Bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Viettel. Từ ngày 11/1, nhiều khách hàng phản ánh không thể truy cập các trang web quốc tế, trong đó có Google và Facebook. Hiện tượng Internet chập chờn kéo dài.
Ngày 8/1, tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố gây mất kênh truyền trên cả ba hướng kết nối đi Hong Kong, Singapore và Mỹ. Đây là sự cố đầu tiên của cáp AAG trong năm 2017.
Bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Viettel. Kể từ đêm 11/1 nhiều người dùng Internet của Viettel cho biết không thể vào Google, Facebook... khi dùng Wi-Fi và đôi khi chập chờn, không truy cập được khi bật 3G. Đến sáng 12/1, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.
"Mình dùng mạng Wi-Fi từ tối qua đã không vào được Facebook. Youtube cũng không xem được. Sáng nay (12/1) dùng 3G cũng chập chờn, có lúc không vào được dù vẫn còn dung lượng tốc độ cao", Nhật Nguyên, người dùng ở quận 2, TP.HCM nói với Zing.vn.
Sáng ngày 12/1/2017, Viettel đã gửi tin nhắn cho khách hàng thông báo sự cố đứt cáp biển khiến cho các kết nối Internet ra nước ngoài bị chậm, chập chờn. Đây là lần đầu tiên Viettel nhắn tin cho khách hàng của mình thông báo khi sự cố cáp quang biển xảy ra.
Theo nhà cung cấp này, tuyến APG vừa đưa vào sử dụng tháng 12/2016 bị 2 sự cố đồng thời ngày 31/12/2016 (tại Singapore và Chongming - Trung Quốc dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore. Dự kiến ngày 23/1 sẽ khắc phục xong.Tuyến AAG bị sự cố ngày 8/1/2017 dẫn tới mất lưu lượng từ Việt Nam Hong Kong, Singapore và Mỹ. Dự kiến ngày 28/1 sẽ sửa chữa xong.
Tuyến IA bị lỗi sự cố tại nhánh đi HongKong vào ngày 10/1/2017, ngay trong ngày đã cấu hình lại nguồn nên đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vào 16h15 ngày 11/1/2017 lại phát hiện tiếp lỗi rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore. Hiện nay chưa có thông báo từ Ban Quản lý tuyến cáp về lịch trình sửa chữa. Viettel là doanh nghiệp duy nhất tham gia khai thác tuyến cáp quang này.
Trao đổi với Vietnamnet, đại diện VNPT VinaPhone cho biết, thời gian khắc phục dự kiến từ ngày 23/01 đến ngày 7/02/2017”.Sự cố này gây ảnh hưởng phần nào đến lưu lượng kết nối Internet hướng đi quốc tế của VNPT. Tuy nhiên, mạng Internet của VNPT vẫn còn duy trì 3 hướng cáp đi quốc tế ( hệ thống cáp đất, hệ thống cáp quang biển SMW3 và một phần của hệ thống cáp quang biển APG), đảm bảo duy trì tốt các hướng đi các nước châu Á, Âu, Mỹ, các kết nối với Google và Facebook.
Ngay khi sự cố xảy ra, VNPT đã chủ động định tuyến lưu lượng Internet sang các hướng khác đảm bảo thông suốt mạng lưới, phối hợp với các đối tác quốc tế để bố trí dung lượng ứng cứu kết nối khắc phục sự cố gián đoạn đường truyền tới khách hàng. VNPT VinaPhone đã lập danh sách các khách hàng cần đặc biệt ưu tiên để đảm bảo tốc độ truy cập Internet hướng quốc tế.
Liên quan tới việc đền bù thiệt hại cho khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ đều cho rằng khó có thể xác định được mức độ thiệt hại. Mặt khác, trong hợp đồng ký với khách hàng, các nhà cung cấp Internet thường đưa vào điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong các trường hợp hư hỏng do thiên tai.
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc