(VnMedia) - Phóng viên Báo điện tử VnMedia đã có buổi phỏng vấn Th.S Trần Văn Trà thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, người vừa giành Giải thưởng lĩnh vực Khoa học Công nghệ của Nhân tài Đất Việt năm 2016 về chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ, để hiểu thêm về sản phẩm cũng như những khó khăn thách thức mà tác giả đã trải quan trong quá trình xây dựng và triển khai dự án.
- Anh có thể chia sẻ với bạn đọc của báo điện tử VnMedia là xuất phát từ đâu mà anh có ý tưởng tạo ra dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000l/h này??
Th.s Trần Văn Trà: Xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đang là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Để đạt được mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới thì trước hết là con người phải có tư duy công nghiệp, hệ thống máy móc phục vụ sản xuất phải phù hợp về công năng, chất lượng và giá thành rẻ, dễ sử dụng làm tăng năng suất lao động, mẫu mã sản phẩm đẹp và đa dạng.
Thành viên Hội đồng chấm giải Nhân tài Đất Việt 2016 lên trao Giải thưởng Khoa Học Công Nghệ cho tác giả Trần Văn Trà |
Một số nhà máy chế biến nông sản đóng hộp xuất khẩu các nguyên liệu như: dưa chuột, hành kiệu, ớt, … nhà máy chế biến, bảo quản lúa, gạo sau thu hoạch đã đầu tư dây chuyền sản xuất song đều ở mô hình thiết bị thô sơ,manh mún, vẫn phải sử dụng lao động chân tay trong nhiều công đoạn, đặc biệt là công đoạn đóng gói, dẫn đến chất lượng, hình thức sản phẩm chưa đẹp, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Việc nghiên cứu ra những dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại tương đương nhập ngoại, giá thành hạ sẽ giúp cho các tập thể, cá nhân có điều kiện đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mà Đảng đã đề ra. Dây chuyền tự động hóa sẽ giảm bớt được lao động chân tay, độ chính xác cao, hình thức sản phẩm (ngoại quan) đẹp, đảm bảo chất lượng ổn định và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Hiện nay, Việt Nam chưa có các nhà máy, hãng chuyên sản xuất dây chuyền sản xuất chuyên dụng, hầu như mới cải tiến, chế tạo được các thiết bị, chi tiết đơn giản trong dây chuyền sản xuất, độ chính xác, công suất, đồng bộ hóa, tự động hóa không cao. Các công ty, xí nghiệp sản xuất lớn hầu như phải nhập khẩu các dây chuyền đồng bộ từ nước ngoài nên thường gặp phải những khó khăn như: Thiết bị có thiết kế cấu tạo phức tạp, cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích nhà xưởng gây tốn kém trong công tác đầu tư ban đầu; Do thiết kế phức tạp, sử dụng nhiều thiết bị điện tử nên không phù hợp với điều kiện khí hậu nóng, ẩm của Việt nam, nhất là khu vực gần biển nên chi phí bảo trì, chi phí vận hành rất cao; Thời gian từ khi đặt hàng, vận chuyển , lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu dài, phức tạp. Giá thành phụ tùng thay thế cao, không có sẵn trong nước, phải đặt ở nước ngoài khi cần thay thế nên phải đợi thời gian dài mới nhập khẩu được; Công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa phải thuê, mượn người của hãng sản xuất mới làm được, nên rất tốn kém, phức tạp khi có sự cố xảy ra; Trình độ khoa học kỹ thuật ở nhiều vùng, đặc biệt là vùng nông thôn chưa cao nên thụ động trong SXKD, mất uy tín với khách hàng cũng như bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh; Các nhà DN Việt nam là những DN nhỏ sinh sau đẻ muộn so với các DN trên thế giới, hệ thống phân phối nhỏ, thương hiệu yếu, quy mô sản xuất nhỏ nên nếu đầu tư dây chuyền nhập khẩu rất tốn kém, tỷ xuất đầu tư cao dẫn đến chi phí sản xuất giá thành sản phẩm cũng cao nên không thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài có lợi thế hơn ta về nhiều mặt và cũng khó có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư dây chuyền.
