nước;

Thứ hai, đề xuất các biện pháp nền tảng để thúc đẩy đầu tư phát triển nền kinh tế số liên quan tới khung pháp lý, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm và dịch vụ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số. Đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp số Việt Nam phát triển;

Thứ ba, Đánh giá tiềm năng thị trường kinh tế số của Việt Nam, nhìn nhận các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, như mô hình kinh tế chia sẻ và đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường trong các lĩnh vực của nền kinh tế số, bao gồm thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ và các dịch vụ đô thị thông minh trên nền ICT. Từ đó phân tích cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư trong kinh tế số tại Việt Nam.

Hội nghị có 3 hoạt động chính gồm Diễn đàn, Triển lãm ICT và Kết nối (Business Networking). Diễn đàn được chia ra làm 2 phiên họp trong buổi sáng, là kênh đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội và nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT-TT (ICT). Phiên 1: Chính sách về ICT hướng tới thu hút đầu tư trong nền kinh tế số; Phiên 2: Thị trường kinh tế số: Thách thức và cơ hội đầu tư.

Triển lãm tổ chức song song với Diễn đàn, gồm các gian hàng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp ICT hàng đầu của Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT trong các lĩnh vực kinh tế chia sẻ, đô thị thông minh (smartcity) và IoT, giải pháp hạ tầng viễn thông và internet, thương mại điện tử (e-commerce) và khởi nghiệp (start-ups). Ngoài ra còn có các gian hàng của các địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa ... giới thiệu về kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT-TT của địa phương.

Phiên kết nối (Business Networking) có sự tham gia của 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phiên họp sẽ kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp và địa phương, trao đổi về giải pháp, công nghệ, mô hình đầu tư, tài chính...

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc