(VnMedia) - Theo ông Lại Xuân Môn ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, để xây dựng được nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam cần thời gian dài, phải có lộ trình từng bước, các cấp, các ngành phải vào cuộc. Đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Hội Nông dân Việt Nam rất cần sự hợp tác trong phổ biến, tuyên truyền cho nông dân về CNTT, phổ cập các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là Internet…
>> Nông dân với dự án cam Cao Phong giành giải Nhất cuộc thi "Nông dân với CNTT"
- Theo ông CNTT đóng vai trò quan trọng như thế nào với sản xuất nông nghiệp?
Ông Lại Xuân Môn: Cần khẳng định CNTT là thành tố quan trọng không thể thiếu được trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống. Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nếu không ứng dụng tốt CNTT thì khó có thể thực hiện được CNH, HĐH nền nông nghiệp. Còn đối với người nông dân, CNTT đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thứ nhất, CNTT giúp người nông dân nhanh chóng tìm kiếm được thị trường đầu vào, đầu ra cho các loại sản phẩm, trao đổi thông tin sản phẩm, hàng hóa, tiếp tiếp thị sản phẩm của mình tới người tiêu dùng và vươn ra thị trường thế giới.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. |
CNTT giúp người nông dân nhanh chóng tiếp cận được với khoa học, công nghệ, công nghệ mới, từ đó có thể học hỏi, sáng tạo, cải tiến quy trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản... Công nghệ cũng giúp người dân trao đổi thông tin, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh giữa nông dân với nông dân, nông dân với các nhà khoa học, nông dân với các doanh nghiệp. CNTT giúp nông dân nhanh chóng tìm kiếm, nắm bắt được các chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, các bộ, ngành liên quan đến những vấn đề nông dân cần tìm hiểu. Nhờ có CNTT, người nông dân cũng hoàn toàn có thể tự kiểm tra được các thông tin hàng thật, giả…
Do vậy, theo tôi CNTT rất quan trọng với nông dân trong sản xuất nông nghiệp hiện nay để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhấp quốc tế.
- Ông có thể cho biết năng lực sản xuất và trình độ của người nông dân Việt Nam so với các nước trong khu vực?
Tôi có thể khẳng định, nông dân Việt Nam không thua kém nông dân các nước trong khu vực về năng lực và trí tuệ. Trong 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn: đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhiều mặt hàng xuất khẩu có thứ hạng cao trên thế giới, như gạo, cao su, tiêu, điều tôm, cá... Tuy nhiên vẫn phải nói sự tăng trưởng trên chủ yếu dựa vào thâm canh sản xuất, sự cần cù của người dân, dựa vào nhân lực, tài nguyên thiên nhiên có sẵn.
Và chúng ta thấy từ 1990 tăng trưởng từ nông nghiệp đã chậm và chững lại. Qua tổng kết cho thấy tốc độ tăng trưởng năng suất lao động nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000 - 2013 Việt nam chỉ đạt 3,4% chưa bằng ½ so với Hàn Quốc giai đoạn 1980 - 1995, hoặc so với Trung Quốc trong cùng giai đoạn họ cũng đạt 7,5%. Thậm chí, 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng nông nghiệp của ta còn tăng trưởng âm trong khi các lĩnh vực khác là dương.
Như vậy nền nông nghiệp nước ta hiện đang phát triển không bền vững do gặp nhiều bất lợi trong thời điểm hiện nay (giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thấp; sinh lời thấp so đầu vào, ko đảm bảo ATVSTP; quy mô sản xuất nhỏ; liên kết sản xuất kém). Theo tôi năng lực sản xuất, trình độ người nông dân Việt Nam không kém nông dân các nước trong khu vực, nhưng hiệu quả, năng suất lao động, giá trị sản xuất nông nghiệp của đa số nông dân là kém vì do họ chưa có được đủ điều kiện, môi trường, tư liệu sản xuất, phương thức sản xuất như nông dân các nước trong khu vực để sản xuất nông nghiệp (không đủ vốn đầu tư, thiếu người hướng dẫn thế nào là CNH, HĐH nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp là gì, người dân phải làm gì trước; nông dân vẫn khó khăn trung tiếp cận và ứng dụng khoa học, công nghệ; cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan chưa vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ; giao thông nội đồng nhỏ hẹp, hệ thống thủy nông nội đồng không thuận lợi cho tưới tiêu, ruộng đất manh mún.
