(VnMedia) - Thị trường smartphone ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết khi các nhà sản xuất Trung Quốc với các sản phẩm cấu hình cao giá thấp đã đánh bật các thương hiệu có tiếng như HTC, Sony, LG khỏi Top 5. Hiện chỉ còn Samsung và Apple vẫn đang trụ vững trong Top này. Tuy nhiên, nếu chỉ sơ sảy “trượt chân” thì cơ hội trở lại là rất khó. Đó cũng chính là bài học xương máu từ chính "ông hoàng" Nokia hay những thương hiệu có tiếng kể trên.
Apple và Samsung bị giành giật thị phần
Thị trường smartphone từ cuối năm 2016 đến nay tuy không chứng kiến trường hợp “sao đổi ngôi” ngoạn mục nào khi Samsung và Apple vẫn là hai đối thủ “nặng ký” nhất chiếm vị trí đầu bảng nhưng đã có dấu hiệu chững lại và bị giành giật thị phần một cách khốc liệt từ các thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Điều này phản ánh rõ nét nhất trong bảng số liệu dưới đây (dựa theo số liệu của hãng nghiên cứu IDC).
Các hãng |
Doanh số Quý 1/2017 (triệu chiếc) |
Thị phần Quý 1/2017 |
Doanh số Quý 1/2016 |
Thị phần Quý 1/2016 |
Tăng trưởng theo năm |
Samsung |
79,2 |
22,8% |
79,2 |
23,8% |
0,0% |
Apple |
51,6 |
14,9% |
51,2 |
15,4% |
0,8% |
Huawei |
34,2 |
9,8% |
28,1 |
8,4% |
21,7% |
Oppo |
25,6 |
7,4% |
19,7 |
5,9% |
29,8% |
Vivo |
18,1 |
5,2% |
14,6 |
4,4% |
23,6% |
Khác |
138,7 |
39,9% |
140 |
42,1% |
-1% |
Tổng |
347,4 |
100% |
332,9 |
100% |
4,3% |
Theo số liệu đó, doanh số smartphone bán ra của Samsung trong quý 1/2017 chỉ tương đương với quý 1/2016. Trong khi ba nhà sản xuất Trung Quốc – Huawei, Oppo, Vivo tiếp tục tăng mạnh về doanh số bán ra, đặc biệt là Oppo có tốc độ tăng trưởng tới 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Apple giảm doanh số bán ra và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm nữa trong năm nay. Với đà tăng trưởng mạnh của các nhà sản xuất Trung Quốc, Samsung và Apple đang mất dần thị phần vào tay Huawei, Oppo và Vivo.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam có lẽ cuộc đua “nảy lửa” nhất chính là giữa Samsung và Oppo. Cả hai nhà sản xuất này liên tục tung ra những “quân bài” chiến lược nhằm giữ vững thị phần cũng như đánh bật các đối thủ khác ra khỏi cuộc chơi. Chẳng hạn như Samsung làm mới dòng smartphone giá rẻ Galaxy J, tầm trung Galaxy A, và cao cấp có bộ đôi Galaxy S8 và S8 Plus khá “hot” bởi thiết kế vô cực. Theo IDC, doanh số của Samsung thực chất phụ thuộc rất nhiều vào các mẫu giá mềm dòng J và A, vốn thừa hưởng một số đặc điểm của dòng đầu bảng.
Trong khi đó, Oppo cũng không chịu thua kém khi tung ra Oppo F3 Plus – chuyên gia selfie camera kép, giá hơn 10 triệu đồng, F3, F3 Lite tầm trung cạnh tranh với Galaxy A của Samsung cũng như đối thủ khác. Với các sản phẩm này, Oppo tiếp tục tập trung vào thế mạnh camera và tạo sức hút từ giới trẻ khi mời các ngôi sao Việt Nam như Sơn Tùng, Tóc Tiên, Issac, Noo Phước Thịnh, Ông Cao Thắng, Đông Nhi và Hồ Ngọc Hà trong việc quảng cáo sản phẩm của mình.
