(VnMedia) - Theo số liệu từ báo cáo, nhu cầu tuyển dụng trong quý 1 năm nay tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó nguồn cung nhân lực tăng trưởng đến 38% so với quý 1/2016. Trong đó, ngành IT đứng đầu nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong quý 1/2017.
Đây là báo cáo Thị trường tuyển dụng được VietnamWorks, công ty tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam thuộc tập đoàn Navigos Group công bố hàng quý, dựa trên việc phân tích các công việc đăng tuyển và hồ sơ ứng tuyển trên www.vietnamworks.com.
Số liệu cho thấy, nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung nhân lực đều tăng trưởng mạnh. Trong quý 1 năm nay, 5 ngành nghề có mức tăng trưởng mạnh nhất về nhu cầu tuyển dụng, bao gồm ngành Điện – Điện tử (tăng 67%) – cấp quản lý điều hành (tăng 104%) – ngành Xây dựng (tăng 46%) – ngành Quảng cáo truyền thông (tăng 35%) và ngành Dịch vụ khách hàng (tăng 51%).
Về nguồn cung nhân lực, so với cùng kỳ năm ngoái, các ngành có người tìm việc ứng tuyển hồ sơ nhiều nhất nằm ở ngành nghề Giáo dục – Điện/Điện tử - cấp Quản lý điều hành – Kiến trúc/Thiết kế nội thất và Dịch vụ khách hàng.
Ngoài ngành IT – Phần mềm đứng đầu nhu cầu tuyển dụng, các ngành tiếp theo có nhu cầu tuyển dụng cao bao gồm: Hành chính/Thư ký – Kế toán – Dịch vụ Khách hàng – Quảng cáo/Truyền thông – Sản xuất – Kiến trúc/Thiết kế nội thất – Xây dựng – Marketing (Tiếp thị) – Sales (Bán hàng).
Cũng theo báo cáo mới nhất của Navigos Search, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao cũng thuộc tập đoàn Navigos Group thì nhu cầu tuyển dụng lập trình viên và kỹ sư trong mảng phần mềm nhúng đang rất lớn. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam quá khan hiếm lập trình viên và kỹ sư ngành IT đáp ứng được về kiến thức và kinh nghiệm theo yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó nhức nhối nhất vẫn là khả năng tiếng Anh còn nhiều hạn chế của đội ngũ lao động này.
Báo cáo cũng cho thấy sức cạnh tranh về việc làm tại các đô thị lao động tại Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục là hai địa điểm có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhất cả nước. Ba tỉnh lọt vào top 5 còn có Bình Dương, Đà Nẵng và Bắc Ninh. Mặc dù đứng thứ 5 về nhu cầu tuyển dụng lao động, nhưng Bắc Ninh lại góp mặt trong top 3 về độ cạnh tranh về việc làm với tỷ lệ 1/42. Nghĩa là cứ 1 người tìm việc tại Bắc Ninh phải cạnh tranh với 41 người khác để có công việc mới. Tỷ lệ cạnh tranh này cao hơn so với Hà Nội (1/38), Bình Dương (1/38) và Đà Nẵng (1/37). Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tỷ lệ 1/46.
Nghề hành chính/thư ký đang có tỷ lệ cạnh tranh lớn nhất, với tỷ lệ 1/66. Cứ một người tìm việc trong nghề hành chính/thư ký phải cạnh tranh với 60 người khác để có được công việc mới. Nghề kế toán đứng thứ hai với tỷ lệ 1/61. Ba ngành tiếp theo nằm trong Top 5 các ngành có tỷ lệ cạnh tranh lớn nhất bao gồm Xuất nhập khẩu (1/56) – Sản xuất (1/51) và Y tế/Công nghệ Sinh học với tỷ lệ 1/47.
B.H
Ý kiến bạn đọc