(VnMedia) - Với sự phát triển của Internet of Things và Big Data, các doanh nghiệp đang tiếp xúc với nhiều sự mới mẻ, từ chuyện tìm thấy những nguồn thông tin mới, cách phân tích dữ liệu mới đến cách ứng dụng các phân tích đó vào công việc kinh doanh. Đây là những “con cá vàng” mà doanh nghiệp không nên bỏ lỡ...
Cloud Computing - Tạo một mảnh đất trên điện toán đám mây
Với kho dữ liệu gày càng lớn, các doanh nghiệp không thể lưu trữ và xử lý theo cách thức thông thường. Theo dự đoán năm 2020, thị trường Hadoop, công nghệ nguồn mở hàng đầu trong lĩnh vực Big Data, sẽ tăng trưởng với tốc độ 58% và vượt qua con số 1 tỷ USD. Ít nhất 1/3 lượng dữ liệu đó được lưu trữ và xử lý trên điện toán đám mây. Con số lưu trữ dữ liệu trên đám mây của năm 2020 được dự đoán là ít nhất 40%. Tỉ lệ này, hiện tại, các quốc mới nổi chỉ chiếm 40%, đến 2020, con số này là 70%. Điện toán đám mây hiện chiếm đến 5% tổng chi tiêu IT trên toàn thế giới, và mỗi năm tăng đến 10%.
Do đó các doanh nghiệp nên sử dụng điện toán đám mây để tổ chức toàn bộ cấu trúc dữ liệu của nội bộ, dữ liệu từ web, dữ liệu từ các máy móc thiết bị và các dữ liệu phi cấu trúc để từ đó có thể đọc vị được dữ liệu và sử dụng các bí mật đọc được từ dữ liệu cho phát triển kinh doanh, phục vụ khách hàng tốt hơn. Hiện tại các doanh nghiệp lớn cung cấp điện toán đám mây khá an toàn cho dữ liệu như: Amazon, AT&T, Enomaly, Google, Gorid, Microsoft, Netsuite, Rackspace, Rightscale, Salesforce, VNPT…
Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) - Machine Learning (Khả năng Học hỏi của máy móc)
Năm 2016 - Câu chuyện phần mềm AlphaGo đánh bại huyền thoại cờ vây thế giới Lee Se-dol đến từ Hàn Quốc trở thành một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligent). Điều này đã đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới của sự phát triển về trí tuệ nhân tạo và khả năng phân tích dữ liệu của máy móc. Các cỗ máy và các chương trình phần mềm - ứng dụng cho phép mô phỏng, học hỏi phân tích các dữ liệu của con người qua thời gian và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Đây là những công cụ tuyệt vời giúp con người có thể giải mã được dữ liệu và dự đoán những hành vi trong tương lai.
Điều các doanh nghiệp lưu ý là phải áp dụng AI lẫn machine learning vào trong hệ thống doanh nghiệp của mình để thay thế con người trong việc thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin tự động và chính xác. Rất nhiều ứng dụng AI và Machine Learning đang được sử dụng và cho thấy hiệu quả, từ xe tự lái của Google đến những lời giới thiệu trực tuyến của Amazon hay Netflix... Một ngày nào đó, bạn sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi gọi điện thoại đến một trung tâm chăm sóc khách hàng để gặp một Call Center hoàn toàn tự động, không cần đến con người trả lời.
Cải thiện giám sát an ninh
Thị trường các sản phẩm và dịch vụ an ninh mạng trên thế giới đã vượt qua con số 50 tỷ USD, và vẫn còn tăng mạnh trong những năm tới. Khi doanh nghiệp phát triển quy mô lớn, dữ liệu trực tuyến ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc mục tiêu bị hack càng cao. Chính vì vậy, đầu tư bảo đảm an ninh và an toàn dữ liệu, cũng như các phương án dự phòng khi bị tấn công mạng là hết sức cần thiết. Chặng đường bảo vệ dữ liệu nhiều thách thức nhưng sẽ là nền tảng vững chắc cho tương lai ổn định và đảm bảo các dữ liệu lớn một cách an toàn.
Phân tích dữ liệu
Nhà khoa học dữ liệu, tức chuyên gia giúp phân tích dữ liệu cho doanh nghiệp, sẽ trở thành một trong những ngành nghề “hot” nhất thế kỷ 21. Thị trường Mỹ và Anh đang thiếu hụt trầm trọng các nhà khoa học dữ liệu. Còn tại Việt Nam, một thị trường mới nổi, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho công việc này nhằm có được phân tích các dữ liệu có giá trị nhất. Nhiều công ty có thể làm được điều này mà không nhất thiết phải tuyển dụng các nhà khoa học dữ liệu cho riêng mình vì có thể sử dụng các dịch vụ từ các công ty có chuyên môn cao bên ngoài cung ứng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.Giá trị của thị trường các phần mềm phân tích đã lên đến hơn 40 tỷ USD/năm, mỗi năm tăng thêm 10%.
Dữ liệu lớn
Big Data không còn được nghiên cứu và trao đổi trong phòng thí nghiệm hay trong phòng họp của các cấp lãnh đạo cao nhất mà đang hiện diện hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống. Mỗi sáng thức dậy, thể dục buổi sáng xong, chúng ta có thể nhìn thấy trên đồng hồ thông minh hiện thị số giờ ngủ, số km đi bộ, số lượng calories đốt cháy khi chạy bộ, kế hoạch giữ thân hình khoẻ mạnh thực hiện được bao nhiêu phần trăm... Phần mềm quản lý chi tiêu trên di động của chúng ta cho chúng ta biết thực trạng chi tiêu của chúng ta như thế nào, tại sao giờ lại hết tiền… Dữ liệu giờ đây hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống và toàn bộ dân số xã hội đang tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ không ngừng gia tăng.
Trong khi quy mô và tốc độ, cũng như sự đa dạng của dữ liệu trong kỷ nguyên kỷ thuật số ngày một phức tạp, trở thành một thách thức không có điểm dừng, những ai tìm ra được các cơ hội, các nguồn dữ liệu có giá trị, bằng các công cụ hợp lý và áp dụng vào trong công cuộc kinh doanh, thì sẽ vượt lên dẫn đầu, đi xa.
Phạm Lê
Ý kiến bạn đọc