(VnMedia) - Chiều nay 5/7, Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề PCB 2020: Lộ trình của Altium đến tương lai – Thiết kế PCB trong kỷ nguyên IoT.
Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM và công ty PCB GraphTech Việt Nam.
Theo thỏa thuận, PCB GraphTech Việt Nam và Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM sẽ đưa phần mềm thiết kế mạch điện tử Altium Designer vào sử dụng như là công cụ thiết kế chính của các nhóm khởi nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, phía PCB GraphTech sẽ tài trợ bản quyền phần mềm Altium cho một số máy tính tại phòng Lab của Trung tâm sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Saigon Innovation Hub - SiHUB, và các nhóm khởi nghiệp, thành viên của cộng đồng IoT Việt Nam, các bạn học sinh, sinh viên chuyên ngành CNTT hay điện tử có thể đăng ký lịch để được sử dụng, phục vụ nghiên cứu và phát triển các dự án.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo điện tử VnMedia trước giờ diễn ra lễ ký kết, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc công ty PCB GraphTech Việt Nam cho biết, thông thường thì phần mềm Altium có giá khoảng 11.000USD/license, nhưng trong chương trình hợp tác này, phía GraphTech không chỉ hỗ trợ bản quyền phần mềm Altium cho cộng đồng phát triển IoT, mà còn hỗ trợ công tác đào tạo, huấn luyện sử dụng cho các nhóm khởi nghiệp.
Cũng theo ông Tuấn, cấu hình máy tính để có thể chạy phần mềm thiết kế vi mạch Altium không cần phải quá cao, trung bình ở mức BXL Intel Core i5 và RAM 8GB.
Anh David Triệu - sáng lập viên dự án cộng đồng IoT Việt Nam cho biết, việc GraphTech và SiHUB cung cấp loạt máy tính có cài sẵn Altium sẽ giúp các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM có nhiều cơ hội hoàn thiện sản phẩm, ý tưởng với chất lượng tốt, khả năng thương mại hóa cao, góp phần thúc đẩy hơn nữa phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ trên toàn quốc.
Ông Viktor Haddo – Giám đốc kinh doanh kỹ thuật của PCB GraphTech tại khu vực châu Á-TBD cho biết, trong thời gian gần đây, với sự bùng nổ của IoT tại Việt Nam, rất nhiều công ty đã và đang khởi nghiệp luôn tìm kiếm các phương án tối ưu để sáng tạo ra những sản phẩm IoT chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Và theo ông Viktor, để làm được điều đó thì có rất nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp cần quan tâm, xem xét như tốc độ thiết kế, chi phí sản xuất, chức năng và khả năng tương tác của sản phẩm…
"Đặc biệt, một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của doanh nghiệp là sử dụng công cụ nào trong thiết kế để vượt qua mọi khó khăn gặp phải khi xây dựng một sản phẩm IoT cũng cần được xem xét thấu đáo", ông Viktor nói.
Được biết, xuất phát từ Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ và Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP.HCM của UBND TP.HCM, hồi cuối tháng 5/2017, Sở KHCN TP.HCM đã quyết định thành lập Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) của Thành phố giai đoạn 2017-2020.
Ban đầu, Ban điều hành gồm 21 thành viên là đại diện của các doanh nghiệp ICT, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm tại TP.HCM, trong đó có nhiều công ty uy tín trong lĩnh vực công nghệ như Microsoft Việt Nam, IBM Việt Nam, Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, Qualcomm Vietnam, HPT.
Một trong những chương trình hành động Ban điều hành đang hướng đến là tập hợp và phát triển đội ngũ mentor (tối thiểu 20 mentor công nghệ) nhằm hỗ trợ cho 100-200 dự án khởi nghiệp; kết nối, hợp tác trong và ngoài nước để đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp của TP.HCM.
Tin, ảnh: Thiên Uy
Ý kiến bạn đọc