Giới chuyên gia cho rằng, để thành công trong thị trường di động, không chỉ cần có sản phẩm tốt, chất lượng mà chiến dịch tiếp thị cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng.
Samsung và Oppo không chỉ đấu nhau về sản phẩm mà cả chiến lược tiếp thị và là hai nhà sản xuất smartphone chịu chi nhất cho quảng cáo và mời các ngôi sao nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu. Cả hai đã rót rất nhiều tiền vào mảng quảng cáo trên TV trong suốt thời gian qua. Chính vì vậy, trong Top 10 sản phẩm bán chạy nhất thời gian qua luôn có sự góp mặt của các sản phẩm Samsung và Oppo.
Các thương hiệu “xế bóng” khó lội ngược dòng
Bị các nhà sản xuất Trung Quốc đánh bật khỏi Top 5 thương hiệu smartphone bán nhiều nhất thế giới, nhưng HTC, Sony, LG...vẫn luôn “nung nấu” tham vọng lội ngược dòng, thậm chí ngay cả HMD Global – công ty mua lại Nokia cũng muốn dựa bóng danh tiếng lừng lẫy một thời để vực dậy thương hiệu Nokia. Tuy nhiên, “cửa” lên là rất hẹp. Vì sao vậy?
Từ trước đến nay, các sản phẩm của HTC luôn được đánh giá cao về chất lượng phần cứng, thiết kế ngày càng tinh xảo và luôn cố gắng tìm ra nét độc đáo cho sản phẩm của mình nhưng họ vẫn thất bại. Với HTC U11- không chỉ là sản phẩm chất lượng, HTC đã tạo ra được sản phẩm khá lạ với tính năng Edge Sense (tính năng cho phép bạn mở nhanh một ứng dụng nào đó bằng cách bóp vào hai cạnh máy ở khu vực phía nửa dưới của chiếc HTC U11). Tính năng này tạo cho HTC U11 khác biệt hẳn với các sản phẩm khác trên thị trường. Tuy nhiên, có lẽ phần cứng tốt thôi là chưa đủ, bởi các sản phẩm của hãng đều hướng đến phân khúc cao cấp. Do đó, giá bán sẽ là yếu tố rất lớn mà HTC cần cân nhắc.
Không chỉ có HTC tung ra “quân át chiến lược” của mình trong năm nay, cả Sony và LG cũng đã trình làng những siêu phẩm hàng đầu như Xperia XZ Premium và Xperia XZs; LG G6... Tuy nhiên việc giành “đất” trong phân khúc cao cấp với Samsung và Apple khá khó khăn bởi sản phẩm chưa thể tạo ấn tượng mạnh, đầu tư không nhiều vào quảng cáo như Samsung.
Còn với HMD, họ đặt nhiều hy vọng vào mẫu di động cơ bản Nokia 3310 và 3 mẫu smartphone Nokia 3, Nokia 5 và 6. Các sản phẩm này đều nhắm tới phân khúc dưới 6 triệu đồng và điểm nhấn chính là độ bền, sự tin cậy - điều làm nên thương hiệu của Nokia trong nhiều năm qua.
Tại buổi ra mắt các mẫu sản phẩm này tại Việt Nam hồi đầu tháng 6/2017, đại diện HMD khẳng định rằng, Việt Nam là 1 trong 3 thị trường quan trọng nhất của hãng tại châu Á - Thái Bình Dương và đặt kỳ vọng trở thành nhà sản xuất hàng đầu trên thị trường. Để đạt được điều này, HMD sẽ phải vượt qua các đối thủ “chịu chi” là Samsung và Oppo. Với Oppo, liệu HMD có thể tạo ra các sản phẩm “giá mềm” cấu hình cao như hãng này đang làm, hay có thể tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Samsung.
Nói chung, cơ hội lội ngược dòng của các thương hiệu “xế bóng” là rất khó và nếu các nhả sản xuất Trung Quốc tiếp tục giữ được đà tăng trưởng này, họ có thể sẽ trở thành những “ông hoàng” trong tương lai.
B.H
Ý kiến bạn đọc