(VnMedia) - Với tốc độ trên lý thuyết có thể cao hơn dịch vụ 3G tới 40 lần, 4G đang hứa hẹn sẽ là “siêu lộ” cho các dịch vụ dữ liệu. Nhưng để làm được điều đó, là vô vàn thách thức đối với các nhà mạng.
Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ 4G thế giới
4G là công nghệ truyền thông không dây thế hệ thứ tư, cho phép tốc độ truyền tải lên đến hàng Gigabit/s. Nhờ đó 4G sẽ giúp tạo một nền tảng mạnh để truyền tải các ứng dụng đòi hỏi tốc độ cao như Video Call; Video on Demand (VoD), camera giám sát…
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến ngày 1/6/2016, thị trường viễn thông thế giới đã có 503 mạng 4G thương mại tại 167 quốc gia. Con số này sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới bởi hiện có hàng nhà mạng khác cũng đang thử nghiệm công nghệ này. Điều đó cho thấy 4G đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới.
Bộ TT&TT trao giấy phép 4G cho VNPT |
Không nằm ngoài xu hướng chung đó, tại Việt Nam, từ đầu năm 2016, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 4 nhà mạng triển khai thử nghiệm 4G. Gần 10 tháng sau, ngày 14/10, sau khi đánh giá toàn diện các kết quả thử nghiệm của các nhà mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chính thức ký giấy phép cung cấp dịch vụ 4G cho VNPT và Viettel. Ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã trao giấy phép này cho VNPT. Như vậy, tập đoàn VNPT trở thành nhà mạng đầu tiên của Việt Nam nhận giấy phép 4G.
Tại buổi lễ nhận giấy phép 4G, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho biết “Trong tuần tới, VNPT sẽ chính thức triển khai 4G tại huyện đảo Phú Quốc. Hiện VNPT đã phủ sóng 4G tại địa phương này. Trong giai đoạn đầu, VNPT vẫn áp dụng mô hình giá cước như hiện nay. Do đó khi khách hàng đến Phú Quốc có thể đổi SIM 4G miễn phí để trải nghiệm dịch vụ 4G”.
Với sự kiện này, Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ 4G thế giới. Việc được phép triển khai 4G sẽ mở ra những cơ hội lớn cho các nhà mạng Việt Nam. Với tốc độ siêu cao, mạng 4G cho phép các nhà mạng triển khai các dịch vụ “ngốn” băng thông khủng mà với 3G gần như không thể thực hiện được. Dịch vụ mới sẽ mở ra cơ hội lớn cho cả các nhà cung cấp dịch vụ và người dân. Nhà mạng có thể tăng được doanh thu, trong khi đó, người dân sẽ có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ chưa từng có ở Việt Nam.
Triển khai 4G: Còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, để có được những điều trên, tất cả các nhà mạng sẽ đều phải vượt qua vô vàn thách thức.
Thách thức đầu tiên phải kể đến là bài toán doanh thu, chi phí. Trong khi doanh thu chưa thể đoán định thì chi phí lại là hiện hữu. Bài toán thu hồi vốn sẽ được đặt lên bàn và tác động tới kế hoạch triển khai của từng nhà mạng. Cũng giống như 3G, các nhà mạng sẽ phải lựa chọn giữa việc chỉ triển khai tại các thành phố lớn để thu hồi vốn nhanh và triển khai diện rộng và chấp nhận thu hồi vốn chậm. Và dù chọn phương án nào, rõ ràng 4G không phải cuộc chơi của các nhà mạng yếu về tài chính.
Thách thức lớn thứ 2 là thiết bị đầu cuối. Hiện nay, hầu hết các thiết bị đầu cuối sản xuất trước năm 2013 đều không hỗ trợ chuẩn 4G. Chưa có một số liệu thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn số lượng thiết bị này đang lưu hành trên thị trường không nhỏ. Điều này dẫn tới thách thức là có mạng 4G nhưng người dân không thể sử dụng với thiết bị họ đang dùng. Thay thế một thiết bị mới sẽ là trở ngại của người dùng. Họ sẽ phải cân nhắc giữa chi phí để đổi thiết bị khác có hỗ trợ 4G với lợi ích mà 4G mang lại.
Cuối cùng, giá cước dịch vụ 4G sẽ là một trở ngại. Kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai 4G như Mỹ, Nhật, Trung Quốc thì đơn giá trên một Mb của 4G không cao hơn 3G nhưng tổng mức chi trả thì cao hơn do dung lượng tiêu tốn của 4G lớn hơn. Cụ thể, ví dụ giá cước 3G hiện nay cho gói thông dụng tại Việt Nam là 70.000 đồng/tháng để có 600Mb ở tốc độ cao. Nghĩa là nếu tính ra đơn giá trên một Mb thì khoảng 1.200 đồng/Mb. Khi đó giả dụ như các nhà mạng Việt Nam cung cấp mức giá 1.200 đồng/Mb cho dịch vụ 4G với dung lượng ở tốc độ cao là 1.000Mb, thì tổng mức chi trả hàng tháng của khách hàng là 120.000 đồng/tháng.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng thực ra đây là những khó khăn mà khi triển khai 3G các nhà mạng đã phải đối mặt. Do đó tin rằng các nhà mạng nhiều kinh nghiệm như VNPT, Viettel, VMS sẽ có giải pháp hữu hiệu.
Bên cạnh đó, băng rộng 4G không chỉ tác động tới riêng các nhà mạng mà còn có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế quốc gia. Theo tính toán, nếu mật độ băng rộng tăng 10% thì GDP quốc gia tăng tương ứng 1%. Với lợi ích đó, Chính phủ, các cơ quan quản lý và cả người sử dụng cũng sẽ chung sức cùng các doanh nghiệp viễn thông trong việc biến những thách thức trên thành cơ hội cho quốc gia, doanh nghiệp và cả người dân.
Mạnh Đạt
Ý kiến bạn đọc