(VnMedia) - Trong số liệu báo cáo tổng kết năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu phát sinh toàn ngành năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức sáng 23/12/2016 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã biểu dương và đánh giá cao kết quả toàn diện trên các lĩnh vực công tác của ngành TT&TT trong năm 2016. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn thông tin và truyền thông đã nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và Chính phủ giao phó.
Kết quả đáng khích lệ
Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành Thông tin và Truyền thông năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%), trong đó: Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng; lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước 2.245 tỷ đồng; lĩnh vực bưu chính ước 16.800 tỷ đồng; lĩnh vực viễn thông ước đạt 365.500 tỷ đồng; lĩnh vực CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Ngành ước đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội Nghị. |
Năm 2016 dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua mọi khó khăn thử thách của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành, ngành TT&TT đã giữ được tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường, có tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn, tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Ngành TT&TT tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của ngành trên các lĩnh vực quản lý được giao. Hoạt động báo chí xuất bản theo đúng định hướng của Đảng và nhà nước, công tác theo dõi chỉ đạo thông tin tuyên truyền kịp thời, đạt hiệu quả cao. Các cơ sở cơ quan báo chí đã đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ, kịp thời các ngày lễ lớn của đất nước. Tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước. Làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, nhà nước vừa là diễn đàn của nhân dân góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước. Lĩnh vực Bưu chính tiếp tục có những bước chuyển biến, đổi mới hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ và phương tiện, phục vụ đắc lực cho chính phủ điện tử và thương mại điện tử.
Thị trường Viễn thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn được Bộ TT&TT quản lý chặt chẽ, phát triển bền vững, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, nhà nước và phục vụ công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo thông suốt kịp thời. Tình trạng SIM rác, tin nhắn rác đã được Bộ TT&TT vào cuộc quyết liệt để giải quyết và mang lại những kết quả rõ nét. Tính đến ngày 22/12/2016, đã có khoảng 15 triệu SIM kích hoạt sẵn bị khóa và thu hồi
Công tác ứng dụng Công nghệ thông tin tiếp tục được chú trọng trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trong xã hội công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng tăng cường với việc thường xuyên hỗ trợ, khắc phục các điểm yếu an toàn thông tin và ứng cứu sự cố cho Cổng thông tin điện tử chính phủ và cho các Bộ, Ban ngành địa phương.
Phải tiên phong đi đầu
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả toàn Ngành TT&TT đạt được trong năm 2016. “Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình cả nước ước đạt 6,5%, riêng ngành TT&TT có tốc độ tăng trưởng doanh thu lên tới 9,36%. Như vậy cao gấp rưỡi mức độ trung bình. Con số này đã nói lên tất cả những nỗ lực toàn ngành TT&TT đạt được trong năm qua”.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành TT&TT phải thể hiện tính tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước đây Viễn thông đã thể hiện vai trò đi đầu trong triển khai 2G, nhưng tới 3G thì đã giảm bớt, tới thời điểm triển khai 4G thì lại thuộc top sau.
"Viễn thông cần phải bứt lên, phải rất mạnh dạn, có tinh thần tiên phong đi trước. Đất nước cần có ngành mở đường, có ngành chuẩn bị. Để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc phát triển hạ tầng cần rất nhiều thứ nhưng trong đó chắc chắn hạ tầng băng rộng phải phát triển mạnh mẽ. Đây là điều mà các doanh nghiệp làm viễn thông cần hết sức lưu ý", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
B.H
Ý kiến bạn đọc