Việt Nam nằm top 3 khu vực ASEAN về tăng trưởng IPv6

07:01, 05/03/2017
|

(VnMedia) - Cùng với Ấn Độ, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có những bước tiến rõ rệt trong việc triển khai IPv6…

Từ ngày 27/2 - 2/3/2017, Diễn đàn Công nghệ và Ứng dụng Internet khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Rim Conference on Operational Technologies - APRICOT) 2017 được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Qua nội dung trao đổi về địa chỉ IP nói chung và IPv6 nói riêng tại sự kiện công nghệ của khu vực cho thấy mức độ sẵn sàng IPv6 của khu vực APNIC đã có những bước tăng trưởng đáng kể, tỉ lệ triển khai IPv6 trung bình tăng trưởng khoảng 300% so với cùng kỳ năm ngoái (từ 2% lên khoảng 6% tỉ lệ truy cập Internet qua IPv6).

Năm 2016, không gian địa chỉ IPv4 ngày càng cạn kiệt ở tất cả các khu vực trên toàn cầu. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động hỗ trợ cấp phát IPv4 cho các tổ chức, doanh nghiệp chỉ mang tính hỗ trợ giai đoạn chuyển giao sang một thế hệ địa chỉ mới IPv6. Trước xu thế Internet vạn vật (Internet of Things), hoạt động triển khai IPv6 ngày càng là chủ đề được cộng đồng Internet quan tâm tại sự kiện.

Để bảo đảm sự phát triển của Internet toàn cầu trước xu thế Internet vạn vật, IPv6 được xem là giải pháp công nghệ cho sự phát triển của Internet. Không gian địa chỉ IPv6 bảo đảm cho các thiết bị kết nối Internet. Theo thống kê của APNIC, tỉ lệ triển khai IPv6 của khu vực tăng trưởng tốt trong năm 2016, tăng trưởng mạnh nhất vào khoảng cuối năm 2016 đầu năm 2017. Kết quả này có được do sự cộng gộp hoạt động triển khai IPv6 của các nước trong khu vực.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, đại diện của một trong các quốc gia tiêu biểu cũng đã có những chia sẻ thú vị về hoạt động triển khai IPv6 và các kết quả đạt được. Trong đó, Ấn Độ hiện là quốc gia có bước tiến lớn nhất trong hoạt động triển khai IPv6 trong khu vực. Sau thời gian dài với chỉ số lưu lượng IPv6 chỉ đạt khoảng 1-2% vào đầu năm 2016, đến nay, Ấn Độ đã vượt Nhật Bản để thành quốc gia có chỉ số triển khai IPv6 cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với khoảng 20% - một con số rất ấn tượng. Theo sát Ấn Độ, kết quả triển khai IPv6 của Nhật Bản cũng tăng trưởng tốt, đạt khoảng 18%.

Tỉ lệ lưu lượng IPv6 trung bình của mạng Internet khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tỉ lệ lưu lượng IPv6 trung bình của mạng Internet khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Kết quả triển khai IPv6 của khu vực đã tăng trưởng mạnh trong năm qua, báo hiệu những đột phá mới trước xu thế về công nghệ Internet vạn vật. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các diễn giả tham dự APRICOT 2017, hoạt động triển khai IPv6 hiện chưa đồng đều. Chỉ số triển khai IPv6 ở mảng nội dung và các ứng dụng IPv6 còn thấp. Đây là một vấn đề chung trong công tác triển khai IPv6 của khu vực và của cả Việt Nam và sẽ được hướng đến trong thời gian tới.

Thông qua kết quả triển khai IPv6 của các tổ chức, doanh nghiệp, kết quả triển khai IPv6 của các quốc gia được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh Ấn Độ, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có những bước tiến rõ rệt trong việc triển khai IPv6. Sau chỉ một năm, tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam tăng trưởng từ 0,05% lên khoảng 6%, hiện Việt Nam vươn lên và đứng trong top 5 quốc gia có tỉ lệ triển khai IPv6 tốt nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, top 3 khu vực ASEAN.

Trước sự cạn kiệt IPv4 và xu thế Internet vạn vật, hoạt động triển khai IPv6 là điều tất yếu và ngày càng tăng trưởng rõ rệt. Mặc dù có những bước đi chậm hơn so với khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày một tăng tốc trong việc triển khai IPv6 và dự kiến sẽ là khu vực nhộp nhịp về hoạt động triển khai IPv6 trong thời gian tới.

Số liệu thống kê vào cuối năm 2016 cho thấy, công tác triển khai IPv6 cho mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những số liệu nổi bật. Việt Nam đã có hơn 800.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định trên nền IPv6, băng thông quốc tế qua IPv6 khoảng 3.700 Gbytes, lưu lượng IPv6 khoảng 400 Gbytes, là các nhân tố chủ đạo trong công tác triển khai IPv6 của Việt Nam. Năm 2016, số lượng DN kết nối VNIX qua IPv6 cũng tăng thêm 2 đơn vị là HTC và TPCOM, nâng tổng số DN có kết nối IPv6 lên 11/19 ISP.

Là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong triển khai IPv6, trong năm 2016, VNPT đã triển khai thử một số dịch vụ có hỗ trợ IPv6 như dịch vụ quảng bá, xây dựng website chạy IPv6. Tổng lượng khách hàng của VNPT đo đạc được là hơn 4.000 khách hàng đầu cuối có IPv6. VNPT đã tăng trưởng lưu lượng IPv6.

Trong năm 2017, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ IPv6 trên cả mạng băng rộng cố định và di động, đặc biệt là dịch vụ 4G LTE. Ông Cường cũng cho hay, quý 2/2017, VNPT sẽ triển khai xong toàn bộ IPv6 cho các thuê bao băng rộng. Trong quý 3/2017, VNPT sẽ tập trung triển khai IPv6 cho 4G. Dự báo của VNPT, trong quý 2/2017, lưu lượng sử dụng IPv6 sẽ bật lên rất mạnh. VNPT sẽ triển khai với mục tiêu chất lượng dịch vụ tới đâu được đảm bảo tới đó. 

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc