(VnMedia) - Đại diện của Qualcomm cho hay, điện thoại feature phone được hãng này dành cho một con chip 4G. Và người dùng dòng điện thoại này cũng có thể tận hưởng các dịch vụ dữ liệu trên nền tảng 4G.
Theo ông Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á, tăng trưởng 4G tại Việt Nam, dù mới ở giai đoạn ban đầu đã có những kết quả hết sức ấn tượng. Theo dự báo, đến năm 2020, 67% số lượng thiết bị bán ra tại thị trường Việt Nam sẽ hỗ trợ kết nối 4G LTE và tổng số lượng thuê bao 3G và 4G có thể sẽ lên tới con số 120 triệu. Trong số đó, hy vọng phần nhiều sẽ là thuê bao 4G.
4G đem đến thông lượng cao, năng lực cung cấp dữ liệu lớn. Nhưng tốc độ cao không phải là tất cả những gì 4G mang lại, mà còn là trải nghiệm tốt hơn, mới hơn cho người dùng với nhiều ứng dụng mới như trải nghiệm thực tại ảo, trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ download và upload dữ liệu lên đám mây - một dịch vụ đòi hỏi kết nối có độ trễ thấp và tốc độ cao. Với năng lực của 4G thì việc sử dụng điện toán đám mây trở nên dễ dàng và gần gũi hơn… Hiện đã có 581 nhà mạng triển khai 4G LTE và trong đó có 15 nhà mạng đang thí điểm LTE tốc độ Gigabit.
Tại thị trường Việt Nam, Qualcomm đang triển khai các hoạt đông chuyển đổi công nghệ cũ lên 4G, cụ thể là thuê bao 2G, 3G lên 4G. Qualcomm đã đưa ra nhiều giải pháp chipset dùng cho các dòng điện thoại từ cao cấp, tầm trung đến tầm thấp, và gần đây nhất là chipset 4G dành cho điện thoại cơ bản (feature phone). Như vậy, những người có thu nhập thấp và đang sử dụng điện thoại cơ bản hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ 4G.
Ngoài ra, Qualcomm đang hợp tác và làm việc chặt chẽ với các nhà mạng để đảm bảo chất lượng 4G tại Việt Nam. Khi mạng 4G đạt chất lượng cao, trải nghiệm của người dùng sẽ tốt, và một khi trải nghiệm tốt sẽ dẫn đến mức độ sử dụng cao hơn.
Theo ông Patrick Tsie, Giám đốc công nghệ Qualcomm khu vực Đông Nam Á, hiện nay vẫn còn một lượng lớn thuê bao sử dụng điện thoại GSM cơ bản (feature phone), có thể do điều kiện kinh tế, hoặc do sở thích cá nhân. Một số người dùng cũng chỉ thích và có nhu cầu sử dụng những dịch vụ cơ bản.
Qualcomm nắm bắt được nhu cầu đó, và trong xu thế chuyển đổi từ 2G lên 4G, đã đưa ra một nền tảng có giá cả hợp lý, hỗ trợ các dịch vụ truyền thống như thoại và nhắn tin, nhưng có chất lượng cao hơn nhiều; bên cạnh đó, có khả năng hỗ trợ những ứng dụng dữ liệu mới như Whatsapp, Facebook…
Như vậy người dùng vẫn sử dụng thiết bị quen thuộc với màn hình nhỏ, bàn phím vật lý, kích thước nhỏ gọn, nhưng được trải nghiệm dịch vụ cơ bản như thoại và nhắn tin với chất lượng cao hơn và từng bước trải nghiệm các dịch vụ dữ liệu trên web. Sau đó, khi đã quen rồi, những người dùng này có thể dễ dàng chuyển sang sử dụng smartphone.
Tuy nhiên, để công nghệ 4G thực sự đem lại hiệu quả và doanh thu cho các nhà mạng Việt, chuyên gia Qualcomm cho rằng, cần phải sáng tạo hơn trong việc đưa ra các gói cước 4G. Có thể là gói cước cố định theo tháng cho người dùng trả sau, và các gói cước linh hoạt hơn cho người dùng trả trước như hàng tuần, hàng ngày hoặc thậm chí theo ứng dụng. Người dùng thích dùng Facebook thì có thể đưa ra gói cước sử dụng Facebook. Điều này sẽ giúp kích cầu mọi đối tượng người dùng di động.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc