Tổ chức WikiLeaks mới đây vừa cho công bố trên website của mình hàng loạt tài liệu, tiết lộ rằng cơ quan tình báo Mỹ CIA đang sở hữu một chương trình theo dõi ngầm mà qua đó, cơ quan này khai thác được hàng tá điểm yếu trong nhiều sản phẩm công nghệ phổ biến. Cho tới nay, chúng ta chưa thể xác định được những tài liệu này là có thật hay không, trong khi đó, CIA chỉ đưa ra phản hồi rằng sẽ "không bình luận về tính xác thực hay nội dung của các tài liệu tình báo có chủ ý".
Slideshow bên dưới giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về các thiết bị công nghệ và ứng dụng mà theo WikiLeaks, chúng đã bị CIA theo dõi. Hệ điều hành di động Android của Google cũng là một trong số các công nghệ nằm trong tầm kiểm soát của CIA, nhưng cho tới nay hãng tìm kiếm cũng từ chối đưa ra bình luận.
WikiLeaks từ lâu đã nổi tiếng với việc công khai hàng loạt tài liệu bí mật của chính phủ. Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, những gì vừa được đưa lên website của WikiLeaks mới đây có vẻ là thật. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể biết liệu chương trình của CIA vẫn còn đang hoạt động hay không, và nếu còn, nó có ảnh hưởng tới phiên bản mới nhất của các phần mềm và thiết bị phần cứng dưới đây hay không.
Bạn cho rằng chiếc iPhone của mình được an toàn nhờ những công nghệ bảo mật của Apple? Theo WikiLeaks thì câu trả lời là không. "Con mắt" của CIA vẫn nhòm được vào thiết bị được cho là có khả năng bảo mật tốt nhất này. Apple mới đây cũng vừa phản hồi, nói rằng hầu hết các lỗ hổng mà WikiLeaks công bố đã được hãng vá lại, bởi vậy, hy vọng rằng số người dùng iPhone là nạn nhân của CIA sẽ không quá nhiều.
Hệ điều hành Windows của Microsoft cũng chịu chung số phận. Hãng phần mềm Mỹ cho biết đang tìm hiểu về vấn đề được WikiLeaks nêu ra.
Không chỉ iPhone, iPad của Apple cũng nằm trong diện bị theo dõi.
Các kỹ thuật của CIA cũng cho phép cơ quan này qua mặt công nghệ mã hoá trên WhatsApp, ứng dụng nhắn tin phổ biến trên thế giới. WhatsApp cũng từ chối đưa ra bình luận.
Chương trình theo dõi bí mật toàn cầu của CIA cũng bị tố là hoạt động được trên cả smart TV của Samsung, biến thiết bị này trở thành một chiếc microphone bí mật. Theo đó, một chế độ có tên "Fake-Off" trên thiết bị sẽ lừa người dùng rằng TV đã được tắt trong khi thực tế thì nó vẫn đang bật. TV sau đó sẽ ghi âm các cuộc trò chuyện có trong phòng và gửi file âm thanh qua internet đến máy chủ bí mật của CIA. Samsung hiện chưa có bình luận gì về sự vụ trên.
Ứng dụng Signal sử dụng mã hoá dữ liệu để gửi tin nhắn, và chỉ những người nhận được chỉ định mới có thể đọc được nội dung tin. Tuy nhiên, theo WikiLeaks, với việc hack được vào smartphone của người dùng có cài Signal, CIA có thể lấy trộm được tin nhắn trước khi việc mã hoá bắt đầu.
"Câu chuyện của CIA/Wikileaks hôm nay là về việc đưa malware vào điện thoại, và không có lỗ hổng nào tồn tại trong Signal hay lỗ hổng phá vỡ mã hoá Signal Protocol" - Moxie Marlinspike, nhà sáng lập Signal cho hay. "Câu chuyện này không phải là về Signal hay WhatsApp, nhưng qua đó cho thấy rằng công nghệ bảo mật (mã hoá) của chúng tôi là có tác dụng".
Ứng dụng Telegram cũng được mã hoá, nhưng WikiLeaks nói rằng CIA có thể thu lại âm thanh và tin nhắn trước khi việc mã hoá diễn ra. Telegram cho biết trên website rằng vấn đề nằm ở hệ điều hành chứ không phải ở bản thân ứng dụng, và việc chỉ mặt điểm tên những ứng dụng cụ thể là "gây hiểu nhầm".
Theo ICT News
Ý kiến bạn đọc