(VnMedia) - Thêm một lần nữa các nhà mạng bắt tay cùng ký cam kết vì lợi ích của khách hàng. Trong tuần qua, an ninh mạng Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới tập trung theo dõi, ngăn chặn kết nối máy chủ điều khiển mã độc WannaCry - mã độc rất nguy hiểm vừa xuất hiện…
5 nhà mạng cùng phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác
Ngày 11/5, 5 doanh nghiệp viễn thông di động là Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnamobile và Gtel đã ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác, sẽ được áp dụng từ 1/7/2017.
Bản cam kết thể hiện quyết tâm xử lý và ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định tại Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác và Nghị định 77/2012/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 90/2008/NĐ-CP. Để đồng bộ nỗ lực ngăn chặn tin nhắn rác ngày càng đa dạng và phát tán bằng các thủ đoạn ngày càng tinh vi, các Nhà mạng đã cam kết phối hợp trong việc xác định và chia sẻ mẫu tin nhắn rác; cách thức ngăn chặn tin nhắn rác; phương thức tiếp nhận và xử lý phản ảnh tin nhắn rác từ người dân; thời gian thực hiện báo cáo và công bố kết quả chặn tin nhắn rác; xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về mẫu tin nhắn rác và thời gian triển khai cam kết là từ 01/07/2017.
Trong bản cam kết này, hướng tiếp cận mới trong việc phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác được các nhà mạng thống nhất: Xây dựng tập/bộ mẫu tin nhắn rác và thống nhất dùng chung: Tập mẫu tin nhắn rác của từng Nhà mạng được tổng hợp để thống nhất dùng chung trên tất cả các Nhà mạng, được cập nhật liên tục để huấn luyện cho các hệ thống chặn tin nhắn rác thông minh của từng mạng di động, qua đó kết hợp được năng lực của tất cả các hệ thống và biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác của các nhà mạng; Nâng cấp, đầu tư mới các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác thông minh: Sử dụng các kỹ thuật học máy (machine learning), phân tích dữ liệu lớn (big data), đánh giá tín nhiệm của thuê bao,… kết hợp với việc sử dụng tập mẫu dùng chung để ngăn chặn các hành vi, chiêu thức biến hóa liên tục của các đối tượng phát tán tin nhắn rác;
Công bố chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả ngăn chặn tin nhắn rác: Chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên các số liệu phản ánh của khách hàng về tin nhắn rác và số liệu chặn tin nhắn rác từ các hệ thống kỹ thuật của các Nhà mạng, bao gồm cả chặn nội mạng và liên mạng. Đây sẽ được coi là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ di động của các Nhà mạng sau này và được công bố trên các trang chủ website của các Nhà mạng để xã hội, người dân cùng giám sát kết quả, qua đó các Nhà mạng phải nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn tin nhắn rác.
Để triển khai đúng cam kết này, Bộ TT&TT sẽ thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của các Nhà mạng nhằm đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc ngăn chặn tin nhắn rác. Bộ TT&TT sẽ truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết và cùng với Bộ TT&TT kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của các Nhà mạng. Người đứng đầu của các Nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc thực hiện cam kết này.
Yêu cầu chặn kết nối máy chủ điều khiển virus WannaCry
Ngày 13/5, VNCERT đã có công văn gửi các đơn vị chuyên trách về CNTT, ATTT thực hiện lệnh điều phối về việc theo dõi, ngăn chặn kết nối máy chủ điều khiển mã độc WannaCry - mã độc rất nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và mã hóa toàn bộ máy chủ hệ thống đồng thời với các lỗ hổng đã công bố, tin tặc khai thác và tấn công sẽ gây lên nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT vừa có công văn gửi các đơn vị chuyên trách về CNTT, ATTT trong đó có các tổng công ty, tập đoàn kinh tế; tổ chức tài chính và ngân hàng; các doanh nghiệp hạ tầng Internet, viễn thông, điện lực, hàng không, giao thông vận tải… về việc theo dõi, ngăn chặn kết nối máy chủ điều khiển mã độc WannaCry.
VNCERT yêu cầu lãnh đạo đơn vị chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện khẩn cấp các việc để phòng ngừa, ngăn chặn việc tấn công của mã độc Ransomware WannaCry (hoặc được biết với các tên khác như: WannaCrypt, WanaCrypt0r 2.0, …) vào Việt Nam.
Những việc cần phải làm đó là theo dõi, ngăn chặn kết nối đến các máy chủ máy chủ điều khiển mã độc WannaCry và cập nhật vào các hệ thống bảo vệ như: IDS/IPS, Firewall, … các thông tin nhận dạng tại phụ lục đính kèm; Nếu phát hiện cần nhanh chóng cô lập vùng/máy đã phát hiện; Các đơn vị cần kiểm tra và thực hiện gấp các bước đã được hướng dẫn trước đây để phòng tránh các cuộc tấn công qui mô lớn và nguy hiểm khác; Sau khi thực hiện, yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình về Đầu mối điều phối ứng cứu sự cố quốc gia (Trung tâm VNCERT) theo địa chỉ email: ir@vncert.gov.vn...
Cùng với VNCERT, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp xử lý khẩn cấp mã độc này.
WannaCry là mã độc rất nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và mã hóa toàn bộ máy chủ hệ thống đồng thời với các lỗ hổng đã công bố, tin tặc khai thác và tấn công sẽ gây lên nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Mã độc tống tiền WannaCry đang lây lan mạnh trong đó chủ yếu gây ảnh hưởng tại Nga. Việt Nam nằm trong danh sách 20 nước hàng đầu bị tấn công, bên cạnh Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan...
Khai mạc Triển lãm CNTT, điện tử, viễn thông TP.HCM lần thứ nhất
Sáng ngày 11/5/2017, Hội chợ, Triển lãm công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông TP.HCM lần 1 - năm 2017 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM) với sự tham gia của 50 gian hàng đến từ 38 doanh nghiệp. Đây là sự kiện do Sở TT&TT TP.HCM tổ chức nhằm tạo môi trường kết nối doanh nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông với các đơn vị ứng dụng, giúp các doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp, đồng thời tạo thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam. Triển lãm diễn ra trong hai ngày 11 và 12/5.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao sáng kiến của TP.HCM trong việc tổ chức một sự kiện cho ngành CNTT, điện tử, viễn thông với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp lớn, uy tín.
Tại triển lãm, các giải pháp phần mềm, các sản phẩm điện tử, vi mạch, viễn thông tiên tiến của Việt Nam được trưng bày cũng chính là những sản phẩm phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, xây dựng thành phố thông minh, hiện đại. Đặc biệt, khu Startup Nông nghiệp công nghệ cao giới thiệu một số sản phẩm có tiềm năng ứng dụng hiệu quả, thể hiện sự quan tâm đầu tư đúng hướng của lãnh đạo thành phố đối với lĩnh vực mang tính thời sự này.
Điểm nhấn thiết thực của Hội chợ, Triển lãm CNTT, điện tử, viễn thông TP.HCM lần 1 - năm 2017 còn ở bốn hội thảo chuyên đề với mục đích gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm công nghệ mới, đồng thời trao đổi và chia sẻ các giải pháp công nghệ phục vụ cải cách hành chính và chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh.
Phan Lê
Ý kiến bạn đọc