Theo tạp chí uy tín Science, qua nghiên cứu hố Chicxulub do một thiên thạch bị cáo buộc "giết chết" những con khủng long tạo ra, các nhà khoa học ở trường Đại học Hoàng gia London, Anh, đã tiến gần tới việc trả lời cho một số câu hỏi về lịch sử hình thành sự sống trên Trái đất. Kết luận này không đề cập đến sự tuyệt chủng của một số lượng lớn các loài sinh vật mà ngược lại chỉ nói về nguồn gốc của sự sống.
Các chuyên gia nêu giả thiết rằng chính các thiên thạch khổng lồ đã tạo ra những điều kiện tối ưu để những sinh vật đầu tiên trên hành tinh chúng ta xuất hiện và phát triển. Hố Chicxulub nằm một phần trên đáy của Vịnh Mexico và một phần ở phía Tây Bắc bán đảo Yucatan. Thiên thạch hình thành miệng hố này, rơi xuống Trái đất khoảng 65 triệu năm trước đây và nhiều chuyên gia cho rằng vì vậy mà trong khoảng thời gian đó, một số lượng rất lớn các loài sinh vật, kể cả hầu hết khủng long, đã biến mất khỏi Trái đất. Đường kính của hố do thiên thạch tạo ra là khoảng 130 km và độ sâu của nó ban đầu đạt 1-20 km.
Để nghiên cứu hố do thiên thạch tạo ra, các nhà khoa học đã khoan dưới đáy vịnh Mexico ở 506-1.335 m. Kết quả họ đã có thể nhìn thấy "các bức thành" của miệng hố và chắc chắn rằng các mô hình lý thuyết phổ biến hiện nay mô tả “các bức thành” hố thiên thạch không hoàn toàn đúng. Đất đá tại vị trí thiên thạch rơi hóa ra tơi xốp hơn nhiều và không bị lèn chặt hơn so với dự kiến. Về điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng miệng hố thiên thạch khổng lồ là một môi trường tuyệt vời cho các sinh vật sống - chúng dễ dàng "ở lại" trong các loại đá xốp, còn nước sẽ thâm nhập và mang chất dinh dưỡng vào đó.
Dựa trên những quan sát đó, các nhà khoa học đã nêu giả thiết rằng các hố hình thành do sự bắn phá của các thiên thạch thời Trái đất còn trẻ có thể đóng một vai trò then chốt trong quá trình hình thành và phát triển của sự sống.
Theo Một thế giới
Ý kiến bạn đọc