(VnMedia) - Các nền kinh tế số đang phát triển cũng bắt đầu thúc đẩy sự tăng trưởng của họ thông qua việc đầu tư chiến lược vào các năng lực ICT và các tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ. Tuy nhiên khoảng cách giữa các nền kinh tế này lại đang ngày càng gia tăng.
Đó là một trong những vấn đề được nêu ra trong báo cáo Chỉ số Kết nối Toàn cầu của Huawei (Global Connectivity Index - GCI) năm 2017 công bố ngày hôm nay, báo cáo nghiên cứu thường niên lần thứ tư này cho thấy các quốc gia đang tiến triển như thế nào với chuyển đổi số dựa trên 40 chỉ số chuyên biệt bao trùm 5 thành tố công nghệ: băng rộng, các trung tâm dữ liệu, đám mây, dữ liệu lớn (big data) và Internet vạn vật (IoT).
Đầu tư vào 5 công nghệ chủ chốt này sẽ giúp các quốc gia số hóa nền kinh tế của họ. Thông qua quy hoạch tập trung, kết nối tiềm năng có thể được tận dụng tối đa và các năng lực ICT có thể hỗ trợ sự tăng trưởng tích cực của các nền kinh tế quốc gia. Theo GCI 2017, tiến bộ toàn cầu hướng tới nền kinh tế số đang tăng lên tích cực. Điểm số GCI của thế giới tăng lên bốn điểm phần trăm từ năm 2015. Báo cáo cho thấy ICT đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
Trong số 50 quốc gia được phân tích trong GCI, 16 quốc gia được coi là những người tiên phong, 21 quốc gia đang trong quá trình chấp nhận và chuyển đổi, trong khi 13 quốc gia còn lại đang ở giai đoạn khởi động. Các nhóm này phản ánh tiến bộ của các quốc gia trong quá trình chuyển đổi số. Những quốc gia tiên phong (frontrunners), với GDP bình quân đầu người là 50.000 đô la Mỹ, chủ yếu là các nền kinh tế phát triển, tiếp tục thúc đẩy trải nghiệm số người dùng, ứng dụng dữ liệu lớn và IoT để phát triển các xã hội ngày càng thông minh, hiệu quả hơn.
Những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, với GDP bình quân theo đầu người là 15.000 đô la Mỹ, hiện tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu ứng dụng ICT nhằm tạo điều kiện cho việc số hóa các ngành và đạt được tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Những quốc gia khởi nghiệp, với GDP bình quân đầu người là 3.000 đô la Mỹ, đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng cơ sở hạ tầng ICT và tập trung vào việc tăng nguồn cung ICT để ngày càng nhiều người dân có thể tiếp cận thế giới số.
Bản báo cáo cho rằng các nhà hoạch định kinh tế nên chú ý nhiều hơn đến sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, lưu ý rằng "khoảng cách số đang trở thành một vực thẳm số". "Bằng cách kiểm tra ba năm dữ liệu GCI, chúng ta thấy sự bất bình đẳng gia tăng, một phiên bản ICT của ‘Hiệu ứng Matthew’ - một lý thuyết xã hội học cho rằng ‘người giàu trở nên giàu có hơn và người nghèo trở nên nghèo hơn’. Điều này đưa tới một nhận định rằng, các nhóm hoặc các cá nhân có lợi thế tích lũy qua thời gian không chỉ thành công mà còn tận dụng lợi thế ban đầu của họ để tách xa hơn và xa hơn nữa các đối thủ cạnh tranh.
Các nhà hoạch định chính sách cần hiểu rằng khoảng cách số đang ngày càng nới nộng ra sẽ gây tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội. Các quốc gia không thể xây dựng tăng trưởng kinh tế bền vững cũng có thể gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và tạo cơ hội việc làm cho người dân của họ", báo cáo nhận định.
Những quốc gia tiên phong (Frontrunners) đã tăng được 4,7 điểm GCI từ năm 2015 đến 2017 nhờ việc tận dụng các khả năng của đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data) và IoT. Những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi đạt trung bình 4,5 điểm. Những quốc gia khởi động chậm hơn đã bị tụt hậu hơn về khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế số, với chỉ số điểm GCI gia tăng chung là 2,4 điểm.
Các lĩnh vực chính mà sự bất bình đẳng giữa các nhóm quốc gia được thể hiện bao gồm số lượng thuê bao băng rộng di động, nguồn nhân lực CNTT trên đầu người, đầu tư CNTT/ GDP, việc tải các ứng dụng trên đầu người và tỷ lệ cài đặt IoT trên đầu người. Cần lưu ý rằng mỗi điểm số gia tăng trong bảng điểm GCI tương đương với 1) tỷ lệ gia tăng khả năng cạnh tranh là 2,1%; 2) tỷ lệ gia tăng 2,2% trong đổi mới quốc gia; và 3) tỷ lệ tăng năng suất 2,3%.
Nghiên cứu GCI 2017 cho biết mối quan hệ giữa đầu tư ICT và tăng trưởng GDP đã được chấp nhận rộng rãi trong chính phủ và các ngành. Đánh gia dữ liệu GCI 2017 với nhiều mô hình dự báo kinh tế, báo cáo cho biết một quốc gia tăng đầu tư ICT vào cơ sở hạ tầng 10% mỗi năm từ năm 2017 đến năm 2025 có thể thu được những lợi ích theo cấp số nhân. Báo cáo cho biết: "Sử dụng mô hình tác động kinh tế này, chúng ta thấy rằng cứ tăng thêm mỗi một USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng ICT có thể mang lại 3 USD cho GDP hiện nay, 3,7 USD vào năm 2020 và khoản lợi nhuận tiềm năng này có thể tăng lên 5 USD vào năm 2025”.
Ông Kevin Zhang, Chủ tịch Marketing của Huawei cho hay, khoảng cách ngày càng gia tăng đã có một tác động đáng kể lên các quốc gia khi họ phát triển và thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số. Để đảm bảo sự sự cạnh tranh, các quốc gia ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số sẽ cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng ICT, đặc biệt là kết nối băng thông rộng và ứng dụng điện toán đám mây tới một cấp độ chiến lược trong quy hoạch kinh tế để kích hoạt các nguồn lực bản địa và đạt được tăng trưởng bền vững. Đồng thời, các quốc gia muốn tận dụng vị thế là những người đi tiên phong sẽ muốn ưu tiên cho điện toán đám mây như là một chất xúc tác mạnh để kích hoạt một phản ứng dây chuyền chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn và IoT.
Được biết 50 quốc gia được đánh giá trong báo cáo GCI 2017 chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu và 78% dân số thế giới.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc