Đích thân Donald Trump mời các CEO mà phần lớn họ từng chỉ trích ông nặng nề. Một trong những CEO mà ông khó chịu nhất là Tim Cook của Apple. Quan hệ giữa ông Trump và Thung lũng Silicon từng là thảm hoạ. Hơn 140 lãnh đạo công nghệ cùng ký vào một thư mở gọi ông là “mối nguy cho cải tiến”. Có báo mô tả kết quả bầu cử là “nỗi khiếp sợ” cho cả ngành công nghệ.
Phản đối Apple về việc không chịu hợp tác chính phủ chống tội phạm, Donald Trump từng viết trên Twitter: “Nếu Apple không cung cấp thông tin phục vụ mở khóa chiếc iPhone của kẻ khủng bố, tôi sẽ chỉ dùng chiếc Samsung cho tới khi họ chịu thay đổi”. Không những thế, ông còn thề sẽ buộc Apple, nơi ông có cổ phần vài triệu đô la, chuyển các nhà máy sản xuất iPhone về Mỹ. Trung Quốc là thiên đường không chỉ cho Apple. Chẳng những giá nhân công rẻ, chỉ 400 USD/tháng so với 800-1.400 USD/tháng ở Mỹ, lý do quan trọng nhất là ở đó có đội ngũ công nhân lành nghề. Kỹ năng sản xuất là nội dung trọng tâm trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, Tim Cook nhận định.
Vậy mà họ hội ngộ cứ như thể chưa từng hiềm khích. Donald Trump, người có tài sản 3,7 tỷ USD và chỉ đứng thứ 5 trong số các tỷ phú có mặt, thậm chí còn bảo các CEO nếu cần hãy gọi trực tiếp cho ông. Ông còn hứa sẽ đặt lịch gặp gỡ các lãnh đạo công nghệ cứ ba tháng một lần.
Cuộc hội tụ vô tiền khoáng hậu vừa rồi như tín hiệu về cảm nhận của người quyền lực nhất thế giới về sức mạnh của công nghệ. Ngày nay, cứ 7-10 năm, tri thức lại tăng gấp đôi, 9/10 số nhà bác học của nhân loại là người cùng thời với chúng ta, và một nửa số tài liệu khoa học xuất bản trong toàn bộ lịch sử nhân loại xuất hiện trong 15-20 năm lại đây. Thời đại ngày nay càng làm hiển lộ quy luật phải coi trọng tri thức nếu muốn quốc gia vững bền.
Hôm nay đây, Tim Cook từng là cái gai chẳng những toạ cùng dãy mà còn ngay sát người ông từng lên án. Ở vị trí ấy, Tim Cook không thấy mặt Donald Trump nhưng lại gây ấn tượng ông cùng phe tổng thống đắc cử.
(theo Tiền Phong)
Ý kiến bạn đọc