- Ông có thể chia sẻ lý do để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quyết định phát động một cuộc thi “Nông dân với CNTT” qui mô toàn quốc như vậy?
Nghị quyết lần thứ 12 của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, xác định rõ chủ trương “đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng KH&CN, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia, an toàn VSTP; tổ chức lại SX, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị… khuyến khích liên kết hộ nông dân với các tổ chức tín dụng, tổ chức KHCN và doanh nghiệp”.
Góp phần thực hiện nhiệm vụ trên có vai trò của tổ chức Hội và người nông dân. Vì vậy Hội thấy cần phải làm cho người nông dân Việt Nam, những hội viên nông dân của, trụ cột của gia đình, chủ thể chính trong phát triển nông nghiệp, phải hiểu và ứng dụng tốt Công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp nông dân VN phát triển toàn diện, có vậy mới xây dựng đất nước trở thành đất nước công nghiệp hiện đại.
Tổ chức Cuộc thi này, để hội viên nông dân trên khắp mọi miền đất nước hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, và đời sống từ đó có vận dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân.
- Với tư cách là người đứng đầu của Trung ương Hội nông dân Việt Nam, ông có mong muốn được hợp tác như thế nào với Tập đoàn VNPT nói riêng và các doanh nghiệp khác trong việc phát triển nền Nông nghiệp thông minh ở Việt Nam?
Nền Nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp có khả năng cho sản lượng và lợi nhuận tăng một cách bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu biến đổi khí hậu; là nền nông nghiệp áp dụng CNTT, KHCN cao, Công nghệ sinh học, hóa học, lý học, cơ khí hóa; là nền nông nghiệp trực tuyến. Đây cũng là nền nông nghiệp các quốc gia đang hướng tới.
Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án này ở 3 tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La giai đoạn 2012 - 2015 (mục tiêu là tăng sản lượng, hiêu quả kte cao, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường. Để xây dựng được nền nông nghiệp này ở Việt Nam cần thời gian dài, phải có lộ trình từng bước, các cấp, các ngành phải vào cuộc vì liên quan nhiều lĩnh vực.
Theo tôi, nông nghiệp, nông dân Việt Nam phải nhanh chóng bắt tay vào xây dựng nền nông nghiệp này, các bước đi của ta quá chậm. Hiện nay nên đầu tư vào khâu hỗ trợ giống; sự dụng phân vô cơ; bảo tồn môi trường đất; môi trường nước; nông dân phải biết kết hợp với nhau trong làm ăn; có ý thức, trách nhiệm cao trong sản xuất nông nghiệp an toàn. Những ngành, doanh nghiệp nào liên quan đến những khâu này Hội Nông dân Việt Nam đều mong muốn có sự hợp tác và hỗ trợ Hội để Hội hỗ trợ nông dân.
Đối với VNPT, Hội rất cần sự hợp tác trong phổ biến, tuyên truyền cho nông dân về CNTT, phổ cập các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là Intenet và các ứng dụng CNTT cho hội viên nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cải thiện đời sống; xây dựng các gói cước thông tin, Intenet dành riêng cho nông dân với giá rẻ…
- Xin cảm ơn ông!
Theo chia sẻ của bà Phạm Thị Hồng Mai, Phó Giám đốc công ty IPC, Ban tổ chức cuộc thi Nông dân với CNTT, trong quá trình tổ chức Cuộc thi, Ban tổ chức đã có thời gian tiếp xúc và làm việc với rất nhiều thí sinh là người nông dân. Điều ngạc nhiên là người nông dân nhiều nơi của chúng ta đã biết ứng dụng CNTT rất linh hoạt vào các khâu không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn đào sâu, nghiên cứu, khám phá qua Internet và đặc biệt là tự tiếp thị và tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình. Tôi cho rằng bên cạnh những yếu tố hạ tầng viễn thông - kết nối, thiết bị đầu cuối, hệ thống thông tin - cơ sở dữ liệu, sự hỗ trợ của các nhà mạng Viễn thông và vai trò của các cơ quan quản lý ... rất cần truyền thông, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người nông dân về những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại; Đào tạo và hỗ trợ nông dân phổ cập kiến thức cơ bản về CNTT, về quy trình sản xuất, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm của Nông dân, trên cơ sở tạo ra chuỗi liên kết giữa Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà nhà nông - Doanh nghiệp”.
Bà Phạm Thị Hồng Mai, Phó Giám đốc công ty IPC |
Phạm Lê (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc