Vị trí của Việt Nam trên bản đồ Internet thế giới

14:04, 09/03/2017
|

(VnMedia) - Economist vừa công bố một bản báo cáo xếp hạng mức độ phát triển internet của 75 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bản xếp hạng được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí cho thấy một cái nhìn khá toàn diện về mức độ phát triển internet của một quốc gia. Xét tổng hòa các yếu tố, Việt Nam đang đứng ở mức internet phát triển trung bình - vị trí thứ 32/75.

Cụ thể, báo cáo xếp hạng được đánh giá dựa trên 6 tiêu chí và dưới đây là thứ hạng trong của Việt Nam theo từng tiêu chí:

- Độ Khả dụng: Tiêu chí liên quan tới chất lượng của hạ tầng mạng lưới internet và mức độ sử dụng internet. Xét riêng tiêu chí này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 40/75.

Việt Nam đứng ở vị trí thứ 42 ở tiêu chí Độ khả dụng.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 42 ở tiêu chí Độ khả dụng.

Được đánh giá là một trong những quốc gia có lượng người dùng internet tăng nhanh nhất thế giới trong những năm qua. Sau gần 20 năm ra đời và phát triển, Việt Nam đang có khoảng 50 triệu người sử dụng internet, tương đương với khoảng 60% dân số cả nước. Đây là một con số khá cao so với mặt bằng chung của thế giới.

Một trong những nguyên nhân chính là việc hạ tầng mạng internet được các ISP đầu tư phủ sóng rộng khắp cả nước. Ví dụ, cuối năm 2016, VNPT - ISP nắm thị phần lớn nhất hiện nay cho biết mạng cáp quang của doanh nghiệp này đã phủ sóng tới 93% số xã trên toàn quốc. Ngoài VNPT, hiện còn rất nhiều ISP khác cũng có mạng lưới phủ sóng khá rộng. Mạng cáp quang có khả năng cung cấp dịch vụ với tốc độ lên tới hàng chục, hàng trăm Mbps.

Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng, Việt Nam lại bị xếp ở vị trí thứ 40 trong tiêu chí về độ khả dụng. Kết quả này có thể là do chất lượng chất lượng dịch vụ chưa được đánh giá cao.  Có lẽ nguyên nhân là do Economist xếp loại dựa trên cả kết nối internet cố định và di động. Và tốc độ internet di động của Việt Nam (theo đánh giá xếp hạng của một vài tổ chức, ví dụ như Akamai) thì đang còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới (thường đứng cuối bảng xếp hạng của Akamai).

Vì sao tốc độ 3G của Việt Nam bị đánh giá thấp?

- Khả năng chi trả: Tiêu chí liên quan tới giá cước dịch vụ/thu nhập trung bình của người dân và mức độ cạnh tranh của các ISP trên thị trường. Xét riêng tiêu chí này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 32/75.

Cuộc cạnh tranh giá cước gay gắt giữa các ISP trong vài năm qua đã khiến giá dịch vụ internet cố định giảm mạnh, đặc biệt là internet cáp quang. Hiện nay, khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ internet cố định với tốc độ lên tới 12 - 14 Mbps chỉ với khoảng gần 200.000 đ/tháng.

Cước dịch vụ internet di động thì còn vừa túi tiền hơn nữa. Chỉ với 7.000 - 10.000 đ là người dùng đã có 1GB - 1,2 GB dữ liệu tốc độ cao sử dụng trong ngày. Tất cả các nhà mạng di động hiện đều tung ra nhiều lựa chọn gói cước khác nhau, từ các gói ngắn hạn như theo giờ, theo ngày, theo tuần, tới các gói dài ngày như gói tháng, gói năm. Đơn giá cước dữ liệu di động của Việt Nam đang khá rẻ.

Tuy nhiên, đôi khi chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu người dùng. Với tốc độ cao gấp nhiều lần 3G, 4G được kỳ vọng sẽ giúp các nhà mạng giải quyết vấn đề này.

- Các nội dung liên quan: Tiêu chí liên quan tới sự phát triển của các nội dung bản địa và các nội dung liên quan trên internet. Việt Nam được xếp hạng khá cao ở tiêu chí này (vị trí 18/75) nhờ phát triển khá tốt các nội dung mang tính bản địa.

Việt Nam được xếp hạng khá cao ở Tiêu chí này nhờ phát triển phong phú các nội dung mang tính bản địa trên internet.
Việt Nam được xếp hạng khá cao ở Tiêu chí này nhờ phát triển phong phú các nội dung mang tính bản địa trên internet.

- Độ sẵn sàng: Tiêu chí liên quan tới khả năng truy cập internet bao gồm: Kỹ năng của người dân, văn hóa và các chính sách của cơ quan quản lý. Xét riêng tiêu chí này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 42 do bị “hạn chế về sự hiểu biết về kỹ thuật số cũng như kỹ năng truy cập internet”.

Tiêu chí này có phần phản ánh khá chính xác hiện trạng của Việt Nam. Dù tỷ lệ người dân sử dụng internet tại các khu vực thành thị của Việt Nam hiện khá cao song vẫn còn một lượng lớn người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa đang thiếu hạ tầng, phương tiện và kỹ năng sử dụng internet. Nhiều chương trình phổ cập đã được cả cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp viễn thông với những kêt quả ban đầu còn khiêm tốn.

Dù có thể có một vài tiêu chí đánh giá có thể chưa phản ánh đúng (do khác biệt về cách tính) song báo cáo của Economist cũng đã cơ bản phác họa bức tranh về mức độ phát triển của internet Việt Nam so với mặt bằng chung của thế giới sau gần 20 năm ra đời và phát triển.

Hoàng Vũ (Theo The Economist)


Ý kiến bạn đọc