(VnMedia) - Từ đầu năm 2016, Việt Nam đã bắt đầu bước vào chặng đường đầu tiên của giai đoạn 3 - giai đoạn sung mãn của Thương mại điện tử (TMĐT) với tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng quy mô chưa cao.
Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ tại Hội thảo “Dịch vụ hoàn tất đơn hàng 2016” diễn ra vào chiều 24/10 tại Hà Nội. Đây là sự kiện nhằm kết nối các doanh nghiệp chuyển phát với doanh nghiệp bán hàng trực tuyến và các doanh nghiệp liên quan để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thời kỳ sung mãn của TMĐT Việt Nam đã đến
Hiện nay, phần lớn người dân thành thị đã làm quen với TMĐT với số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến tăng đáng kể, nhưng ở nông thôn, con số này vẫn còn rất ít, thậm chí còn chưa bao giờ tiếp cận TMĐT. Theo khảo sát của Bộ công thương, dân số sử dụng Internet của Việt Nam xấp xỉ 50 triệu người, trong số đó có khoảng 3/4 người đã từng mua sắm trực tuyến.
Theo ông Hưng, dân số sử dụng Internet và sử dụng TMĐT của Việt Nam là niềm mơ ước của các nước khác trên thế giới. Từ đầu năm 2016, Việt Nam đã bắt đầu chặng đường đầu tiên của giai đoạn thứ 3 (từ năm 2016-2020), đây được coi là thời kỳ sung mãn của TMĐT với tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng quy mô chưa cao. Ông Hưng cho rằng, xu hướng tăng trưởng sung mãn này có thể kéo dài tới 10 năm, điều này mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ tại Hội thảo |
Đây cũng là nhận định của tổ chức khảo sát uy tín trên thế giới. Trước đó, ngày 8/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1563/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020. Theo Quyết định này, tới năm 2020 cần xây dựng mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước; từng bước mở rộng ra khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Điều đó chứng tỏ rằng, TMĐT Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Trong giai đoạn này, dịch vụ chuyển phát nói riêng và dịch vụ hoàn tất đơn hàng chiếm vị trí quan trọng, là động lực để hình thức thương mại tiên tiến này thể hiện được ưu thế về sự thuận tiện, hiệu quả, một mặt giảm chi phí của người bán, mặt khác tăng sự thỏa mãn của người tiêu dùng.
Cần sự hợp tác chặt chẽ
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng ở Việt Nam chưa theo kịp xu hướng phát triển mạnh mẽ của TMĐT. Xu hướng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao. Người bán hàng tập trung nguồn lực vào các hoạt động dẫn người mua tới giao kết hợp đồng trực tuyến. Các dịch vụ liên quan tới thực hiện hợp đồng hay hoàn tất đơn hàng như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại, chăm sóc sau bán hàng…có thể thuê ngoài.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ trực tuyến với các nhà cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của TMĐT trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những năm tới.
Do đó, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến với các doanh nghiệp hoàn tất đơn hàng theo hướng chuyên môn hóa, khi mà phần lớn dịch vụ hoàn tất đơn hàng được thuê ngoài.
“Nếu giờ đây các doanh nghiệp TMĐT thương mại hết thì sẽ thất bại vì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng hiện nay chưa đủ chín muồi để làm tất cả mọi việc. Nhưng nếu chúng ta cùng hợp tác với nhau để cùng tiến tới mục tiêu đến năm 2020, chắc chắn mục tiêu Chính phủ đề ra sẽ thành hiện thực”, ông Hưng quả quyết.
Như vậy, hy vọng dịch vụ hoàn tất đơn hàng - “mảnh ghép” cuối cùng trong TMĐT Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện và kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến để đưa TMĐT phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Tuệ Minh
Ý kiến bạn đọc