(VnMedia) - Chưa khi nào cái tên Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay Cách mạng công nghiệp 4.0 lại được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Và với sự vào cuộc của các doanh nghiệp ICT Việt, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là xu hướng mà đã thực sự trở thành hướng đi cụ thể của hiện tại và chiến lược cho tương lai…
Thế giới đã trải qua 03 cuộc cách mạng công nghiệp và bắt đầu bước vào cuộc cách mạng lần thứ 4 với những thay đổi tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ nano. Với mỗi cuộc cách mạng, thế giới đều đón nhận thêm những cơ hội và thách thức mới.
Chưa khi nào cái tên Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay Cách mạng công nghiệp 4.0 lại được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Về cơ bản, tính chất các cuộc cách mạng công nghiệp là giống nhau, đó là sự ra đời của các loại công cụ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí và giải phóng sức lao động của con người. Chẳng hạn thay vì phải sử dụng hàng chục nghìn công nhân, các doanh nghiệp lớn chỉ cần vài chục con robot có thể thực hiện một khối lượng công việc tương đương, thậm chí thực hiện những công việc đòi hỏi có độ chính xác đến gần như tuyệt đối mà lại ít rủi ro.
Về cơ bản, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ sinh học với các ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu; Lĩnh vực vật lý: Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…), công nghệ nano.
Với những lĩnh vực được nêu ở trên, trí tuệ nhân tạo hay Internet kết nối vạn vật hoàn toàn không phải là điều gì quá xa vời mà đã xuất hiện ở Việt Nam. Theo các chuyên gia công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để phát triển một số ngành trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên thế giới, thị trường của các sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật là một thị trường vô cùng tiềm năng. Các nhà phân tích dự báo: Đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật. Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt tới 5,05 tỷ USD vào năm 2020. Có thể nói, cùng với thế giới, Việt Nam cũng đang đi những bước đầu tiên để ứng dụng và nghiên cứu những công nghệ mới.
Để hiện thực hóa cho chiến lược phát triển Công nghiệp 4.0, Tập đoàn Viễn thông - CNTT hàng đầu của Việt Nam là VNPT đã sớm có những mục tiêu cụ thể trong việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp cho khách hàng là sự tiện ích và hiện đại cho cuộc sống người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế xã hội. VNPT hiện đang đẩy mạnh triển khai, cung cấp các giải pháp CNTT như Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT - iOffice), Hệ thống một cửa điện tử liên thông (VNPT-iGate), Cổng thông tin điện tử (VNPT portal), Hệ thống quản lý trường học (VnEdu)... Các giải pháp này đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành.
VNPT cũng là đơn vị đi đầu trong việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh, góp phần đem lại những tiện ích thiết thực cho người dân và xã hội. Đến nay VNPT đã được chọn là đối tác xây dựng Thành phố thông minh tại Kiên Giang, TP HCM, Lâm Đồng, Phú Quốc, Tiền Giang, Bình Dương… Mô hình Thành phố thông minh của VNPT đem lại nhiều lợi ích cho người dân với dịch vụ công trực tuyến, các giải pháp tiên tiến cho hệ thống giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khỏe và các bảo đảm về an sinh xã hội… Đối với chính quyền, việc phát triển các giải pháp của đô thị thông minh sẽ giúp giảm tải thủ tục hành chính công, đảm bảo xây dựng đô thị bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí và gia tăng hiệu quả hoạt động quản lý.
Với tiềm lực của mình, VNPT sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu của các địa phương trên cả nước. Đội ngũ nhân lực CNTT trình độ cao, tinh nhuệ của VNPT có thể triển khai dự án đô thị thông minh tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, để mô hình thành phố thông minh được triển khai rộng khắp, VNPT cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp, startup để phát triển các ứng dụng IoT, giải pháp cho Smart City. Đồng thời, VNPT cũng sẽ triển khai các platform tập trung để các doanh nghiệp và các startup có thể cùng triển khai phát triển hệ thống thông minh.
Đặc biệt, cũng nhằm hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và khởi nghiệp sáng tạo, năm nay, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do VNPT là nhà tài trợ chính, đồng thời cùng là đơn vị đồng tổ chức Giải thưởng hứa hẹn sẽ có nhiều điểm đổi mới ấn tượng, hấp dẫn, cập nhật xu thế công nghệ thế giới và Việt Nam.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 sẽ chính thức được phát động tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội vào ngày 30/5 tới, với sự góp mặt của đại diện Ban Giám khảo, Ban Tổ chức, Nhà tài trợ chính, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, phóng viên báo chí, truyền hình, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Khoa học, Y dược, Môi trường cùng đông đảo bạn trẻ và công chúng yêu thích CNTT. Chắc chắn sẽ có nhiều thông tin hấp dẫn về Giải thưởng sẽ được Ban tổ chức, Ban Giám khảo chia sẻ tại lễ phát động sắp tới!
Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, đến nay Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã bước sang năm thứ 13, trở thành giải thưởng uy tín mang tầm vóc quốc gia trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông. Từ khởi đầu nhằm khuyến khích và tôn vinh tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, qua các năm, Giải thưởng Nhân tài đất Việt đã không ngừng được mở rộng, tìm kiếm, tôn vinh các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác. Trong 12 năm qua, đã có hơn 250 sản phẩm dự thi và hàng chục sản phẩm được tôn vinh mỗi năm thực sự đã phát huy giá trị, ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống. Giải thưởng Nhân tài đất Việt thực sự là sân chơi để những nhân tài của đất nước có cơ hội chứng minh sức mạnh của trí tuệ và sự sáng tạo phục vụ cộng đồng.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc