(VnMedia) - Những tranh chấp giữ chính phủ Mỹ và hãng bảo mật Nga Kaspersky vẫn tiếp tục diễn ra, sau đó các cơ quan chức năng của Mỹ đã ban hành lệnh cấm đối với công ty này. Mới đây, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã ra thông báo cho các doanh nghiệp tư nhân và yêu cầu gỡ sản phẩm bảo mật của Kaspersky ra khỏi hệ thống của họ.
Theo một báo cáo của công ty CyberScoop, FBI muốn các công ty ở Mỹ từ bỏ phần mềm Kaspersky, vì cơ quan này coi đó là "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia".
Hồi đầu năm nay, FBI đã bắt đầu gây áp lực buộc các công ty Mỹ phải dỡ bỏ các sản phẩm bảo mật Kaspersky ra khỏi hệ thống của họ trên cơ sở ưu tiên. Theo nguồn thông tin được tiết lộ từ các quan chức cao cấp của Mỹ hiện nay cũng như của các cựu quan chức vốn quen thuộc với vấn đề này (những người đã yêu cầu không được tiết lộ danh tính), các hãng trong ngành năng lượng và những doanh nghiệp sử dụng hệ thống kiểm soát công nghiệp (ICS), hệ thống kiểm soát và thu thập dữ liệu (SCADA) là những tổ chức đứng đầu danh sách buộc phải gỡ bỏ phần mềm nói trên.
Các hãng trong ngành năng lượng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của FBI, bởi chính quyền Mỹ đặc biệt quan tâm đến các cuộc tấn công gần đây đã làm tê liệt mạng lưới điện ở Ukraine và liên quan đến các nhóm hacker của Nga.
Ngoài ra, FBI đã liên lạc với các công ty công nghệ của Hoa Kỳ, những tổ chức được cho là có các giao dịch thương mại với Kaspersky, đặc biệt nếu các sản phẩm của họ nhắm vào các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Lý do khiến FBI mong muốn thoát khỏi phần mềm của Kaspersky là những rắc rối được cho là có liên quan với Nga. Cơ quan này tuyên bố nhiều nhân viên hiện tại của công ty bảo mật là cựu điệp viên tình báo Nga, luật pháp Nga có thể cho phép chính phủ kiểm soát một công ty tư nhân và sử dụng nó để làm gián điệp các quốc gia khác.
Kaspersky: “Chúng tôi không làm việc cho bất cứ chính phủ nào”
Phản biện lại những cáo buộc kể trên, mới đây đại diện công ty Kaspersky tuyên bố rằng, họ không có bất kỳ mối quan hệ nào với Nga cũng như chính phủ nào khác. Công ty này thậm chí còn đề nghị được chứng minh trước Quốc hội Mỹ và có thể kiểm tra mã nguồn của bất cứ phần mềm nào được cho là được tích hợp mã gián điệp hoặc mã giám sát.
Kaspersky cho rằng, việc các cơ quan của Mỹ đang triển khai các biện pháp chống lại họ là có thật và đáng thất vọng, trong khi họ vẫn luôn tuân thủ luật pháp quốc tế và là một công ty có đạo đức trong kinh doanh. Đồng thời, công ty này cũng khẳng định rằng mình không có bất cứ mối quan hệ “đen tối” nào với chính phủ các nước, đó cũng là lý do tại sao không có bất cứ bằng chứng nào hoặc tài liệu nào chứng minh về việc Kaspersky Lab giả mạo. Và kết luận duy nhất cho trường hợp này là một công ty tư nhân như Kaspersky đang bị mắc kẹt giữa cuộc chiến về chính trị và họ đang bị đối xử bất công. Công ty đã, đang và sẽ không bao giờ tiếp tay cho bất cứ hành đồng phi nghĩa, các cuộc tất công mạng nào trên thế giới mà có liên quan đến hệ thống của mình.
Giới quan sát nhận định, lẽ phải chưa biết nghiêng về ai giữa chính phủ Mỹ hay Kaspersky, chỉ biết rằng những hãng công nghệ khổng lồ, các công ty trong ngành năng lượng và các công ty thuộc ngành hạt nhân có vẻ như là sẽ chấp nhận yêu cầu của FBI, đó là gỡ bỏ toàn bộ phần mềm bảo mật của Kaspersky.
Hoàng Thanh (theo MSoft)
Ý kiến bạn đọc