Google Maps đang là “vua bản đồ” hiện nay nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc chúng hoạt động như thế nào chưa. Thực tế, Google Maps đang ẩn chứa nhiều bí ẩn mà nhiều người chưa biết.
Google Maps sử dụng nhiều thuật toán phức tạp và bí mật trong việc thu thập và xử lý dữ liệu. |
Có mặt trên Internet từ hơn một thập kỷ qua nhưng rất ít người nắm được cách thức hoạt động của Google Maps.
Chẳng hạn, làm thế nào Google có thể tạo ra bản đồ chính xác cho nhiều khu vực khác nhau? Hay Google làm thế nào để thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ về thế giới? Ai là người duy trì và cập nhật các bản đồ đó?
Có rất nhiều câu hỏi mà người dùng thắc mắc. Những thông tin dưới đây sẽ phần nào thỏa mãn trí tò mò đó.
Tại sao lại có Google Maps?
Google Maps là một phần của sứ mệnh tổ chức thông tin toàn thế giới để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận từ mọi nơi. Google tự nhận thực hiện sứ mệnh đó.
Nhưng thông tin Google đang tổ chức không chỉ ở dạng online. Một số lượng lớn người dùng không thường xuyên online, và Google Maps chính là cầu nối giữa cái mà chúng ta nhìn thấy trong đời thực với thế giới trực tuyến.
Google Maps đang là dịch vụ bản đồ thông dụng nhất hiện nay trên máy tính, điện thoại, xe hơi... |
Có rất nhiều dạng thông tin offline như hệ thống đường cao tốc, biển báo, tên đường, tên công ty… Nhiệm vụ của Google Maps là đưa các thông tin này lên mạng và còn nhiều hơn thế.
Google Maps thu thập bao nhiêu dữ liệu?
Google đang thu thập, tổ chức và biên dịch hàng chục triệu gigabyte dữ liệu cho Google Maps. Ấn tượng ở chỗ không có dữ liệu nào trong số này cũ tới 3 năm.
Để hỗ trợ quá trình thu thập dữ liệu khổng lồ trên, Google đã hợp tác với nhiều đối tác khác nhau trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Bản đồ Cơ sở (BMPP).
Các dữ liệu do đối tác cung cấp có thể bao gồm những thay đổi về đường biên giới, tuyến đường biển, đường xe đạp và rất nhiều thứ khác.
Street View - đường phố 360 độ
Google Street View là tính năng cực hay dành cho người dùng. Nó có khả năng hiển thị ảnh 360 độ mọi góc phố trên bản đồ.
Kết hợp GPS với khả năng nhận dạng ký tự quang học cải tiến, Google Street View đang rất mạnh – nó có thể “đọc” những thứ như biển báo, tín hiệu giao thông, tên công ty, doanh nghiệp trong khu vực.
Bản đồ vệ tinh
Một lớp khác của Google Maps chính là cơ chế xem ảnh vệ tinh. Google đã kết hợp cơ chế này với dịch vụ Google Earth, cho phép người dùng xem ảnh chụp vệ tinh độ phân giải cao của một khu vực cụ thể.
Các hình ảnh này được đối chiếu với các lớp dữ liệu khác của bản đồ như Street View, hay dữ liệu do đối tác bên ngoài gửi cho phép cập nhật kịp thời các thay đổi về địa chất, các tòa nhà…
Thông tin vị trí
Không có nhiều thông tin về việc Google đã sử dụng các dịch vụ vị trí di động như thế nào để cập nhật thông tin cho Google Maps, nhưng rõ ràng dịch vụ vị trí đang đóng vai trò rất quan trọng.
Các thông tin vị trí sẽ giúp cập nhật tình hình giao thông theo thời gian thực, ước tính tốc độ di chuyển, đánh dấu vị trí chuyển làn. Nếu có làn đường nào bị chặn đột ngột, Google Maps sẽ tự điều chỉnh và đề nghị người dùng di chuyển theo hướng thay thế.
Giúp sức cho Google Maps
Google Map Maker là chương trình mở ra từ năm 2008 cho phép người dùng bản đồ Google Maps có thể đóng góp thông tin cho Google.
Nói một cách ngắn gọn, người dùng có thể chỉnh bản đồ của Google, chẳng hạn thêm hoặc hiệu chỉnh địa điểm, đường mới mở, các tòa nhà hoặc đường mòn mà chỉ người đó biết.
Điều này sẽ giúp Google Maps được cập nhật 24/7 và đặc biệt hữu ích trong việc chỉ đường những nơi hẻo lánh, ít người qua lại.
Ngoài Google Map Maker, Local Guides cũng là tính năng hữu ích cho phép người dùng bản đồ có thể bổ sung thêm các thông tin chi tiết, chẳng hạn khách sạn có bãi đỗ xe hay không, nhà hàng có thực đơn ăn kiêng không, v.v…
Tầm quan trọng của dữ liệu
Như bạn đã thấy, lượng dữ liệu mà Google thu thập rất lớn. Những lớp dữ liệu này sau khi được xử lý sẽ là các thông tin mà chúng ta thấy trên Google Maps.
Google đã sử dụng nhiều thuật toán phức tạp và bí mật để sàng lọc, xây dựng và xử lý các lớp dữ liệu này rồi biến chúng thành thông tin có ích.
Google Maps hiện diện khắp mọi nơi. |
Chẳng hạn, khi Street View quét hình ảnh biển chỉ đường và tên công ty, các thuật toán sẽ lập thành mạng lưới tên đường nhờ khả năng đọc các biển chỉ đường.
Đồng thời, dữ liệu vị trí sẽ được huy động để tính toán đâu là tuyến đường di chuyển nhanh nhất từ điểm A tới điểm B.
Những phần xương xẩu nhất mà thuật toán không thể xử lý thì nhóm chuyên gia Google sẽ trực tiếp phụ trách.
Khối lượng công việc rất lớn và đó cũng là lý do tại sao Google có các nhóm làm việc trên khắp thế giới nhằm đảm bảo rằng bản đồ của họ luôn được cập nhật nhanh nhất và chính xác nhất.
Xử lý sai sót
Có rất nhiều thay đổi được thực hiện mỗi ngày trên Google Maps. Đó có thể là thêm tuyến đường mới, khu vực mới hoặc sửa chữa những sai sót trước đó.
Rất nhiều sửa chữa được thực hiện bởi các thành viên cộng đồng. Họ làm những việc đại khái như chỉnh sửa mô tả địa điểm, thêm đường đi và đại loại như vậy. Mỗi ngày có tới hàng nghìn báo cáo chỉnh sửa kiểu như thế này được gửi tới Google.
Phần lớn báo cáo được xem xét và thực hiện thủ công thông qua Atlas, phần mềm chỉnh sửa bản đồ riêng của Google. Các tuyến đường mới sẽ được vẽ bằng tay, tòa nhà mới sẽ được phác thảo thêm ra.
Công việc kiểu này không bao giờ kết thúc bởi mỗi ngày lại có thêm hàng nghìn tuyến đường mới, rồi đường trong thành phố thay đổi – chẳng hạn từ hai chiều thành một chiều.
Google Maps liên tục được cập nhật nhằm đảm bảo rằng thông tin đưa ra luôn chính xác. Tất nhiên, mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó bởi Google Maps đang là một phần quan trọng của xu hướng công nghệ mới – xe hơi tự hành.
Theo Zing
Ý kiến bạn đọc