Lệ phí giấy phép sửa chữa cáp quang biển tăng giá tới 11 tỷ đồng/1 lần

13:21, 06/06/2017
|

(VnMedia) Nếu như trước đây lệ phí giấy phép sửa chữa, bảo dưỡng tuyến cáp quang biển chỉ khoảng 50 triệu đồng/1 lần thì từ 1/1/2017, mức phí này đã lên tới nửa triệu USD (tương đương với hơn 11 tỷ đồng).

Như vậy, mức phí mới đã tăng gấp hơn 220 lần so với trước đây. Mức tăng này quá nhanh và bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế.

Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra vào chiều 5/6, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có kiến nghị về vấn đề này.

Ông Hùng cho hay, theo Thông tư 273/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2017 lệ phí xin giấy phép sửa chữa tuyến cáp biển mỗi một lần xảy ra sự cố khoảng 500.000USD (tương đương hơn 11 tỷ đồng). Với hệ thống AAG hay mất liên lạc hay chỉ cần mỗi năm tuyến cáp quang biển gặp sự cố 3-4 lần thì tổng số tiền xin giấy phép sửa chữa sẽ lên tới hàng triệu USD. Trong khi đó, mức phí này trước ngày 1/1/2017 chỉ khoảng 50 triệu đồng/1 lần.

“Thông tư này mới ban hành và không phù hợp lắm. Với số lượng tuyến cáp biển nhiều, số tiền xin giấy phép sửa chữa sẽ lên tới vài triệu USD/1 năm. Trong khi đó, riêng tiền duy tu, tiền thuê các đội tàu thường trực hàng năm đã phải trả một khoản tiền cứng vài triệu USD và mỗi lần vào sửa phải trả thêm tiền” ông Hùng cho biết thêm.

Do đó, ông Hùng cho rằng, mức tăng lệ phí kể trên là quá nhanh và không biết Thông tư đó của Bộ Tài chính dựa trên sở cứ nào. “Tôi thấy chưa được hợp lý. VNPT kiến nghị Bộ TT&TT có ý kiến với Bộ Tài chính để xem lại thông tư 273. Đặc biệt, với tốc độ Việt Nam càng ngày kết nối Internet càng nhiều, tuyến cáp biển càng nhiều thì mức lệ phí sửa chữa như vậy sẽ làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp và sẽ ảnh hướng đến giá thành” ông Hùng kiến nghị.

Mấy tháng đầu năm 2017, nhiều tuyến cáp quang biển của Việt Nam đi quốc tế liên tục gặp sự cố.
Mấy tháng đầu năm 2017, nhiều tuyến cáp quang biển của Việt Nam đi quốc tế liên tục gặp sự cố.

Trả lời về vấn đề này, tại Hội nghị Giao ban, ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Cục đã nhận được kiến nghị của VNPT và đã có văn bản trình Bộ TT&TT và Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về vấn đề này. Trong đó có đề xuất giảm lệ phí giấy phép cho một lần sửa chữa tuyến cáp biển bằng 1/10 mức hiện nay, tức là 50.000USD/1 lần sửa chữa. “Văn bản hiện nay đã được gửi sang Bộ Tài chính và kiến nghị của VNPT sẽ là một sở cứ để Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức lệ phí cho phù hợp”, ông Chung nói.

Như vậy, nếu mức đề xuất giảm của Cục Viễn thông xuống 50.000USD/1 lần sửa chữa, tức là hơn 1 tỷ đồng/1 lần sửa chữa được chấp thuận thì lệ phí cho một lần sửa chữa sẽ gấp 22 lần so với trước đây.

Được biết, hiện VNPT đang khai thác các tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG, SMW-3, APG (băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, cao gấp 20 lần so với tuyến AAG, APG hiện là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất tại khu vực châu Á). Ngoài ra, hiện VNPT còn đang đầu tư vào tuyến cáp AAE-1(AAE1-Asia Africa Euro 1) nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi. Dự kiến tuyến cáp này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017.

Theo kế hoạch đến năm 2020, VNPT sẽ khai thác sáu tuyến cáp quang biển quốc tế. Đồng thời sẽ tiếp tục ký kết mở rộng với các đối tác quốc tế lớn khác đặt máy chủ cung cấp, lưu trữ nội dung ngay tại IDC của VNPT. Trong khi đó, Viettel cũng đã đưa vào khai thác thêm tuyến cáp quang biển mới AAE-1 kết nối các nước châu Á - châu Phi và châu Âu, và hiện cũng đang khai thác một số tuyến cáp quang biển khác.

B.H


Ý kiến bạn đọc