Chính vì vậy, tôi mong muốn người VN có thể tự thiết kế chế tạo được những dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất lớn, mức độ tự động hóa cao, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng ngang tầm quốc tế nhưng với suất đầu tư rẻ phù hợp với điều kiện đầu tư của các cá nhân, DN Việt nam (đặc biệt là các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, bảo quản nông sản sau thu hoạch tại các vùng nông thôn VN) để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của Đảng và nhà nước, đồng thời đây cũng là mục tiêu cấp bách mở rộng sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng sức cạnh trạnh của Tập đoàn Hương sen trong điều kiện nguồn lực tài chính cho đầu tư không đủ để nhập khẩu dây chuyền ngoại.
- Mục tiêu lớn nhất của anh khi thiết kế chế tạo sản phẩm này là gì? Anh đã làm gì để thực hiện mục tiêu ấy?
Th.s Trần Văn Trà: Đây là công trình khoa học đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công vào thực tiễn tại Tập đoàn Hương sen. Tôi có hai mục tiêu chính khi thực hiện công trình này, mục tiêu thứ nhất là: Giải bài toán khó của Tập đoàn Hương sen là đầu tư mở rộng sản xuất tăng sản lượng, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả đẩu tư, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn chế. Mục tiêu thứ hai, đây cũng là mục tiêu lớn nhất, đó là sau khi nghiên cứu và ứng dụng thành công tại Tập đoàn Hương sen thì các hệ thống máy móc thiết bị này cần được đầu tư một cách thỏa đáng nhằm quảng bá, truyền thông để nhiều DN trong nước và quốc tế biết đến, từ đó nhân rộng sự ứng dụng các thiết bị nói trên vào sản xuất tại các vùng miền góp phần xây dựng thành công Nông thôn mới theo định hướng CNH- HĐH.
Để thực hiện mục tiêu trên, tôi đã có những hoạt động thiết thực sau: Vận động Ban lãnh đạo Tập đoàn Hương sen thực hiện chiến lược là hạt nhân của chuỗi liên kết trong việc tạo điều kiện cho những tập thể cá nhân đến tham quan thực tế dây chuyền đồng thời trao đổi về KHKT, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất nhỏ có thể chở bán thành phẩm bằng xe chuyên dùng đến Tập đoàn Hương sen để thuê gia công đóng gói hoàn thiện sản phẩm theo đúng tiêu chí sản phẩm của họ để sau một thời gian dần dần tích lũy đủ kinh phí trang bị cho mình dây chuyền riêng. Đây là cách thiết thực để giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cơ sở nhỏ tại các vùng nông thôn phát triển. Đến nay chúng tôi đã ký hợp đồng hợp tác bán và gia công sản phẩm trên dây chuyền cho nhiều đối tác trong nước và nước ngoài.
- Được biết đây là sản phẩm Made in VN, vậy anh đã mất bao nhiêu thời gian để thực hiện và trong quá trình chế tạo thì đâu là khó khăn lớn nhất?
Th.s Trần Văn Trà: Đây là công trình lớn, có nhiều yếu tố phức tạp nên tôi đã tư duy, ấp ủ từ nhiều năm về trước, tuy nhiên khi đi vào thực hiện thi công chế tạo thì tôi đã dồn mọi nguồn lực để có thể hoàn thành công trình với thời gian là 3,5 tháng.
Tác giả Trần Văn Trà |
Trước khi bắt đầu thì tôi đã lường trước và xác định tư tưởng cho mình sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, cái khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện đó là: “ Niềm tin”, niềm tin của tất cả mọi người từ HĐQT, Ban Tổng giám đốc, đội ngũ kỹ thuật . Mọi người đã đặt ra rất nhiều sự hoài nghi và cả sự tự ty như là: Tôi chưa từng học qua bất kỳ trường kỹ thuật nào liệu có làm được công trình lớn như vậy không. Các hãng chuyên nghiệp nước ngoài họ đã nghiên cứu rất nhiều, rất chuyên nghiệp, họ có rất nhiều năm kinh nghiệm, rất nhiều điều kiện để tạo ra sản phẩm với chi cũng rất cao thì anh Trà làm sao mà làm được với chi phí rẻ như vậy? Chi phí đầu tư giảm tới ¾ thì chất lượng thiết bị thế nào? Nếu không thành công thì rủi ro sẽ rất lớn, không chỉ là chi phí đầu tư mà hơn nữa là mất đi cơ hội kinh doanh, điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN. Đặc biệt nữa là hầu như 100% đội ngũ kỹ thuật không tin tưởng vào sự thành công của dự án...
Để vượt qua rất nhiều những khó khăn ấy thì tôi có một sự may mắn lớn đó là: Ông chủ tịch HĐQT, ông là người thành đạt và thấu hiểu sự đời. Ông đã thuyết phục HĐQT và mọi người đồng ý cho tôi làm thử nghiệm một modul máy nhỏ trong dây chuyền để tạo niềm tin cho mọi người trước khi thuyết phục mọi người đồng ý cho tôi thực hiện cả dự án.
- Anh có tự tin là sản phẩm dây chuyền này sẽ chiếm được lòng tin của DN trong nước và đủ sức để cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài hay không?
Th.s Trần Văn Trà: Với chất lượng thiết bị tốt, giá thành rẻ hơn thiết bị ngoại rất nhiều, sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, chi phí vận hành rẻ .v.v..và đặc biệt là dây chuyền đã được chạy trải nghiệm qua nhiều năm nên tôi hoàn toàn tự tin vào sản phẩm của mình.Tuy nhiên, tôi cho rằng như vậy vẫn chưa đủ mà cần nỗ lực hơn nữa trong việc truyền thông, giới thiệu, quảng bá để các DN hiểu, biết đến và củng cố niềm tin khi đầu tư vào thiết bị Việt. Tôi tin tưởng rằng qua giải thưởng uy tín này là một thông điệp quý gửi đến các DN có thêm thông tin cũng như yêu dùng các sản phẩm Việt để nâng cao hiệu quả SXKD góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
- Là một công trình nghiên cứu khoa học, tính an toàn được đặt lên hàng đầu? Vậy tính an toàn của sản phẩm này ra sao?
Th.s Trần Văn Trà: Đây không chỉ đơn thuần là công trình nghiên cứu khoa học mà là công trình nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng thành công vào thực tiễn. Như tôi nói ở trên, hệ thống dây chuyền thiết bị này đã được ứng dụng vào thực tiễn trong nhiều năm qua và đã khẳng định được giá trị khoa học và tính hiệu quả của nó không thua kém bất kỳ dây chuyền nào trên thế giới về chất lượng thiết bị, về chi phí vận hành, chi phí đầu tư, về chất lượng sản phẩm, vể tỷ lệ sản phẩm lỗi….Vậy có thể nói rằng sản phẩm này rất an toàn.
- Anh kỳ vọng nhất điều gì khi tham dự giải Nhân tài đất Việt 2016?
Th.s Trần Văn Trà: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là một trong những giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực Khoa học công nghệ, Công nghệ thông tin, y dựơc…được tổ chức lần đầu vào năm 2005, trong nhiều năm qua giải thưởng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nói chung và những người làm khoa học nói riêng. Là người có công trình đoạt giải, tôi cảm thấy rất vinh dự, đây là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với tôi. Giải thưởng Nhân tài đất Việt cũng có sự ảnh hưởng to lớn đối với xã hội, trong nước và quốc tế. Qua đây tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để có nhiều công trình khoa học có giá trị cao góp phần vào sự phát triển KHCN của đất nước, đồng thời rất kỳ vọng rằng: các sản phẩm đoạt giải hôm nay cũng sẽ tạo được thêm uy tín bởi sự khẳng định của chính giải thưởng uy tín này từ đó có sự lan rộng và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.
- Sau khi tham dự giải Nhân tài đất viêt 2016, anh có kế hoạch phát triển sản phẩm tiếp theo là gì?
Th.s Trần Văn Trà: Là người yêu khoa học, tôi không bao giờ ngừng nghiên cứu và công hiến. Hiện nay tôi đang có một số công trình trong lĩnh vực khoa học công nghệ, một số công trình trong lĩnh vực khác như: dược liệu. Nay tôi chưa thể nói cụ thể nó là gì vì công việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa hoàn thành. Nhưng một lần nữa tôi có thể khẳng định rằng trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục có công trình khoa học để tham gia các giải thưởng khoa học, hội thi khoa học uy tín như thế này.
- Xin cảm ơn anh! Chúc mừng anh đã giành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016. Chúc anh sẽ có thêm những công trình nghiên cứu khoa học mới trong thời gian tới.
P.V
Ý kiến bạn đọc